Thăm cung đường “mỗi người gánh 32 quả bom“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những dấu tích của chiến tranh dường như đã lùi xa trên con đường 12A huyền thoại. Bây giờ, trên con đường ấy là điệp trùng núi non hùng vĩ, là màu xanh ngút ngàn đủ để làm dịu đi những nỗi đau của chiến tranh. Thế nhưng, đồi Cha Quang (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), nơi 7 chiến sĩ TNXP trẻ tuổi ngã xuống, xương máu của các anh, các chị dường như vẫn nhuộm đỏ từng tấc đất, bụi cỏ.
Thăm cung đường “mỗi người gánh 32 quả bom“
Đồi Cha Quang hôm nay (nằm ở KM 121 Đường 12A).

Con đường xuyên hai cuộc chiến

Cái nắng thiêu đốt đầu hạ không làm cho câu chuyện giữa chúng tôi và ông Lại Văn Ly (nguyên là Trưởng ban đảm bảo an toàn giao thông vận tải và Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình), bà Trần Thị Thành (nguyên chính trị viên Đại đội 579 trên tuyến đường 12A) bớt sôi nổi khi cùng chúng tôi trở lại thăm con đường 12A huyền thoại.

Những ngày tháng hào hùng, những ngày đỏ lửa trên dãy Trường Sơn lại ùa về trong ký ức của những người từng kinh qua trên tuyến lửa này. Kể về những tháng ngày đó họ hào hứng và tự hào lắm. Thế nhưng, khi đến cầu Cha Quang, nơi có ngọn đồi Cha Quang mà những TNXP đã hy sinh, mọi người đã chùng hẳn xuống.

Đường 12A có từ thời Pháp và trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, là tuyến trọng yếu để tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Biết được vai trò trọng yếu đó nên Mỹ đã điên cuồng trút bom đạn nhằm cắt đứt liên lạc, biến nơi đây thành tuyến lửa.

Để đảm bảo giao thông cho tuyến đường 12A, là tuyến chi viện quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ, tháng 5/1965, gần 180 TNXP trẻ tuổi của huyện Tuyên Hóa được bổ sung cho công trường 12A.

80 TNXP, trong đó có 70 nữ, được tổ chức thành một đại đội với 8 tiểu đội, lấy tên là C759. Lúc này, trên tuyến đường 12A đã có hơn 500 công nhân của các đơn vị khác đang ngày đêm đảm bảo giao thông từ Khe Ve đến Cổng Trời. C759 được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý 10km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh, cứ 1km là một tiểu đội chốt giữ.

Nơi "rừng thiêng nước độc", cuộc sống của TNXP vô cùng khó khăn, gian khổ. Khó khăn nhất vẫn là thiếu gạo, nhiều ngày anh chị em phải ăn ngô, ăn sắn, rau rừng cho qua bữa, người ốm đau mới được bát cháo loãng.

Trong khi đó, máy bay Mỹ bắn phá cả ngày lẫn đêm không lúc nào ngớt, đe dọa sự sống của các chiến sĩ TNXP. Lúc mới lên công trường 12A nhận nhiệm vụ, dựng lán trong rừng rậm, máy bay Mỹ đánh vào doanh trại, đơn vị chuyển ra trảng cỏ tranh, lại bị bom bắn cháy, thế là lại chuyển hẳn ra chốt ngay tại đồi trọc ven đường. 

Mỗi người gánh 32 quả bom

Ý chí và quyết tâm bám đường của C759 đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc cho cả tuyến đường hồi đó. "Địch đánh rừng già, ta ra rừng non/ Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc/ Địch đánh đồi trọc, ta ra bám đường".

Đoạn đường do C759 phụ trách luôn bị địch đánh phá ác liệt nhất. Hầu như mét đường nào cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của các chiến sĩ TNXP.

Thống kê của đơn vị ghi: "Tính đến cuối tháng 10/1966, chúng đã đánh vào đoạn đường C759 phụ trách 445 trận với 4.095 quả bom, tính ra mỗi người chịu 32 quả".

Thương vong đến mức đơn vị phải tổ chức truy điệu sống. Mặc, C759 vẫn quyết bám đường bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống với khẩu hiệu: "Máu C759 có thể đổ, nhưng đường C759 không thể tắc".

Dứt tiếng bom họ đã có mặt trên đường! Địch ném bom nổ chậm, đội viên Trần Đức Hè dũng cảm lăn quả bom nổ chậm đầu tiên ra khỏi mặt đường. Đại đội phó kiêm bí thư chi bộ Trần Thị Thành, lúc ấy mới 22 tuổi, đã đứng bên quả bom để động viên anh chị em yên tâm làm việc.

Tiểu đội 6 do chị Nguyễn Thị Kim Huế làm tiểu đội trưởng (sau này được phong anh hùng) thường xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn nhất và hoàn thành xuất sắc nên được gọi là "con chim đầu đàn" của đại đội...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật