Interferon: chẳng phải cứu tinh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành y đang xôn xao vì tin có những bác sĩ nhận đến nửa tỉ đồng tiền hoa hồng từ các hãng dược mỗi tháng chỉ cho việc kê toa sử dụng thuốc Interferon điều trị viêm gan mãn tính do siêu vi. Tại sao các hãng dược chịu trả chiết khấu cao ngất như vậy? Liệu có sự lạ‌m dụn‌g hoặc không minh bạch trong việc sử dụng Interferon để điều trị viêm gan siêu vi mãn tính?
Interferon: chẳng phải cứu tinh
Duy trì lối sống lành mạnh và tiêm ngừa viêm gan siêu vi để bảo vệ gan

Vài ba năm trước, điều trị viêm gan siêu vi mãn tính rất hạn chế ở Việt Nam, bệnh nhân và các bác sĩ thường không có chọn lựa khi phải đối diện với bệnh. Những người bị viêm gan mãn tính khó thoát khỏi viễn cảnh nặng nề của xơ gan hoặc ung thư gan. Cho nên có thuốc trị viêm gan siêu vi mãn tính là một tin mừng lớn cho bệnh nhân và bác sĩ.

Hiện nay theo Hiệp hội Nghiên cứu các bệnh gan của Mỹ, có bảy thuốc, thuộc hai nhóm, có khả năng chữa được các bệnh viêm gan do siêu vi. Nhóm Interferon gồm hai loại là Interferon alpha chuẩn (IFN - α) và Pegylated interferon alpha (PegIFN - α). Nhóm Nucleoside (*) gồm năm thuốc là: Lamivudine, Adefovir, Entercavir, Telbivudine, Tenofovir.

Ở Việt Nam, hiện đã có đủ bảy loại thuốc này. Vấn đề là IFN - α và PegIFN - α đang bị phóng đại quá mức công dụng của nó. IFN - α và PegIFN - α có tác dụng kháng lại vius, chống lại sự tăng sinh, điều hòa miễn dịch... tuy nhiên tác dụng này giới hạn ở một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân.

Người bị viêm gan mãn tính do siêu vi xem PegIFN - α như cứu tinh duy nhất nên sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để được sử dụng thuốc (giá 1 ống PegIFN - α là 4,5 triệu đồng, một tuần chích một lần, một năm là 234 triệu đồng), chưa kể chi phí cho những thuốc khác và các xét nghiệm.

Không phải bệnh nhân viêm gan siêu vi B mãn tính nào cũng được chỉ định điều trị IFN - α và PegIFN - α. Chỉ định điều trị phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và nhiều thông số xét nghiệm (men ALT, DNA HBV, sự có mặt của HBeAg, sinh thiết gan). Nhiều trường hợp viêm gan mãn tính do siêu vi B không đáp ứng với điều trị bằng IFN - α.

Khi so sánh hiệu quả điều trị giữa IFN - α, PegIFN - α và PegIFN - α kết hợp với một thuốc thuộc nhóm Nucleoside, có thể thấy IFN - α có hiệu quả rất khiêm tốn trong điều trị viêm gan mãn tính do siêu vi B, tác dụng mạnh nhất của nó là làm mất DNA HBV trong huyết thanh của người bệnh, cũng chỉ với 37% bệnh nhân dùng thuốc. Hiệu quả của PegIFN - α cũng hơn không đáng kể so với IFN - α, ngoại trừ thời gian dùng thuốc thuận lợi hơn (một lần/tuần so với hai lần/tuần của IFN - α). Thời gian điều trị tương đối dài (khoảng một năm đối với PegIFN - α, sáu tháng đối với IFN - α).

Sự kết hợp giữa một thuốc thuộc nhóm Interferon với một thuốc thuộc nhóm Nucleoside sẽ tăng hiệu quả trị liệu lên đáng kể.

IFN - α và PegIFN - α cùng có nhiều tác dụng phụ, hầu hết là những triệu chứng giống cúm như: sốt, rùng mình, đau đầu, khó chịu, đau cơ, thậm chí mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, viêm gan nặng đột ngột. Riêng IFN - α còn khiến người bệnh dễ xúc động, lo âu, thậm chí có ý định tự sát. Tăng hoặc giảm hoạt động của tuyến giáp đã được ghi nhận trong quá trình sử dụng IFN - α và PegIFN - α. Do vậy, quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để làm nhiều xét nghiệm...

Như vậy IFN - α và PegIFN - α không phải là thuốc có hiệu quả trên đa số bệnh nhân viêm gan mãn tính do siêu vi. Chúng chỉ có tác dụng trên một số nhỏ bệnh nhân, thời gian điều trị dài, giá thành quá cao, tác dụng phụ lại nhiều. Do đó bệnh nhân cần bình tĩnh, đừng để bị hoa mắt trước những quảng cáo về thuốc. Những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi mãn tính nếu có lối sống phù hợp (không bia rượu, không ăn nhiều dầu mỡ, không hút thuốc lá) sẽ khiến siêu vi chậm đi vào giai đoạn cuối là xơ gan và ung thư.

Và đừng quên cách phòng ngừa viêm gan siêu vi chủ động, rẻ tiền nhất chính là tiêm ngừa viêm gan siêu vi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật