NSƯT Thanh Thanh Hiền - Không lăn theo vết xe đổ đời mình

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền tên thật là Phạm Thị Thu Huyền, sinh năm 1969 tại Hà Nội, trong một gia đình cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ, trong đó mẹ là nghệ sĩ cải lương Kim Thoa. 6 tuổi, chị đã lên sân khấu biểu diễn cải lương và thể hiện năng khiếu bẩm sinh từ lúc nhỏ.
NSƯT Thanh Thanh Hiền - Không lăn theo vết xe đổ đời mình
Thanh Thanh Hiền

Một thời, chị là cây cải lương số 1 của miền Bắc và cũng là người gặt hái Huy chương vàng trong các hội diễn. Tuy nhiên, Thanh Thanh Hiền thường là khách mời đặc biệt cho cải lương ở sân khấu phía Nam bởi lối biểu diễn đa dạng, sự chuyển giọng linh hoạt và đặc biệt luôn đảm bảo được những vai “nặng đô” không phải nghệ sĩ nào cũng làm được.

Thanh Thanh Hiền cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của Việt Nam đa năng và đa dạng. Là một nghệ sĩ cải lương tiếng tăm, đồng thời cũng là một ngôi sao hát nhạc dân gian trữ tình và dân gian đương đại rất cá tính và khá đắt show ở miền Bắc. chị cũng có thể hát rất hay chầu văn, ca Huế và ca  trù, chèo… Sự đa năng ấy một phần được bồi đắp trong chặng hành trình hơn 10 năm cùng người chồng, nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú. Nhưng khoảng thời gian đó, sự đa năng cũng đi kèm với sự đa đoan đời nghệ sĩ, mà kết quả cuối cùng là hai người không cùng nhau đi đến cuối con đường…

“Tôi ngang tàng. Tôi có những đêm sâu suy nghĩ. Cũng có lúc cười gằn với đau khổ. Rồi đứt gãy trong cuộc sống riêng tư…Có lẽ về tư liệu cuộc đời, tôi hoàn toàn đáp ứng được đòi hỏi của một Hồ Xuân Hương trên sân khấu”, người đàn bà đa đoan  với đôi mắt dao cau Thanh Hiền chia sẻ.

Có lẽ những ai mê cải lương đều không thể không nhớ cái tên Thanh Thanh Hiền , cây cải lương số 1 của miền Bắc một thời và để lại nhiều ấn tượng về thanh lẫn sắc qua một thời gian Nam chinh.

Sau một thời gian tạm xa sân khấu cải lương, Thanh Thanh Hiền đã chính thức trở lại. Ban đầu là vai cung phi Điểm Bích đầy mãnh lực vào năm 2007, gây ngỡ ngàng cho khán giả cả hai miền Nam-Bắc. Và bây giờ là vai nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Giọng thổ pha kim mạnh nhưng trong trẻo, tất cả nhân vật Thanh Thanh Hiền truyền tải, đều là những người đàn bà mạnh mẽ, khao khát yêu đương nhưng luôn bị đẩy vào cảnh ngộ hoang phế của số phận. Tôi vẫn hình dung ra, trước những vai diễn, là một Thanh Thanh Hiền điềm tĩnh với chút rượu, rít vài hơi thuốc lá, để vào cuộc “nhập đồng” hoàn hảo. Có những khoảng dửng dưng trên đời để nghệ sĩ chuẩn bị hóa thân vào nhân vật, nhưng cũng có những khoảng dửng dưng để nghệ sĩ hóa kiếp vào nhân vật. Thanh Thanh Hiền nằm ở trường hợp thứ 2.

Theo chồng…bỏ đam mê

Với sự trở lại đầy năng lượng và vẫn được khán giả yêu quý, được sự chào mời khá nhiệt tình, chị có cảm thấy tiếc vì mình không trở lại sớm hơn?

Không đâu anh ạ. Nếu tôi trở lại sớm hơn, có khi chưa chắc đã thành công bởi lúc đó chưa có kịch bản tốt, chưa có những con người đồng lòng để làm nên một tác phẩm hay. Một mình mình không làm cái gì được. Mà biết đâu lại phản tác dụng đấy chứ.

Thực sự, trước đó không có lời mời nào hấp dẫn lôi tôi vào cuộc. Sự hấp dẫn suy cho cùng là dựa trên tác phẩm. Chỉ đến khi có một tác phẩm mà đọc lên người ta thấy chỉ có Thanh Thanh Hiền mới có thể truyền tải hết độ dày, độ sâu sắc của vai diễn người ta mới mời.

Có thể hiểu, chị rời xa cải lương vào năm 1997 để chuyển hẳn sang tân nhạc khi về đầu quân cho Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long, một phần do thực trạng cải lương phía Bắc lúc đó khiến người nghệ sĩ không còn đất để thể hiện tài năng?

Không. Tôi quyết định vì lý do xây dựng gia đình. Chồng tôi khi ấy (nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú) làm ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Tôi phải lựa chọn biểu diễn một dòng nhạc khác.

Nghệ sĩ cải lương vất vả và nhiều nỗi khổ tâm lắm, luôn phải trong tình trạng đi sớm về khuya. Mỗi khi tôi đi diễn về khuya, anh Tú cứ đi lang thang không ăn, không vào nhà ngủ và anh thấy buồn. Mỗi khi nghe tiếng còi xe đoàn đi diễn về, anh sung sướng lắm. Anh rất thông cảm với vợ, nhưng đổi lại phải chịu thiệt thòi nên tôi không nỡ.

Vị trí cải lương của tôi ngày đó là số 1. Khi được gặt hái thành quả sau những ngày vất vả, lại là lúc mình đi. Trước đây khi còn theo cải lương, tôi đã đi hát nhạc nhẹ, trữ tình, đá gà đá vịt sang các lĩnh vực khác và sống rất ổn bằng việc diễn ngoài. Lúc đó tôi đã là cộng tác viên của Nhà hát Thăng Long, đi diễn với đoàn nhiều lắm.

Mười năm xa loại hình sân khấu mình yêu quý, có lúc nào chị nghĩ khán giả đã quên mình? Hát tân nhạc nhiều thế, chị có sợ chính mình quên nghề?

Không. Tôi vẫn nạp năng lượng cho nó đều đặn. Ở nhà, ngồi ăn tôi đều ca cải lương, đi ngủ cũng lẩm bẩm. Đi diễn cũng thế, khán giả chỉ cần có ý, tôi đã hướng cho người ta nghe cải lương rồi. Những vở tuồng tích, tôi vẫn nghe, vẫn tư duy và vẫn tự hỏi: nếu đóng vai này, thì mình sẽ diễn như thế nào. Nhận vai Điểm Bích xong, bao nhiêu vốn trong 10 năm ùa ra, làm mà tôi còn sợ thời lượng không đủ để tung ra hết những thứ mình muốn.

Như chị nói, nếu như chị không vì gia đình, chị không thể xa cải lương. Và khoảng thời gian vợ chồng chị đồng hành với nhau một chặng đường nghệ thuật, hai người đã chia sẻ rất nhiều và chị cũng học được rất nhiều. Một cặp đôi hạnh phúc trong cả cuộc sống lẫn nghệ thuật như vậy, nhưng cuối cùng vẫn tan vỡ. Vì sao hả chị?

Đúng là nếu không lấy Anh Tú, không bao giờ tôi rời  sân khấu cải lương, vì tôi quá yêu nó, nhưng đổi tình yêu nghề để lấy hạnh phúc trong đời, tôi cũng như bất cứ người phụ nữ nào đều muốn. Những năm đầu, tôi cũng bỏ thời gan, công sức để lao vào kiếm tiền, để gây dựng gia đình. Lúc hai vợ chồng lấy nhau chỉ hai bàn tay trắng. Tôi đã thực sự được sống với một chặng hành trình khác của nghệ thuật nên không hối tiếc gì cả.

Tôi biết, không còn bên  anh Tú nữa thì sự chia sẻ trong nghệ thuật đã mất đi. Đây là một sự thiệt thòi và đáng tiếc, tiếc cả về quan hệ xã hội.

Ở mặt nào đó, hy sinh vì một hạnh phúc mà cuối cùng hạnh phúc tuột khỏi tầm tay, thì sự hy sinh lại quay về xuất phát điểm ban đầu của nó: số 0. Gần đây, anh Tú có kể chuyện Gà trống nuôi con khá tội nghiệp, còn người mẹ thì…đi biệt!

Sự hi sinh chỉ còn giá trị khi ta đừng nói về nó. Nếu nói nhiều, đúng là nó sẽ quay trở về con số 0. Có những thứ nên im lặng để tốt đẹp như nó từng tốt , từng đẹp.

Anh Tú thuyết phục để được nuôi con, là các con ở với anh sẽ tốt cho sự phát triển, học hành của chúng. Cuộc sống của các con hiện tại không bị xáo trộn và tôi làm điều đó chỉ vì muốn tốt cho con. Mẹ không bao giờ muốn xa con cả. Và con luôn cần có mẹ.

Tôi không ngang tàng trong hạnh phúc

Có thể hiểu, về tài năng và văn hóa vùng miền, chị hoàn toàn đáp ứng được một Hồ Xuân Hương trên sân khấu. Nhưng còn nhiều điểm gặp khác không, để Thanh Thanh Hiền là Hồ Xuân Hương?

Hồ Xuân Hương là người rất khát khao với cuộc sống, với tình yêu và phải nói, nhân vật luôn biết được cái tài của mình, giá trị của mình. Sau nữa, Hồ Xuân Hương là một nhân  vật có tính nổi loạn. Bà can đảm, ngang tàng. Trong tôi cũng có những yếu tố đó.

Chị có thể nói cụ thể về sự ngang tàng của chị được không?

Khi đã quyết làm điều gì là tôi làm bằng được. Mà có một điều nữa là nếu không ai cản thì tôi sẽ làm từ từ, rồi có thể không làm nữa. Nhưng càng nhiều người cản, tôi càng cảm thấy như bị hối thúc, tôi càng làm, càng khẩn trương và càng vượt bằng được, bằng mọi giá.

Ngang tàng như thế, có phải là lý do làm hạnh phúc của chị tan vỡ?

Tôi chỉ cần một thứ, được là mình. Tôi sẽ làm mọi thứ và bảo vệ đến cùng cái tôi của mình. Nhưng đối với người mình gắn bó, từ trước tới nay tôi có đức tính quên mất cái tôi, nhường hết mọi thứ cho người mình yêu. Tôi luôn thấy mình nên chăm sóc, hy sinh cho người khác, để rồi chăm sóc quá, chiều quá, người khác hư để  rồi nắn lại không được nữa. Và cuối cùng cái gì đến cũng đến. Tôi không ngang tàng trong hạnh phúc.

Thế có thể hiểu, sự đổ vỡ có một phần là do sự đa đoan nghệ sĩ của cả hai người ư?

Đổ lỗi cho nghệ thuật thì vô lý. Nghệ thuật đúng nghĩa thì vô cùng đẹp. Còn vấn đề là do mình gặp ai, đối tượng của mình thế nào. Tôi nghĩ trong trường hợp của tôi, sự đa đoan bắt đầu từ chỗ không có chữ thương. Yêu mà không thương sẽ làm mình khó chịu và khổ sở. Yêu mà không thương người ta sẽ ghen đến mức ích kỷ. Yêu mà không thương người ta sẽ hành hạ mình.

Được biết sau khi chia tay với một nghệ sĩ chơi đàn bầu, chị laị phải duyên với một nghệ sĩ guitar và đàn kìm, hiện công tác tại  Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM. Đến với nhau khi đều đã trải qua sóng gió gia đình, anh chị có gặp nhiều rào cản không?

Không. Dù hơn tôi 6 tuổi nhưng suy nghĩ của chúng tôi không có khoảng cách. Lần gặp đầu tiên, anh Môn nói, anh ấy choáng váng và bị hút hồn khi nghe tôi hát. Ở bên anh, tôi cảm thấy yên tâm, vì không chỉ được yêu mà còn được thương, nên mọi thứ rất nhẹ nhàng. Chúng tôi đều có xuất phát điểm vất vả rồi đứng vững bằng nghề nghiệp nên rất hiểu nhau và hoàn toàn thông cảm sau những đổ vỡ của cuộc sống riêng tư. Chúng tôi chia sẻ và trân trọng nhau.

Vì hạnh phúc, chị chuyển từ cải lương sang tân nhạc. Bây giờ có người yêu ở Sài Gòn, bắt đầu bén duyên trở lại với sân khấu cải lương miền Nam, chị có vì tình yêu để một lần nữa bỏ tân nhạc để quay về với cải lương rồi chuyển vào trong này để sinh sống?

Không. Tôi không dại gì đi theo vết xe đổ ấy. Bởi vì hoàn cảnh gia đình lúc đó khác, bây giờ khác. Tuổi đời tôi cũng lớn rồi và đã định hình được nhiều thứ. Quan trọng là tôi không muốn thay đổi vì người khác nữa. Đã đến lúc phải đặt giá trị của mình đúng chỗ. Tôi yêu Hà Nội và nếu làm đám cưới thì cũng đành người ra người vào thôi. Đối với người mình yêu,nói mọi thứ trọn vẹn rất khó. Tôi chỉ thấy tôi đang yêu và được yêu ở giây phút tôi ngồi với anh đây.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo M&CS

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật