Diễn viên Thanh Tú Biệt động Sài Gòn - Một đời lận đận

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dáng đi xiêu vẹo nhưng thân thể vẫn còn tráng kiện, tuổi 70 và bệnh tật vẫn không làm mất đi vẻ hào hoa phong nhã của diễn viên Thanh Tú.
Diễn viên Thanh Tú Biệt động Sài Gòn - Một đời lận đận
Thanh Tú vai chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Liên và bộ đồng phục sĩ quan (ngụy) may gấp trong phim Biệt động Sài Gòn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ diễn viên cải lương...

Khán giả Sài Gòn trước 1975 quá quen thuộc với Thanh Tú bởi ông xuất hiện trong hàng loạt vở cải lương kinh điển của Nam Bộ thời đó như: Hận tình duyên nữ diễn với Thanh Nga sau đó được Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963; Tư sinh tử, Vợ và tình, Tuyết băng và B.L, Nợ dâu... đều của soạn giả Năm Châu. Ông là người từng diễn chung với những kỳ nữ cải lương của miền Nam lúc đó là Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Phượng Liên...

Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, gốc tận Cà Mau. Ông kể gia đình không ai theo nghệ thuật, "chỉ ông già thích đánh đờn kìm". Chẳng hiểu sao từ bé ông lại mê mẩn cải lương đến thế. Mặc cho cha ngăn cản, thậm chí đánh đập vì ông là con trai duy nhất, trên còn người chị gái, ông vẫn một mực xin theo đoàn hát. Năm 1959, Thanh Tú gia nhập đoàn Tân Hương Hoa, năm 1960 về với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thế vai Thành Được. "Cuối thập niên 1960 đầu những năm 70 tôi tham gia rất nhiều vở, giờ không thể nhớ hết. Đào diễn lúc đó là Bạch Tuyết, Phượng Liên và cả vợ là Trang Bích Liễu ở đoàn Dạ Lý Hương. Tôi lấy vợ tính đến nay đã 40 năm rồi nhưng thằng con trai Thanh Tiến mới 24 tuổi, vừa tổ chức lễ cưới cho nó hôm tháng 5.2010. Cũng bởi mê hát quá, lấy vợ mà cứ lần lữa không chịu có con đến hồi muốn có chẳng được. Tôi chỉ độc nhất một đứa, cũng may là còn có con nối dõi", nói đến đây ông cười, giọng run run vì di chứng của trận tai biến mạch máu dẫn đến nhũn não, liệt nửa người cách đây 17 tháng.

Ông ngồi trầm ngâm trong ngôi nhà ở quận 6, TP.HCM nhớ lại quãng đời 50 năm đi hát của mình, nhắc từng kỷ niệm nhỏ khi diễn chung với Thanh Nga bằng giọng bùi ngùi: "Tôi tin chắc đến giờ dù vẫn còn đó những nữ diễn viên cải lương tài giỏi nhưng không ai có thể sánh được với Thanh Nga, một người tài sắc vẹn toàn, viên ngọc sáng của cải lương Nam Bộ. Tôi may mắn diễn chung với chị nhiều vở, nhưng khán giả nhớ đến nhất vẫn là vai Nhuận Điền trong Bên cầu dệt lụa".

Đến vai diễn điện ảnh để đời


Diễn viên Thanh Tú hiện nay - Ảnh: Đ.T

Ngoài cải lương, Thanh Tú còn diễn kịch và đóng phim. Vở Giọt sầu ông đóng với Thẩm Thúy Hằng hay Phi vụ cuối cùng với Túy Hồng được nhiều khán giả Sài Gòn thời đó ưa thích. Bộ phim đầu tiên ông tham gia là Chiều kỷ niệm vào năm 1964, diễn chung với Thẩm Thúy Hằng. Sau năm 1975, ông được các hãng phim mời vào nhiều vai như đại tá, giám đốc công an (Phi vụ Phượng hoàng), đại tá ngụy Lê Quang Trung (Ông cố vấn)... nhưng theo ông thì: "Đến giờ hằng ngày tập đi bộ 40 phút trong công viên gần nhà, nhiều người vẫn nhận ra tôi là "chuẩn tướng" (ngụy) Nguyễn Ngọc Liên, vai diễn để đời trong phim Biệt động Sài Gòn. Gặp lại các anh sĩ quan công an, ai cũng gọi tôi là "chuẩn tướng". Lúc đóng Biệt động Sài Gòn tôi xấp xỉ tuổi 40, dáng dấp còn phong độ lắm".

Rồi ông kể vì ê-kíp làm phim từ Bắc vào nên không rành lắm trang phục của sĩ quan ngụy nên ông phải tự đi may gấp bộ complet trắng. Đặt hàng buổi sáng, chiều lấy mới kịp tiến độ làm phim, chấp nhận trả công thật cao. "Cẩn thận từng chi tiết nhỏ để khán giả xem phim mình đóng không cười vì những lỗi nhỏ về phục trang, đạo cụ. Ngày xưa làm phim là thế, đạo diễn, diễn viên rất trân trọng nghề nghiệp. Tôi không đồng ý với đạo diễn bộ trang phục được cấp nên tự tay đi may cho đúng kiểu. Vậy mà cát-sê chỉ được 100 đồng một ngày. Tôi nhớ rõ lần quay phim Trang giấy mới (1979) của đạo diễn Lê Dân, đoàn phim sống quá kham khổ, diễn viên đạo diễn, ê-kíp thực hiện chỉ toàn ăn cơm vắt muối đậu, nằm cả tháng trong rừng cao su. Lúc đó chỉ vì mê phim quá nên cực khổ mấy cũng chẳng màng", ông tâm sự.

63 tuổi mới có nhà

Năm 1993, Thanh Tú và vợ Trang Bích Liễu giải tán đoàn hát mang tên hai người vì cải lương không còn đất sống. Ông ngậm ngùi: "Đời đi hát, mấy ai biết cho thân phận nghệ sĩ. 53 tuổi, tóc lấm tấm bạc, con mới 7 tuổi đầu, về tá túc trong căn nhà bên vợ, nợ nần chồng chất. Tôi và vợ con nằm ngủ trên nền gạch, chẳng có đến chiếc xe đạp mà đi. May nhờ vợ chồng võ sư Hồ Hoa Huệ giúp vốn mở quán nghệ sĩ ở quận 5, TP.HCM. Vợ lo bếp núc còn tôi tiếp bạn bè. Nhờ thế mà kinh tế khá dần lên, trả được nợ, 10 năm dành dụm mới mua được căn nhà này. Nhưng cũng vì cái quán mà tôi đổ bệnh. Ngày nào cũng tiếp khách, ai cũng quý mình đến quán là mời uống. Bia rượu vô độ nên thình lình tôi bị tai biến chứ từ xưa đến giờ sức khỏe tốt lắm, cách đây 2 năm tôi còn tập tạ giữ dáng như lực sĩ vậy".

Rồi ông nhắc lại thế hệ ông, nghệ sĩ Diệp Lang ngày xưa lấy sân khấu làm nhà, buồn vui với đời đi hát. Kỳ cựu như vậy mà cuối đời mới có căn nhà che mưa nắng. Ông nói mình còn may bởi nhiều lắm những nghệ sĩ vô gia cư, sống lây lất cuối đời trong nghèo khó. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật