“Bán thân“ nướng bạc làm tội mẹ cha

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi đã bán thân tại sòng bạc xứ người. Cha mẹ họ quá xót con đã phải bán tất cả gia tài nhằm chuộc con về.
“Bán thân“ nướng bạc làm tội mẹ cha
Họ đã phải 'cầm cố' thể xác bên sòng bạc. (Ảnh minh họa).

Sáng 22.4, một người dân ở xã Cây Trường (H.Bến Cát, Bình Dương) gọi điện cho phóng viên báo tin đang trên đường đi chuộc con ở Campuchia. Chúng tôi đã cùng gia đình này qua biên giới cứu người.

Người đang bị “kẹt” ở bên kia biên giới là Phạm Quốc Trung (19 tuổi), con của ông Phạm Tùng Quân (ngụ ấp Ông Chài, xã Cây Trường). Trung đang bị sòng bạc Casino Winn “tạm giữ” 5 ngày qua vì thua bạc, phải “cầm” thân 50 triệu đồng.

Chèo kéo nơi cửa khẩu 

 

Một “cò” đang chở người phụ nữ đi qua Campuchia chuộc con.

Khi chúng tôi đến địa phận Gò Dầu (Tây Ninh), cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 20 km, đã có nhiều xe gắn máy bám theo rủ rê sang Campuchia đánh bạc. Hai thanh niên đi xe máy biển số 70N1-3257 vượt lên gõ nhẹ vào cửa, nhét tấm danh thiếp có ghi “đại lý” Đại Phát (liên hệ Tý Anh 097 388..., 094 720...) với hệ thống sòng bạc dày đặc gồm Las Vegas/New World/Kings Crown... rồi tiếp thị: “Nếu không có hộ chiếu sẽ có người dẫn đi đường chui, hoàn toàn miễn phí”.

Đến gần cửa khẩu Mộc Bài, ghé vào quán cơm Miền Tây, 2 thanh niên nói trên vẫn theo ngồi phía trước, quyết không bỏ “mồi”. Chưa hết, cứ lâu lâu có người chạy xe đến nhăm nhe “đòi” dắt đi đánh bạc. Khi biết chúng tôi đang đi chuộc người, thì “cò” mới chịu buông tha.

Xe đến cửa khẩu Mộc Bài, một đám “cò” khoảng  20 người mặt mày hung tợn, nháo nhào xúm lại vây quanh chúng tôi, giành nhau để chở đi đánh bạc. Khi biết chúng tôi đi chuộc người, một tay “cò” quát: “Chuộc người thì ở đây có cả ngàn người đi rồi, lên xe tôi chở đi, 500.000 đồng một người”.

Đã nghe được kinh nghiệm từ một số người đi chuộc con về, chúng tôi tìm cách thoát ra khỏi đám “cò” mồi và gọi vào số +855977440900 để liên lạc với một người đàn ông tên Hùng. Đầu dây bên kia, giọng một thanh niên hỏi ngược lại: “Đi mấy người?”. Chúng  tôi trả lời 2 người. Bên kia nói tiếp: “Cứ đứng chờ một chút, sẽ cho người chở qua”. Lát sau có người khác điện thoại trở lại nói: “Tôi mặc áo xanh, đi xe Wave đen, đứng trước cửa khẩu. Anh ra đây tôi chở đi”.

Trên đường chuộc con về, gặp công an đang đi tuần tra, phóng viên cùng 2 mẹ con được đưa vào phía sau một căn chòi.

Từ cửa khẩu Mộc Bài, 2 chiếc xe gắn máy chở chúng tôi vòng ngược lại khoảng hơn 1 km, rẽ vào quốc lộ 768 thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh). Đến ngã ba Cầu Trắng, rẽ vào con đường đất bên trái, 2 chiếc xe bắt đầu tăng ga,  phóng như bay qua những con đường bờ ruộng chênh vênh, đầy ổ gà như để tránh sự truy đuổi của cơ quan chức năng.

Đang đi, phía trước có người giơ cây ra chắn đường, gã xe ôm dừng lại móc túi rồi quát lớn: “Tiền nè!”. Bên trong một bà già nhận tiền rồi nhấc cây chắn  ra cho chúng tôi đi. Tay xe ôm bảo: “Đi qua ruộng người ta phải trả từ 2.000 - 5.000 đồng/lượt”. Trên đường đi, phải qua 4 “chốt” như vậy mới đến gần biên giới Việt Nam - Campuchia; khu vực này khá vắng vẻ.

Đang đi dọc bờ ruộng, bỗng xuất hiện một con đê cao chắn ngang, tay xe ôm bảo bên kia là đất Campuchia. Chiếc xe chồm lên, vượt qua con đê. Vừa qua biên giới, chúng tôi tiếp tục “đụng” thêm 3 chốt canh khác. Cứ mỗi lần như vậy, tay xe ôm xuống “làm luật” bằng tiếng Campuchia rồi lại lên xe đi tiếp.

Trên đường đi, chúng tôi hỏi thăm về số phận các nạn nhân không được gia đình đem tiền qua chuộc, gã xe ôm hù: “Nếu thằng nào thiếu nợ mà gia đình không chuộc thì bị bỏ đói, đánh đập rồi bị đưa đi Nam Giang (ý nói Nam Vang - Phnom Penh) “bán” làm lao dịch. Làm đến khi nào trả hết nợ thì cho về. Luật ở đây là vậy đó. Còn trốn hả? Khó lắm, nếu mà bắt được, thì “chủ” cho đàn em xử ngay. Đã có người trốn bị chặt đứt cánh tay rồi đó”.

Sau hơn 15 phút băng đường ruộng, chúng tôi mới đến trước cửa Casino Winn. Mấy gã gác cổng mặc đồ như vệ sĩ đưa tay chặn lại. Tay xe ôm nói tiếng Campuchia cho nhóm gác cổng biết chúng tôi đi chuộc người. Sau một hồi trao đổi, bọn họ đưa tôi và Phan Kính (cậu của Trung) vào thang máy lên tầng 11, phòng 1218 của sòng bạc Casino Winn.

Tiếp chúng tôi là một gã thanh niên, khoảng 20 tuổi, râu quai nón mọc đầy trên mặt. Khi chúng tôi trình bày đi chuộc Phạm Quốc Trung, thì hắn vào trong lấy ra cái giấy ghi nợ có điểm chỉ bằng mực đỏ. Sau cuộc điện thoại, một người Campuchia mặt mày bặm trợn, người to đậm, da đen, dẫn Trung xuống phòng.

Thấy ông Kính chuẩn bị móc tiền, tôi liền hoãn binh để có thời gian tìm hiểu hoạt động của “cò” mồi: “Sao bữa trước nghe nói có 25 triệu đồng, bây giờ trong giấy nợ lại là 50 triệu”. Gã thanh niên người Việt trợn mắt: “Nó nợ 50 triệu, có giấy viết hẳn hoi và đã thông báo cho gia đình rồi, nếu không chồng đủ, chiều nay sẽ đưa nó đi Nam Giang đó”.

Tôi giả vờ hỏi Nam Giang là chỗ nào, tới đó làm gì? Gã người Campuchia nhìn tôi, bất ngờ xổ một tràng tiếng Việt: “Đi Nam Giang, xa cách đây gần 100 km, làm gì thì đến lúc đó sẽ biết”. 

Tìm cách kéo dài thời gian, chúng tôi giả vờ không đủ tiền chuộc, cần phải đi bán vàng. Nghe vậy, bọn chúng đưa Trung vào phòng, còn chúng tôi quay xuống dưới. Sau khi bàn tính kỹ với ông Kính, chúng tôi quyết định trở lại “cò kè” xin giảm bớt 5 triệu đồng. Thấy tội nghiệp, gã thanh niên người Việt gọi điện cho “ông chủ” và sau đó chúng đồng ý bớt 5 triệu, nhưng chúng tôi phải trả 1,5 triệu đồng tiền xe ôm cho 3 người.

Vừa dắt Trung ra khỏi phòng, chúng tôi giả vờ la mắng Trung như người thân trong gia đình, rồi lấy điện thoại ra chụp hình. Một gã bặm trợn ở đâu xuất hiện ngăn lại: “Không được chụp hình, mày muốn ở lại đây luôn hả?”. Tôi vội giải thích chụp để răn dạy Trung sau này. Gã này vội đẩy chúng tôi vào trong thang máy và bấm nút đi xuống tầng trệt. Xuống đại sảnh của Casino Winn, tôi định rẽ qua bên xem hoạt động của casino cũng bị mấy tay bảo vệ ngăn lại. Một gã ăn mặc lịch sự, thắt cà vạt ra nhỏ nhẹ: “Chuộc người xong rồi thì về đi!”.

Ông Phạm Tùng Quân xúc động khi gặp lại con trai.

Đường về gian nan

Đến biên giới Việt Nam - Campuchia, đang đi ngon lành, bỗng nhiên 3 tay xe ôm (lúc này có thêm 1 lái xe ôm ở Campuchia chở Trung) đi chậm hẳn lại, rồi tấp vào một căn nhà lợp bằng lá dừa, kêu chúng tôi tìm chỗ trú ẩn vì đang bị “động”. Lúc này, có thêm một phụ nữ ở Bình Dương vừa đi chuộc con về cũng chạy vào tìm chỗ “tị nạn”.

Gương mặt ai cũng căng như dây đàn vì không biết chuyện gì đang xảy ra, tiếp theo sẽ thế nào. Vì đây là khu vực biên giới vắng vẻ, lấy ai mà kêu cứu nếu có chuyện. Tranh thủ tình huống, tôi la cà đến người phụ nữ định hỏi chuyện thì bị tay xe ôm đi cùng chặn lại, cảnh báo: “Không được đi lung tung. Tụi nó bắt ráng chịu”.

Ở ngoài ngã ba Cầu Trắng, đồng nghiệp báo tin cho tôi biết: “Có 6 công an xã đi tuần ở đầu đường. Ở ngoài này bọn “cò” đứng đông đặc vì không ai dám vào”. Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, đồng nghiệp báo tin: “Công an đi rồi”. Bên trong, mấy tay xe ôm sau khi nghe điện thoại của đồng bọn, liền bảo chúng tôi: “An toàn rồi, lên đường”.

Xe ra đến cửa khẩu Mộc Bài, chúng tôi trả tiền xe ôm và đưa Trung đến gặp người cha khốn khổ. Gặp nhau, ông Quân ôm lấy đứa con khóc. Còn Trung như người mất hồn vừa được trở về từ “địa ngục”. 

Đôi mắt ngấn lệ, ông Quân nói: “Từ hôm thằng Trung gọi điện về nhà để yêu cầu chúng tôi mang tiền sang chuộc là một chuỗi ngày đen tối đối với gia đình. Bản thân tôi làm công nhân của Nông trường cao su Long Hòa, còn thằng Trung và mẹ nó đi cạo mủ mướn, thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy mà đi chuộc nó về. Nhưng vì thương con, vợ chồng tôi phải muối mặt đi vay mượn người thân trong gia đình mới đủ”.

Mượn đủ tiền, ông cũng không biết đi qua Campuchia bằng cách nào nên nhờ 2 người cậu ruột của Trung đi cùng. Để tiết kiệm, cả 3 người phải đi xe gắn máy từ Bến Cát xuống cửa khẩu Mộc Bài để chuộc con. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật