Bệnh viện yếu kém, bệnh nhân thiệt thòi

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bắt đầu từ năm 2010, người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến bệnh viện (BV) quận, huyện. Thế nhưng, hầu hết BV quận, huyện thiếu thốn về con người, trang thiết bị khiến người bệnh thiệt thòi.
Bệnh viện yếu kém, bệnh nhân thiệt thòi
BV quận, huyện chưa được đầu tư đúng mức, thiệt thòi thuộc về người bệnh - Ảnh: Thanh Tùng

Trong ngành cũng bất ngờ

Vụ bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tùng (học sinh lớp 11) đăng ký khám chữa bệnh BHYT ở BV Q.3, TP.HCM, nhưng khi bị đau ruột thừa cấp vào đây cấp cứu thì BV không phẫu thuật được (dù phẫu thuật ruột thừa không quá phức tạp), phải chuyển đi nơi khác, để rồi sau đó bệnh nhân bị các BV “đá qua, đá lại” mất gần 5 giờ đồng hồ, qua BV thứ 4 mới được phẫu thuật, khiến dư luận rất bức xúc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Quyết định thành lập BV Q.3 của UBND TP, ở phần chức năng, nhiệm vụ có ghi: “BV có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh thông thường về nội khoa và các trường hợp cấp cứu về ngoại khoa”. Thế nhưng, theo bác sĩ Trần Hữu Nghĩa, Giám đốc BV Q.3, thì BV này chỉ có 1 bác sĩ và 2 cử nhân gây mê hồi sức, chỉ làm việc trong giờ hành chính, sau giờ hành chính, mọi trường hợp cần can thiệp bằng ngoại khoa, BV đều không làm mà chỉ sơ cứu rồi chuyển viện!

Việc BV quận, huyện làm được nhiều phẫu thuật, nhất là những phẫu thuật cơ bản như: mổ ruột thừa, mổ gãy xương, xử trí xuất huyết… sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Vì những chuyện thông thường này gặp mỗi ngày.
Bác sĩ Hồ Trúc Lệ, Giám đốc BV H.Bình Chánh

Bác sĩ M.T, làm việc ở một BV đa khoa tại TP.HCM, đã thốt lên: “Thật bất ngờ, một BV như Q.3 mà không thể mổ ruột thừa. Việc giải thích do thiếu nhân lực, nên không giải quyết được phẫu thuật đơn giản là ruột thừa ngoài giờ hành chính là không ổn. Nếu thiếu thì phải quyết liệt đề nghị bổ sung, chứ không thể chấp nhận tình trạng đó rồi để ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân”, và kiến nghị: “Sở Y tế cần sớm rà soát lại, chấn chỉnh, đầu tư những BV quận, huyện giống như BV Q.3, để tránh gây thiệt thòi cho người bệnh, nhất là bệnh nhân buộc phải đăng ký BHYT tại những nơi này”.

Kiến nghị của bác sĩ M.T là hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế không chỉ ở BV Q.3 mà tình trạng yếu kém như trên khá phổ biến ở BV quận, huyện, dẫn đến người bệnh không những thiệt thòi khi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ở tuyến quận, huyện mà có trường hợp còn gặp nguy hiểm đến tính mạng, vì việc chuyển viện làm mất đi “thời gian vàng” trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Báo Thanh Niên cũng từng có loạt bài về BV quận, huyện, phản ánh thực trạng nhiều BV quận, huyện chủ yếu “nhận bệnh… để chuyển”, nhưng hơn nửa năm trôi qua, thực trạng này không cải thiện được là bao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BV quận, huyện chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND quận, huyện sở tại, còn Sở Y tế hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. Như vậy, việc không đảm bảo những điều kiện cơ bản trong khám chữa bệnh cho người dân, trách nhiệm chính thuộc về hai cơ quan này.

Bác sĩ B.M, công tác tại một BV đa khoa ở Q.10, bức xúc: “Nếu thực tế như vậy, khi người dân đăng ký BHYT, các BV quận, huyện tiếp nhận cần phải thông báo cho người dân biết BV mình không mổ ngoài giờ, không làm được một số kỹ thuật, hay mổ cơ bản nào đó để khi hữu sự người bệnh đến thẳng BV tuyến trên, không mất “thời gian vàng” trong chữa trị”.

Chỉ lo làm dịch vụ?

Về mặt quản lý nhà nước, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM lại cho rằng, tùy điều kiện, nhân lực của từng BV quận, huyện mà BV đó triển khai thực hiện những loại phẫu thuật nào, chứ không bắt buộc BV phải làm được kỹ thuật này, kỹ thuật kia… Về trường hợp bệnh nhân Tùng nói trên, bác sĩ Nghiệm cho rằng BV Q.3 sơ cứu chuyển viện đúng tuyến như vậy là tốt cho người bệnh (?!). Trong khi đó, một bác sĩ khác của Sở Y tế lại cho rằng: “Sở Y tế cần phải có định hướng về chuyên môn, vai trò, và phát triển cho BV quận, huyện. Nếu để dở dở ương ương như vậy, thì nên chăng không gọi là BV quận, huyện, mà chỉ dừng lại là phòng khám đa khoa, hay trung tâm y tế mà thôi. Nếu không, người bệnh nghĩ đã là BV đa khoa (BV quận, huyện là BV đa khoa) sẽ làm được những phẫu thuật cơ bản, nên khi có bệnh họ vào đây, để rồi lại bị chuyển tới chuyển lui, mất thời gian vô ích”.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng BV quận, huyện yếu kém, một bác sĩ nói thẳng: “Cơ quan quản lý cần xem lại, tại sao một số BV quận, huyện lo làm những dịch vụ trong khám chữa bệnh, trong khi những cái cơ bản nhất để phục vụ người bệnh thì lại không đầu tư, không làm được. Vấn đề là anh có quyết liệt đầu tư để phục vụ người bệnh hay không. Cũng là BV quận, huyện, một số BV vùng ven mặc dù còn nhiều thiếu thốn như BV Bình Chánh, BV Q.Thủ Đức… nhưng vẫn mổ được chấn thương sọ não, mổ thai ngoài tử cung, mổ dạ dày… cả ngày lẫn đêm, không có chuyện “mổ trong hay ngoài giờ hành chính” để người bệnh thiệt thòi”.

Có một thực tế là hầu hết các BV tuyến trên đều cho rằng có rất nhiều trường hợp bệnh nhẹ, không đáng phải chuyển lên BV tuyến trên dẫn đến tình trạng BV tuyến trên quá tải trầm trọng. Nhưng, có hiện tượng này cũng phải hiểu cho gia đình người bệnh, do không tin tưởng BV quận, huyện nên người bệnh đã vượt tuyến, nhất là bệnh nhi, nhiều người chấp nhận trả tiền khi vượt tuyến, sai tuyến... Điều này đã được phản ánh nhiều tại những cuộc họp bàn giải quyết tình trạng quá tải ở BV của thành phố. Thế nhưng, từ khi được ồ ạt nâng cấp từ trung tâm y tế lên thành BV quận, huyện năm 2007, đến nay nhiều BV quận, huyện vẫn chủ yếu “nhận bệnh rồi… chuyển”, gây thiệt thòi cho người bệnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật