Vì sao một học sinh du học tại Mỹ phải bỏ về nước?

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào một ngày trung tuần tháng 8.2007, tôi nhận được e-mail cấp báo của một người mẹ từ TP.HCM. Trong thư, cô nhờ tôi bằng bất cứ giá nào hãy liên hệ ngay với một trường trung học ở Bắc California để "giải cứu" cho cô con gái vừa mới đặt chân đến nước Mỹ du học chỉ vài ngày trước đó. Lý do là cô con gái đòi t‌ּự t‌ּử nếu như không đưa cô ra ngay khỏi hoàn cảnh hiện tại.
Vì sao một học sinh du học tại Mỹ phải bỏ về nước?
Một trường trung học ở Mỹ

Đang chuẩn bị lên đường để gặp và thuyết phục cô gái tiếp tục ở lại học (quãng đường từ Nam Cali lên đến tận Bắc Cali - nơi ngôi trường tọa lạc xa chừng 1.100km) thì tôi nhận tiếp cú điện thoại khẩn báo là cô bé đã "cắt đứt mọi liên lạc" (chat, e-mail, điện thoại...) với cả người nhà lẫn bạn bè thân thích ở TP.HCM với lời nhắn là "sẽ không còn thấy nhau".

Việc đầu tiên là tôi gọi ngay số điện thoại 911 (khẩn cấp) báo cho cảnh sát biết có một trường hợp như thế để nhờ can thiệp, ngăn chặn cháu có những hành động rồ dại, thiếu suy nghĩ. Tôi cũng yêu cầu mẹ cháu liên hệ với trung tâm tư vấn du học gửi ngay e-mail qua trường trung học ở Mỹ giới thiệu tôi là người bảo hộ (guardian) của cháu để có đủ thẩm quyền làm việc với nhà trường.

Diễn biến vụ việc

Cháu Th. vừa học xong lớp 11 tại một trường THPT ở TP.HCM niên khóa 2006-2007 thì mẹ cháu đã liên hệ với viện Ngôn ngữ Quốc tế - Phân viện Việt Nam (ILA Vietnam) trụ sở tại 402 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM  để làm hồ sơ cho cháu du học Mỹ. Thủ tục nhanh chóng hoàn tất, kể cả việc vượt qua vòng phỏng vấn tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM.

Có điều là Phòng du học của ILA Vietnam đã thay đổi địa điểm học của cháu: thay vì học tại một trường trung học mà gia đình đã biết qua thông tin của những gia đình đã có con em du học trước đây (và theo đúng tên trường trong hợp đồng đã ký kết), thì lại "tư vấn" là "nên" đổi qua một trường khác "tốt hơn" mà khỏi phải chờ đợi lâu. Thế là gia đình đồng ý.

Thật ra, ngôi trường mà Phòng du học "đề nghị thay đổi" - theo chỗ chúng tôi tìm hiểu - khó gọi là tốt hơn do vị thế của trường cũng như sĩ số học sinh theo học (trường có không tới 200 học sinh từ lớp 1 - lớp 12).

Chiều 16.8.2007, Th. đến trường. Ngôi trường này tọa lạc trong một thành phố khá đẹp, có biển và núi. Có điều, thành phố này nằm ở một vị thế có thể xem là "cô lập" và với dân số chỉ hơn 20.000 người thì có thể ví như một "thị trấn đìu hiu" của Việt Nam. Cháu Th. từ bé đến lớn sinh sống và học hành ở nơi đô hội là TP.HCM nên bị sốc ngay khi đặt chân đến đây.

Theo lời Th. kể lại, chiều hôm đó, cháu thử đi bộ ra phố, thấy vắng teo, rồi lại bị một người đàn ông rượt theo làm cháu phải nhanh chân chạy về trường. Cháu không biết là ở những nơi như thế, không nên đi bộ một mình vì có thể bị quấy rầy, thậm chí bị bắt cóc, rất nguy hiểm.

Với hoàn cảnh như thế, dù đã có quyết tâm trước khi du học, nhưng ngay khi đặt chân đến Mỹ, cháu Th. đã bị sốc nặng do thất vọng và bỡ ngỡ trong môi trường mới, như trong e-mail "cầu cứu": "Cháu không muốn ở đây, đìu hiu heo hút, buồn lắm! Còn ở đây nữa chắc cháu chết quá!...".

Một điểm nữa phụ thêm vào việc khó hội nhập với môi trường mới mà Th. ghi trong e-mail là: "cháu không hiểu họ nói gì hết" - nguyên nhân do phát âm không chuẩn nên ban đầu rất khó nắm bắt, sinh ra tự ti mặc cảm, không dám tiếp xúc với ai (chuyện này đã có nhiều bài báo đề cập đến).

Khi tôi đến trường với mục đích hỗ trợ tinh thần và khuyên cháu tiếp tục học ở ngôi trường đó, hoặc sẽ chuyển tiếp qua một trường khác, nhưng nhìn thần sắc thất thần của Th. (theo lời Th. thì cháu sụt mất gần 4 kg chỉ chưa tới 1 tuần lễ), tôi đã làm việc ngay với ban giám hiệu và đề nghị được dẫn cháu đi thăm thú khoảng 1 tuần rồi cháu sẽ quyết định học hay không. Tuy đã được tôi nói chuyện, hướng dẫn thêm về môi trường học tập ở Mỹ,  nhưng Th. một mực năn nỉ cho trở về Việt Nam. Tôi gọi điện và mẹ cháu đồng ý nên đã mua vé máy bay cho Th. trở về.

Lỗi tại ai?

Trước hết là về phía gia đình và bản thân người du học đã không chuẩn bị đầy đủ. Người mẹ kể rằng, trước khi lên đường, cháu rất quyết tâm, cũng có thể vì "phong trào" du học Mỹ rộ lên, ai ai có tiền cũng đều muốn cho con em mình đi học ở Mỹ nên cháu cũng rơi vào trường hợp đó. Quyết tâm thì lớn, nhưng gia đình lại không chịu tìm hiểu thêm về môi trường du học ở Mỹ.

Phòng du học của ILA Vietnam cũng không hướng dẫn tận tình trước khi đưa cháu Th. qua Mỹ. Thế nên, khi rơi vào hoàn cảnh bị cô lập và quá xa lạ như thế, Th. đã bị sốc nặng. Thật ra, với những du học sinh có bản lĩnh một chút thì không đến nỗi nào. Nhưng với những học sinh còn ở tuổi teen như Th. thì việc đưa đi du học ở một thị trấn xa xôi hẻo lánh - nếu nói hơi cường điệu - thì giống như là đưa vào một "trại trừng giới".

Đoạn đường từ San Francisco lên đến Eureka City (nơi ngôi trường tọa lạc) có đến hơn 300 km chạy xe trong rừng hoặc qua các đồi trọc hoang vắng. Cũng cần biết một thực tế là trong nhiều chuyến công tác, làm việc ở nước ngoài lâu ngày, hầu như các thành viên của đoàn Việt Nam đều mong muốn được ghé lại đâu đó có cộng đồng người Việt, được nghe nói tiếng Việt, thèm ăn một tô phở... Rơi vào một môi trường chỉ toàn người ngoại quốc mà khi thấy bóng dáng những "mái đầu đen" hay nghe được một câu tiếng Việt thì như  "bắt được vàng".

Với tâm lý như thế thì ta không nên đưa các em - nhất là những học sinh bậc trung học phổ thông - đi du học đến một môi trường quá cô lập, cách biệt với cộng đồng người Việt như thế. Vậy nên Phòng du học ILA Vietnam đã làm "công tác tư tưởng" cho cháu trước khi lên đường hay chưa? Một trường trung học mà chỉ có chưa tới 200 học sinh thì có thể cho là "trường tốt" được không? Không thể viện dẫn nhờ sĩ số lớp học ít, học sinh được quan tâm nhiều hơn. Vì thật ra ở Mỹ, những trường đông học sinh nhưng vẫn tổ chức, sắp xếp lớp học với sĩ số thấp (đây là một trong những yếu tố đánh giá trường tốt hay không tốt) để việc học có hiệu quả cao.

Nơi tư vấn đã làm hết trách nhiệm?

Ngày 11.9, theo yêu cầu của gia đình cháu Th., chúng tôi đã đến làm việc với ILA Vietnam với mục đích góp ý cho ILA Vietnam để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. Ngoài ra, gia đình cháu Th. cũng muốn xem lại những khoản tiền mà  Th. chưa thụ hưởng. Hầu hết các trường học ở Mỹ đều có chính sách rất rõ ràng: Nếu chưa học thì được trả lại tiền học phí đã đóng, nếu đã học một phần thì sẽ bị khấu trừ theo tỷ lệ phần trăm, tiền ăn ở được thanh toán trở lại... (trường hợp cháu Th. chưa học ngày nào).

Nhưng khi tiếp chúng tôi, cô Thi - đại diện cho Phòng du học ILA Vietnam, nói rằng: "bỏ học không lý do khi đã đến trường thì sẽ mất toàn bộ chi phí" theo như câu cú trong hợp đồng mà ILA Vietnam soạn sẵn và chỉ có lợi cho tổ chức giáo dục Study Group của Mỹ. Cô Thi cũng từ chối cung cấp chi tiết về khoản tiền trọn gói lên tới 31.150 USD (khoảng 500 triệu đồng VN).

Trường hợp cháu Th. chưa học một ngày nào mà gia đình phải mất đi một khoản tiền lớn như thế thì  ILA Vietnam nên liên hệ với Study Group và nhà trường để đòi lại những khoản tiền mà cháu Th. chưa thụ hưởng (theo tìm hiểu của chúng tôi thì chỉ 2 khoản  tiền học phí và ăn ở - mà có thể đòi lại được - là đã hơn 15.000 USD).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật