Suối mang bóng người soi những về đâu…

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng ngày 19 – 3, tôi được anh Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam điện cho biết: Nhà thơ Hữu Loan đã qua đời!
Suối mang bóng người soi những về đâu…
Nhà thơ Hữu Loan.

Ôi, thế là đời lại đổ mất một bóng lớn; dòng suối thời gian lại mang đi một tên người, xóa dấu bàn chân vĩnh viễn trên mặt đất. Cuộc đời cứ thế mà trôi chảy, mà vĩnh hằng ư? Ngay lập tức, tôi nhớ những câu thơ của Hữu Loan “Suối mang bóng người soi những về đâu” “Màu tím hoa sim, tím chiều hoang biền biệt ”…

Tối ngày 18 - 3 - 2010, Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi trong một giấc ngủ ngon lành, giấc ngủ thần tiên, gửi lại cõi đời 95 tuổi thọ.
Cuộc đời Hữu Loan là một cuộc đời bi hùng. Ông sinh ngày 2 – 4 – 1916 tại làng Vân Hoàn – xã Nga Lĩnh huyện Nga Sơn – tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nông dân rất nghèo. Nhờ có ý chí, tư chất thông minh đặc biệt và sự giúp đỡ của một số gia đình hảo tâm, ông đã cố gắng theo học và đậu bằng tú tài từ trước cách mạng.
Có bằng tú tài trong thời điểm đó, nếu đi làm công chức cho chế độ thu‌ộc đị‌a, có thể đủ nuôi sống cả gia đình một cách dư dật nhưng ông không chọn con đường đó mà lại chọn con đường đi theo cách mạng.
Cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội nhà văn Việt Nam xuất bản chép tiểu sử của ông như sau: “Thuở nhỏ học thành chung ở Thanh Hóa, sau đó đi dạy và tự kiếm sống. Tham gia cách mạng từ năm 1936, hoạt động phong trào Mặt trận Bình Dân, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa. Năm 1943 về Nga Sơn, gây dựng phong trào Việt Minh ở quê, là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nga Sơn. Sau đó được cử làm Ủy viên văn hóa trong Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: giáo dục, thông tin, thương chính và công chính. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia phục vụ trong quân đội, phụ trách báo Chiến sĩ ở liên khu IV. Sau 1954, công tác tại báo Văn nghệ một thời gian rồi về sống ở Nga Sơn – Thanh Hóa.
Hữu Loan là một trong những hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Là một người cương trực, khí khái và nóng tính như lửa, không đồng tình với một số cách xử lý, thái độ văn nghệ của một số cán bộ thời đó, ông bỏ thẳng về Nga Sơn. Bỏ cơ quan nhà nước, hồi đó nghĩa là chẳng còn chế độ gì, từ lương bổng đến hộ khẩu, sổ gạo. Không những thế, nhiều người dân và cán bộ địa phương do mù mờ về thông tin, quan niệm rằng: từ Hà Nội phải về quê tức là bị Nhà nước đuổi. Bị Nhà nước đuổi tức là người xấu…
Hành động, khí khái ấy đã buộc ông phải trả giá đắt, gần suốt cả cuộc đời phải bươn bả kiếm sống bằng những nghề nặng nhọc nhất như đào đá, làm xe thồ… để nuôi sống bầy con đông đúc, sống trong sự câm nín nhẫn chịu kiên cường. Thời kỳ Đổi mới, sau những năm 1986, ông được khôi phục danh dự, trả lại quyền lợi một Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Cái nỗi oan trái ấy, do xã hội một phần mà cũng do ông một phần, ông chịu đựng một phần mà vợ con ông có khi chịu đựng oan trái phần hơn!
Tôi gặp nhà thơ Hữu Loan lần đầu vào năm 1984, trong chuyến đi công tác ở Nga Sơn để viết bài cho báo Nhân Dân; tôi đã đến thăm ông. Chánh Văn phòng huyện ủy lúc đó là anh Thế và một số đồng chí lãnh đạo đã phân công một cán bộ của huyện chở tôi đến Nga Lĩnh bằng xe đạp.
Năm ấy, nhà thơ 68 tuổi. Trong căn nhà tuềnh toàng, ông đang ngồi hút thuốc lào, hút liên miên. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ông lúc đó: chiếc quần nâu lụng thụng, áo may ô cháo lòng, ngoài sân vẫn còn chiếc xe thồ đá rọ sắt như người ta vốn kể. Ông cứ ngồi im như tượng, không nói câu gì, ngay cả sau khi tôi chào: “Thưa bác, cháu ở Hà Nội vào thăm bác…”.
Chỉ có một cú liếc nhìn với ánh mắt sắc lẻm, ông không nói gì, nên làm tôi cứng họng. Không nói chuyện thì quan sát. Tôi chợt nhìn thấy trên cột nhà một bài thơ chữ Hán của Trương Kế, lối viết thảo rất khó đọc. “Thưa bác, đây có phải là bài “Phong Kiều dạ bạc” – Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên, Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền không ạ?
Nhà thơ Hữu Loan bỗng dưng giật giật, run run. Sợ ông ngã, tôi cũng vội vàng chạy lại đỡ lấy ông. Có lẽ cử chỉ thân tình ấy khiến ông có được cảm tình. “Chú có học văn không, làm sao biết chữ Hán?” “Cháu học Tổng hợp văn, cả lớp cháu ai cũng chép tay bài Màu tím hoa sim, cũng mơ ước được một lần gặp bác”.
Đêm ấy, ông đã kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Từ đó, mỗi lần về Thanh Hóa, tôi lại rủ các bạn thân là nhà thơ Lã Hoan và Đỗ Xuân Thanh (nay đã mất), cùng làm ở Nhà xuất bản Thanh Hóa, cùng quê Nga Sơn về thăm bác Hữu Loan.
Năm 1989, tôi cưới vợ. Bác Hữu Loan đánh đường từ quê mang ra một can rượu “cuốc lủi” để mừng; anh Đỗ Xuân Thanh mang ra một đôi chiếu Nga Sơn. Trong căn phòng 9m2  (được chia đôi từ 18m2) ở khu tập thể Nam Đồng của báo Nhân Dân, tôi không nhớ hết có những ai nữa, nhưng chúng tôi đã uống cạn can rượu nghĩa tình ấy, uống cạn những mối sầu vạn cổ của thế giới này để vui với cuộc đời mới, sau khi đã rót riêng một chai ra để lấy lộc làm kỉ niệm quý giá của một nhà thơ lớn, một ân tình lớn.
Sau này, bác Hữu Loan ra Hà Nội nhiều hơn, thường ở nhà anh Chu Thành, tức nhà thơ Tú Sót, làm việc ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Nhà thơ Tú Sót ( nay đã mất ), chính là tác giả của bài thơ “Hôm nay mồng tám tháng ba, Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi”…
* * *
Tác phẩm của nhà thơ Hữu Loan không nhiều, nhưng đủ lớn. Với Đèo Cả, Hoa lúa, Những làng đi qua, Màu tím hoa sim... có thể khẳng định ông là một trong số ít những nhà thơ tài hoa, đổi mới nhất trong số các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Pháp. Đây là hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc quân, trấn thủ ở Đèo Cả, thiếu thốn mà hào tráng :
Rau khe
cơm vắt
Áo phai
màu chiến trường
Gian nguy
lòng không nhạt
Căm thù
trăm năm xa
Máu thiêng
sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
ông cha
“Cần xây chiến lũy ngất
đây hình hài niên hoa
Xâm lăng!
Xâm lăng!
Súng thèm
gươm khát… 
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim
mài sắt
Người đập mảnh chai
vênh cằm
cạo râu
Suối mang bóng người
soi
những
về đâu? 
Riêng bài thơ Màu tím hoa sim có một giá trị đặc biệt. Sau khi được phổ nhạc, nó trở thành một bài hát của mọi thế hệ, của mọi bên chiến tuyến. Nó làm cho tình yêu và nỗi biệt ly mang tên màu tím. Hoa sim trở nên màu hoa của tình yêu và nỗi biệt ly. Bài thơ có một giá trị nhân văn cao cả, lời cầu mong hòa bình, chấm dứt chiến tranh trong mọi thời đại… Đó là bài thơ của chính cuộc đời ông.

Bản gốc Màu tím hoa sim được tác giả Hữu Loan ký, được đăng ký tại Cục Bản quyền.
Bài thơ được viết năm 1949. Từ bấy đến nay, như mọi bài thơ hay khác, những hình tượng và mĩ cảm của bài thơ đã bước ra khỏi bối cảnh cụ thể, khỏi tình cảm của một người để đến với tình cảm của nhiều người và mỗi người tìm thấy trong lớp lớp tín hiệu ấy những tín hiệu có tần số tần số phù hợp với nhịp đập của trái tim mình.
Khoảng năm 1937-1938, anh học trò Hữu Loan rời Nga Sơn lên học trường Collège ở thị xã Thanh Hóa. Tại đây anh được giới thiệu làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng thanh tra Nông lâm Đông Dương, sau này là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thương vì tình, trọng vì tài, anh được bà Đái Thị Ngọc Chất, vợ ông Kỳ nhận làm con nuôi. Cô trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh lúc đó kém “thầy học” 16 tuổi, càng đặc biệt quấn quít bên thầy. Năm 1941, Hữu Loan thi đỗ tú tài Tây ở Hà Nội, trở về Thanh Hóa vừa dạy học vừa tham gia Việt Minh. Trong buổi mít-tinh khai mạc Tuần lễ vàng sau Cách mạng, xúc động trước bài diễn văn của người thầy học cũ, từ trong hàng thiếu nhi danh dự đứng cầm cờ, cô Ninh bước ra tháo bỏ vòng xuyến vàng quyên cho Chính phủ. Sau đó, Hữu Loan vào quân đội, làm Tổng biên tập báo Chiến sĩ và vẫn được coi như con đẻ trong gia đình bà Chất, đâu để ý gì Ninh! Nhưng tình yêu thường có những con đường bất ngờ và độc đáo. Ngày 6-2-1948 đám cưới giữa người chiến sĩ Vệ quốc và em nuôi mình được tổ chức:
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Và ngắn ngủi thay, ngày 29-5 năm đó, khi đương là Trưởng ban Tuyên huấn của Sư đoàn 304 đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, Hữu Loan được tin vợ chết. Nỗi đau nát lòng ấy, năm 1949, trong khi vào Nghệ An chỉnh huấn, mới được viết thành thơ. Bài thơ được viết trong hai tiếng đồng hồ vào một buổi trưa vắng, không phải sửa chữ nào. Bài thơ riêng ấy được cất trong túi áo coi như một thứ tình cảm riêng. Một hôm Hữu Loan đi vắng, Vũ Tiến Đức, biên tập viên cũ của ông ở báo Chiến sĩ, lấy được bài thơ về đọc cho bà Chất và mọi người nghe. Sau này Nguyễn Bính đăng lên trong tờ Trăm hoa của mình (1956) mà tác giả vẫn không hề biết. Đây là một trong số những bài thơ có sức lan truyền kì lạ. Những chi tiết trong bài thơ đều là những chi tiết rất thật, từ “Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân” trong đám cưới đến “Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng”… 
Thưa bác Hữu Loan! Ít ai viết rợn ngợp hơn bác về cái chết:
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh
Vây quanh         
Trước cái bóng tối đã dày lên nhưng vẫn tiếp tục buông xuống, cái tôi bị đẩy ra. Chỉ còn lại một người đàn bà câm lặng khóc. Nhưng cũng chỉ có một người đàn bà mà thôi, với những tàn lạnh – những đốm tàn lạnh, những cụm bóng tối như lá rụng, như những giọt bạch lạp tàn cháy rơi rắc xung quanh.
Khi Nguyễn Du viết:
Sè sè nắm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
thì đó là một cái chết đã chết. Nhưng:
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
thì là một cái chết đang chết. Cái rờn rợn của gió sớm thu về, rờn rợn nước sông đã thổi lạnh tác giả, còn thổi lạnh đến bao người!
Cũng ít ai đến với cái chết thanh thản như bác Hữu Loan. Dường như đến lúc bác cần trở về với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, với Đỗ Phủ, Lý Bạch để đàm đạo văn chương ; đang trở về sum họp, cùng học tiếp những bài học với cô trò nhỏ năm xưa…
Sinh thời, bác đã từng dắt cháu dạo quanh núi Vân Hoàn, ngọn núi tụ mây thiêng và linh khí của trời đất . Bác đã thành quê hương Xứ Thanh, thành mây núi Vân Hoàn. Trên mộ bác muôn đời sẽ ngan ngát hương hoa lúa, ngan ngát hoa sim của những lòng tưởng niệm.
Cuốn sách viết về bác mà cháu và thầy giáo Nguyễn Sĩ Lục , anh Phạm Văn Sĩ ấp ủ mấy chục năm nay chưa thành, bác đã ra đi… Tự bác đã viết xong cuốn sách về cuộc đời đẹp, buồn nhưng cũng không ít phen đắc chí của một nhà thơ, một người yêu quê hương đất nước và lẽ công bằng.

Hà Nội, 19-3-2010

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật