Triều Tiên tiếp tục đe nẹt Hàn Quốc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
-Ngày 26/5, Triều Tiên đe dọa phong tỏa giao thông xuyên biên giới và bắn tan bất kỳ loa phóng thanh tuyên truyền nào của Hàn Quốc phát về phía bắc sau 6 năm gián đoạn, giữa lúc căng thẳng về vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc đang gia tăng.
Triều Tiên tiếp tục đe nẹt Hàn Quốc
Cựu chiến binh Hàn Quốc đốt hình nôm Kim Jong Il

Căng thẳng trong quan hệ liên Triều càng trầm trọng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton tới thăm Seoul – chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Á – vì vụ chìm tàu chiến Hàn Quốc đổ lỗi cho ngư lôi của Triều Tiên tấn công vào ngày 26/3.
 
“Đây là sự khiêu khích của Triều Tiên không thể chấp nhận được, và cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đáp trả vấn đề này”, Ngoại trưởng Mỹ Clinton phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
 
Được biết, hồi tuần trước, một nhóm các nhà điều tra quốc tế đã đưa ra kết luận rằng một quả ngư lôi tự điều khiển từ tàu ngầm của Triều Tiên đã tấn công tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc có tải trọng 1.200 tấn ngoài khơi bờ biển phía tây, khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.

Và rồi, hôm thứ Ba (25/5) Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các bước trừng phạt đối với Triều Tiên, từ việc chấm dứt thương mại, tái khởi động tuyên truyền chiến tranh tâm lý và cấm các tàu hàng của Triều Tiên. Những biện pháp trên được xem là cứng rắn nhất mà Hàn Quốc có thể thực hiện ngoài hành động quân sự.
 
Được biết, Mỹ đã tuyên bố có bằng chứng phạm tội của Triều Tiên và ủng hộ các biện pháp trả đũa của Hàn Quốc, tuy nhiên đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc cho biết vẫn đang cân nhắc cẩn thận về bằng chứng vụ chìm tàu và hành động rất thận trọng, đồng thời hối thúc tất cả các bên hãy bình tĩnh và kiềm chế.
 
“Tôi cho rằng Trung Quốc thấu hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và sẵn sàng lắng nghe mối quan ngại của cả Hàn Quốc và Mỹ. Chúng tôi hy vọng cùng hợp tác với Trung Quốc trong khi chúng tôi tiến hành các biện pháp đáp trả”, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton, tới thăm Trung Quốc trước khi đến Seoul, phát biểu.

Trong khi đó, Triều Tiên thẳng thừng phủ nhận gây ra vụ chìm tàu và lên tiếng cảnh báo sự trả đũa sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh. Hôm thứ Ba (25/5), Bình Nhưỡng đã thông báo cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc, bắt đầu một “cuộc phản công toàn diện” đáp trả các hoạt động chiến tranh tâm lý của Hàn Quốc, cấm các tàu và máy bay chở khách của Hàn Quốc qua biên giới Triều Tiên. Tiếp đó, vào hôm nay (26/5), Triều Tiên đã cắt một số kênh thông tin liên lạc xuyên biên giới và trục xuất 8 quan chức chính phủ Hàn Quốc từ một công ty liên doanh tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Quân đội Triều Tiên cũng đã đưa ra cảnh báo sẽ “cấm toàn bộ” lực lượng và phương tiện Hàn Quốc qua lại khu công nghiệp liên Triều ở khu vực ven biển phía tây, rõ ràng là đề cập đến khu Kaesong, nếu Hàn Quốc không chấm dứt chiến tranh tâm lý. Tuyên bố của Quân đội Triều Tiên đã không đề cập đến biên giới phía đông của bán đảo, hiện vẫn đang mở cửa.

Đồng thời, tuyên bố còn cho biết sẽ bắn và “phá tan” bất kỳ chiếc loa phóng thanh nào của Hàn Quốc được lắp đặt tại biên giới. Trước đó, Seoul đã tháo dỡ thiết bị loa phóng thanh cách đây 6 năm giữa lúc quan hệ liên Triều đang nồng ấm, nhưng hôm thứ Hai (24/5) Hàn Quốc lại tiếp tục chương trình phát thanh tâm lý hướng vào Triều Tiên và tuyên bố các loa phóng thanh sẽ được lắp đặt lại trong tuần.

“Lực lượng hiếu chiến Hàn Quốc sẽ nhận được bài học về sự tự hành động theo ý mình, và hãy nên nhớ rằng Quân đội Nhân dân Triều Tiên sẽ không kết thúc bằng tuyên bố trống rỗng”, tuyên bố được hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đăng tải.

Mặc dù tuyên bố là vậy, nhưng ngày 26/5 Triều Tiên vẫn cho phép các công nhân Hàn Quốc qua biên giới để vào khu công nghiệp Kaesong, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Tuyên bố ngày 25/5 của Triều Tiên đã không đả động đến khoảng 800 công nhân và nhà quản lý công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong. Và Seoul cũng không tính đến Kaesong - dự án biểu trưng cho sự hoà giải chung lớn cuối cùng – và cũng là nơi cung cấp tài chính thiết yếu cho chế độ Kim Jong Il.

Được biết, Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên tiến hành các biện pháp “đe dọa” và “sẽ kiên quyết đáp trả những đe dọa của Triều Tiên một cách nghiêm khắc”, Chun Hae-sung, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết hôm thứ Tư (26/5). Đồng thời, cũng ngày 26/5, Quân đội Hàn Quốc tuyên bố không có dấu hiệu hoạt động bất thường của quân đội Triều Tiên.

Trước đó, ngày 25/5, một cơ quan giám sát có trụ sở tại Seoul cho biết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đã ra lệnh cho Quân đội Triều Tiên với 1,2 triệu binh sĩ sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, các giới chức Hàn Quốc không thể xác nhận ngay nguồn tin. Vì Triều Tiên luôn đưa ra các tuyên bố rất hùng hồn và thường xuyên tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ.

Được biết, Hàn Quốc muốn đưa Triều Tiên ra trước Hội đồng Bảo an LHQ vì vụ chìm tàu ngày 26/3 và luôn được Mỹ ủng hộ.

Về mặt pháp lý, hiện hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ kết thúc bằng hiệp ước đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Mỹ và Hàn Quốc đang có kế hoạch sẽ tiến hành 2 cuộc tập trận quân sự lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên với kịch bản ngăn chặn cuộc xâm lược trong tương lai của Triều Tiên, Nhà Trắng cho biết. Hiện, Mỹ có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.

Đồng thời, hồi tuần trước, Không quân Mỹ thông báo kế hoạch triển khai mỗi phi đội gồm 12 máy bay chiến đấu F-22 đến Guam và Nhật Bản vào cuối tháng này trong khoảng thời gian 4 tháng. Tuyên bố còn cho biết việc triển khai các F-22 này minh chứng cho “sự linh hoạt của lực lượng Mỹ đáp ứng các cam kết và nghĩa vụ an ninh của Mỹ đối với toàn khu vực Thái Bình Dương”. Tuyên bố không đề cập tới vụ chìm tàu hoặc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, ngày 26/5, hơn 3.000 cựu chiến binh Hàn Quốc tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam cùng với các thành viên của gia đình tập hợp tại Seoul, đốt một hình nộm của  Kim Jong Il và hô khẩu hiệu chống Bắc Triều Tiên.
 
Hiện, quan hệ liên Triều đang ở điểm thấp nhất kể từ một thập kỷ qua, khi Hàn Quốc bắt đầu đến với miền Bắc bằng các gói viện trợ vô điều kiện như một phần của nỗ lực hoà giải. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Lee đã tiến hành chính sách cứng rắn hơn kể từ khi nhậm chức vào năm 2008, và Hàn Quốc đã đình chỉ viện trợ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật