“Onkel yêu dấu”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Onkel yêu dấu” của tác giả Trần Thuỳ Mai - một cây bút đã có nhiều tác phẩm được dựng thành phim như: “Thập tự hoa”, “Gió thiên đường”, “Trăng nơi đáy giếng”... 14 truyện ngắn trong “Onkel yêu dấu” sẽ đưa người đọc đến với những lắng sâu đồng cảm, sẻ chia với những thân phận tình yêu, những tâm sự sâu kín nhất, những góc khuất dù không lý giải được nhưng vẫn vô cùng huyền nhiệm của tình yêu.
“Onkel yêu dấu”
Ảnh minh họa

Xuyên suốt tập truyện là hình tượng của những người phụ nữ dám sống vì tình yêu, một tình yêu trong sáng và lãng mạn ... Tình yêu trong Onkel không phải là triết lý mà là chân lý, một chân lý được chính những nhân vật gọi là sự cứu rỗi cuộc sống. Nó được bộc lộ phần nào qua lời tự sự của  nữ họa sỹ tên Hằng trong câu chuyện “Chờ nhau ở cuối con đường” - “ Tình yêu đối với tôi không phải mảnh vải vụn đem chắp vào chiếc áo hôn nhân không lành lặn. Tình yêu với tôi là tín ngưỡng, là danh dự ... ”.

Hằng cũng như Lan, người thiếu phụ đẹp và quá mẫn cảm trong truyện ngắn đầu tập: “Tàu ngầm xuyên đại dương”. Họ có thể như người đời vẫn nói: Vì duyên phận mà đã gắn bó với một người chồng khô khan, gia trưởng, trong khi nỗi niềm của họ luôn khao khát hướng tới sắc màu sự dịu dàng âu yếm của tình yêu. Nhưng rồi, những cái phút giây ngoài chồng, ngoài vợ ấy cũng chẳng thể đem lại hạnh phúc đích thực cho một cái tôi đang tuyệt đối hóa và thần thánh hóa tình yêu. Muôn dặm đường đời cứ như cuốn họ đi trong một cõi mê. Cuốn đi vào dòng chảy dường như bất tận, để đến khi nhìn lại bến bờ đã qua cái hạnh phúc mong manh bỗng chốc cũng như rơi vào hư không...

Người phụ nữ thành đạt trong “Cố nhân” thì lại là một con người ngược lại. Diễm tưởng chừng như luôn có những người đàn ông đứng sau lưng che chở, nâng đỡ. Nhưng tình yêu và hạnh phúc lại thực sự không đến với cô trên con đường mà không biết cô đang đi hay đang chạy. Một con đường quá dài và đơn côi trong ánh sáng của tiền bạc và danh vọng. Không thực lòng với tình yêu và lẽ đời vẫn vậy bạn chẳng bao giờ tìm được một tình yêu. 

Có lẽ trong tập truyện ngắn này, nhiều người đọc sẽ có chung một ấn tượng đẹp về tình yêu trong sáng giữa một sinh viên Việt Nam với một cô gái nước ngoài trong những ngày mà cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của người dân Việt Nam những năm 60 - 70 của thế kỷ trước đang bước vào thời kỳ khốc liệt. Một tình yêu mà người ta vẫn gọi là "Giống như tiểu thuyết" đang tồn tại. Tồn tại trong sáng, yên bình. Họ biết vượt qua cám dỗ đời thường để xứng đáng với những hy sinh của bạn bè, của gia đình trong những ngày khói lửa, binh đao. Ở đó, mỗi con người dường như đang vươn lên trong cuộc sống để được yêu thương, và họ cũng nâng nui, trân trọng tình yêu thương để được sống đúng với nghĩa một CON NGƯỜI viết hoa trọn vẹn. 

Mỗi nhân vật nữ trong cuốn truyện ngắn này mang một thân phận biểu trưng cho hàng ngàn, hàng vạn thậm chí hàng triệu người vợ, người mẹ. Họ có thể là một người thành đạt, có thể chỉ là một người nội trợ, một người mẹ đảm đang của gia đình, một người suốt đời hy sinh trong thầm lặng và cũng có thể là một con người bị tình yêu lợi dụng. Nhưng dù sao họ vẫn không oán thán cuộc đời oán trách số phận, họ vẫn lặng lẽ vươn mình đứng dậy. Đứng dậy để tha thứ, quá khứ trong họ luôn hiện hữu là một kỷ niệm đẹp, về những ngày tháng đẹp đã có những phút giây cùng nhau sánh bước trên đường đời. 

Với những câu chuyện tình yêu sinh động và giọng văn trang nhã, tinh tế, tập truyện ngắn “Onkel yêu dấu” sẽ mang lại cho bạn đọc những giờ phút lắng sâu, tĩnh tại, lấy lại cân bằng giữa dòng đời đang cuộn chảy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật