Nghiện ăn đất như bị dính tà?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người ta đi khắp chốn non cao và tìm những miếng đất để ăn ngon lành. Chúng như những miếng kẹo bán ở chợ quê để làm quà.
Nghiện ăn đất như bị dính tà?
Nướng đất lên ăn.

Những ngày đi công tác từ Đông sang Tây, từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng lên miền núi, tôi đã từng gặp và nghe kể về tục ăn đất ở khắp nơi.

Đây là cục đất đào được dưới độ sâu 10 mét ở đồi Vạng. Người dân Lập Thạch bảo đất này nạc lắm, bùi lắm, ngon lắm...

Ở miền núi phía Bắc, vùng Sơn La, Lai Châu, dân tộc Kháng cũng từng có tục ăn đất. Khi phụ nữ có thai, họ đào sâu vào lòng núi, hoặc gõ vào lớp đá non, lấy loại đất mịn, sạch, có màu trắng để lên gác bếp, lẫn với đủ các loại rau cỏ, thịt khô, thịt hun khói.

Người Kháng nổi lửa quanh năm ở bếp. Khói bếp và hơi nóng ngày đêm bốc lên, quyện vào miếng đất, đến khi nào miếng đất chuyển sang màu hơi vàng, thì lôi ra ăn. Họ ăn đất cũng như người Lập Thạch. Cũng chỉ những phụ nữ có thai là khoái khẩu món ăn này.

Người Hà Nhì đen ở vùng Lào Cai, người Hà Nhì trắng ở vùng ngã ba biên giới Mường Nhé cũng có tục ăn đất. Cách chế biến của họ cũng giống hệt người Kháng và cũng chỉ những phụ nữ có thai mới xơi loại đất này. Đàn ông ở những bộ tộc này không bao giờ ăn đất.

Vùng Tây Nguyên thì có người Ba Na, cũng từng có tục ăn đất. Thứ đất họ ăn không phải là cao lanh hay đất sét, mà là… bùn non. Khi một vùng đất nhầy nhụa bùn khô cứng lại dưới cái nắng nhiều ngày, họ sẽ đào lên, lột lấy lớp bùn non mịn, sạch, khô cứng lại và… ngon lành xơi, không cần hun khói, chẳng cần sơ chế gì cả. Chị em phụ nữ Ba Na vừa ăn đất như ăn bánh gai, bánh mật, vừa khen thơm và ngon không chịu nổi.

Đồi Vạng - nơi có mỏ đất ăn được.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở vùng Thái Bình, các cụ già vẫn kể chuyện các bà, các chị mang bầu, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, cứ đào bờ ruộng lên ăn. Chuyện rằng, có cụ già, thi thoảng nhớ mùi bùn đất, lúc đi làm ruộng, không nhịn được, đã cuốc đất lên nếm vài miếng.

Thứ họ ăn ngon lành là đất sét. Không thăng hoa thành đặc sản cầu kỳ như ở Vĩnh Phúc, đàn bà ở Thái Bình không cần phơi, không cần nướng đất, cứ móc từ bờ ruộng lên mà nhai, mà khen ngon, khen ngậy. Cách đây 20-30 năm, chị em phụ nữ ở một số vùng Thái Bình vẫn chén ngon lành món đất sét.

Bằng chứng là trong tài liệu “Những người ăn đất ở Bắc Kỳ”, xuất bản năm 1899, còn lưu lại đến nay, tác giả T.Ha-my đã mô tả rất tỉ mỉ về tục ăn đất của người dân ở các vùng đồng bằng Bắc bộ. Rồi “Tiểu luận về người Bắc Kỳ”, năm 1908, tác giả G.Duy-mu-chiê cũng viết về tục ăn đất ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình.

Thậm chí, họ còn mang mẫu đất về Pháp để nghiên cứu xem có chất gì mà người dân An Nam xơi như bánh như kẹo. Như vậy, rõ ràng, tục ăn đất không chỉ có ở Lập Thạch mà từng xuất hiện ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, xuất hiện rất nhiều ở vùng núi phía Bắc, và cả trong Tây Nguyên nữa.

Cạo đất cho hết sạn.

Nướng đất...

Chỉ bằng khói, đất cũng "chín".

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện xa xưa, dĩ vãng rồi. Giờ đây, người Kháng, người Hà Nhì, người Ba Na, hay chị em phụ nữ vùng Thái Bình, Nam Định, vùng Sơn Tây, Hà Đông (tỉnh Hà Đông cũ) không còn ai ăn đất nữa. Nhưng hỏi lại chuyện ăn đất, các cụ già ở các vùng quê sẽ chẳng ai ngạc nhiên như chuyện ở trên trời.

Có lẽ, khắp đất nước ta, chỉ còn những cụ già ở vùng Lập Thạch là còn ăn đất? Tuy nhiên, có còn ai ăn đất nữa không?

Trò chuyện với ông Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) về chuyện ăn đất, không dứt ra nổi. Biết bao nhiêu chuyện ăn đất kỳ thú, biết bao nhiêu chuyện về những con người cụ thể. Tuy nhiên, ông Tuấn vò đầu rứt tai mãi, rồi gọi điện lung tung khắp vùng, vẫn không thể tìm được người ăn đất để tôi quay phim, chụp ảnh làm tư liệu.

Theo ông Tuấn, thực tế, chuyện ăn đất đã gần như biến mất từ 20 năm trước rồi. Những chợ quê bán đất như bán kẹo, bán bánh, cũng không còn bán đất nữa. Đơn giản vì 20 năm nay chẳng mấy ai ăn đất nữa.

Chuyện báo chí nói mấy năm trước rằng, nhà nhà ở Lập Thạch ăn đất, người người ở đây ăn đất, đem miếng đất làm quà ngày Tết, quý nhau mới bẻ đôi miếng đất cùng ăn, rồi đất bày bán thành gian hàng riêng ở chợ… là nói quá lên. Thực tế, khắp huyện Lập Thạch chỉ có mấy cụ già là ăn đất do nghiện từ xưa mà thôi. Từ 20 năm nay, cũng chẳng có ai buôn đất nữa, vì có ai ăn đâu mà bán.

Đất được gói vào giấy báo để ăn dần.

Việc các bà, các chị bỏ tục ăn đất là điều cực kỳ dễ hiểu. Những người ăn đất là các bà bầu, vì lý do thiếu canxi họ mới phải xơi thứ đó, trong khi lớp phụ nữ trẻ bây giờ ăn uống đủ dinh dưỡng, lại có thuốc tăng cường sắt, canxi, nên chẳng ai cần ăn đất nữa.

Ông Tuấn kể: “Vị giáo sư ở Đại học nông nghiệp I mà tôi nhờ phân tích loại ngói (người dân Lập Thạch gọi ăn đất là ăn ngói) ăn được, ví chuyện ăn ngói hơi thô thiển một tý nhưng tôi thấy đúng. Con lợn lúc mang bầu, nó thường ủi đất, gặm tường kiếm canxi như một bản năng.

Con người cũng thế thôi, vì thiếu canxi lúc mang bầu nên mới phải ăn ngói”. Những người từng ăn đất, rồi nghiện đến già, một là đã dứt bỏ được thói quen ăn đất do con cái ngăn cản, xã hội nhìn nhận thiếu thiện chí, hai là họ đã rụng hết răng, không ăn được nữa, ba là họ đã chết già cả rồi.

Tôi và ông Tuấn loanh quanh mấy vòng ở thị trấn Lập Thạch, hỏi han mãi, cũng không tìm được người nào ăn đất nữa. Hỏi chuyện ăn đất, người già lắc đầu bảo không ăn nữa đâu, đám trẻ thì trố mắc ngạc nhiên hỏi lại: “Sao lại ăn được đất nhỉ?”.

Không còn ai ăn đất nữa, những giếng đất cũng bị lấp lại.

Tôi tìm vào nhà cụ Nguyễn Thị Lạc, người ăn đất mà tôi đã gặp 6 năm trước, người nổi tiếng vì đã xuất hiện rất nhiều lần trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, lần xuất hiện cuối cùng của cụ trước công chúng là buổi biểu diễn nướng đất, ăn đất ở Bảo tàng Dân tộc học dưới Hà Nội trước đông đảo các nhà khoa học, các nhà báo.

Thời gian ngắn sau, tôi tìm lên nhà, thì cụ Lạc đã bị tai biến, nằm liệt một chỗ, hỏi gì cũng lắc đầu không biết. Cụ đã về thế giới bên kia từ 3 năm trước rồi.

Hỏi han thêm các cụ già, người dân nơi đây chỉ đến nhà cụ Huệ, cũng là người ăn đất nổi tiếng ở Lập Thạch. Tuy nhiên, cụ cũng về thế giới bên kia từ mấy năm trước rồi. Cụ Đẩu Sao là người cũng “xơi” đất gần như cả cuộc đời.

Tuy nhiên, chục năm nay cụ không ăn nữa. Con cháu kêu nhiều quá, rằng “chúng con bỏ đói cụ hay sao mà cụ lại đi ăn đất. Cơm không ăn, cụ ăn đất, khác gì bôi tro trát trấu vào mặt con”. “Cai” hẳn được mùi vị của đất, nên cụ Đẩu Sao cũng không thấy nhớ nó nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật