Vẫn còn đây, tranh hổ Hàng Trống, năm Dần

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã xa xưa rồi mà vẫn sống động trong ký ức người Hàng Trống, người Hà Nội cao tuổi bây giờ, nôn nao những ngày Tết đến. Khi náo nhiệt, tưng bừng, sặc sỡ sắc màu chợ Tết phố Hàng Nón - Hàng Mành liền kề Hàng Trống với hoa đào Nhật Tân, Quất Nghi Tàm, mai Mơ và biết bao sản vật tươi mới, tài khéo của đất Hà Thành. Mà rực rỡ, độc đáo, ấn tượng và thu hút khách ngắm, khách mua, là tranh Hàng Trống.
Vẫn còn đây, tranh hổ Hàng Trống, năm Dần
Tranh Tứ bình Hàng Trống.

Hồi ấy, năm Hổ người ta ưa tranh Hổ đã đành. Các năm khác vẫn nhiều người mua tranh Hổ. Vì đó là tranh nổi bật trong loại tranh thờ. Tranh Hổ có Độc Hổ, Ngũ Hổ, bên cạnh những tranh thờ khác như Hương chủ, Sơn trang, Tứ Phủ cộng đồng, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưỡi rắn; Ông Hoàng Ba, Ông Hoàng Bẩy, Ông Hoàng Mười, Bà Chúa Ba, Đức Thánh Trần... Các điện, các phủ thờ Mẫu, cũng như các đền, chùa có thờ Mẫu đều có tranh thờ Hàng Trống hoặc tượng hổ đắp vữa, được thờ với vị thế Thần Hổ không thể thiếu, thường đặt trong khám thờ xây gạch. Còn tư gia thì nhà có gian thờ riêng, xây khám thờ, cũng có khi đặt tranh Hàng Trống.

Dĩ nhiên cùng với tranh thờ, tranh Hàng Trống cũng phong phú đề tài trong loại tranh Tết, với các đề tài  Chúc phúc, Tứ quý, ... Ngoài ra cũng có những bức tranh chơi như các bộ Tứ bình (4 bức) với 4 Tố nữ, hoặc Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục) hoặc Tứ quý (4 mùa). Hoặc là 4 tranh liên hoàn về các tích truyện như Nhị độ mai, Thạch Sanh, Truyện Kiều. Nhị bình thì thường vẽ Cá chép trông trăng, Chim công múa... Ngoài ra còn có tranh Chợ quê, Canh nông chi đồ...

Tranh Hàng Trống độc đáo, công phu ở kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Tranh chỉ in ván khắc để nét lấy hình, rồi tô màu bằng bút lông, một nửa ngọn bút chấm màu, nửa kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu. Các gam màu là lam hồng, có khi thêm lục, đỏ, da cam, vàng... Chất liệu tạo màu đều là thảo mộc - rơm rạ, hoa hòe, thảo mộc miền núi... pha với dung dịch hồ nếp. Vì thế nên màu sắc tranh Hàng Trống óng ả, trong trẻo mà các loại màu hiện đại không thể nào có được.

Sau đó cũng công phu không kém là công đoạn bồi giấy. Có tranh bồi 1 lớp, có tranh bồi đến 2 hay 3 lớp giấy. Khi hồ dán khô thì vẽ màu lại. Có khi phải mất đến 3 - 4 ngày mới hoàn thành một bức tranh. Có tranh thờ cầu kỳ được thếp bằng vàng hay bạc dát mỏng. Tranh được in trên giấy dó bồi hay giấy báo khổ rộng. Ván khắc được làm bằng gỗ lồng mực hoặc gỗ thị. Mực in truyền thống dùng chất liệu dân dã, chế tác tốn công và tinh xảo.

Tranh Hàng Trống độc đáo, rực rỡ, tươi vui, giàu sức sống, thể hiện ước mong của con người hướng tới bình an, thịnh vượng, đến chân thiện mỹ. Quả là một di sản đặc sắc kinh kỳ. Nhưng nay thì ít thấy vì chẳng mấy ai mua. Một thời chưa xa, người ta chỉ biết đến tranh Hàng Trống khi được ngắm tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật.

Nhưng may sao, di sản quý này đã không mai một. Đó là nhờ sự tiếp nối của nghệ sĩ Lê Đình Nghiên,  người con trong một gia đình làm tranh Hàng Trống cổ truyền. Ông cho hay là ông sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, gia đình ông có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội). Thuở bé, ông chuyên hòa màu, mài mực cho bố vẽ tranh. Ông nội và bố  ra lập nghiệp tại phố Hàng Trống, Hà Nội tính đến nay đã ngót trăm năm. Nhiều đời, anh em con cháu cũng đông, nhưng rồi chỉ mỗi mình ông còn đeo đuổi nghề gia truyền công phu đấy, nhưng mưu sinh thì khó lắm. Nay thì gia đình ông cư ngụ tại  22A phố Cửa Đông. Ông say mê tranh Hàng Trống, vì tính độc đáo của tranh, vì là nghiệp của mấy đời ông cha, và theo ông còn vì "Tranh Hàng Trống không chỉ là tranh mà là hồn dân tộc...". Nay ông đang truyền nghề cho con trai Lê Hoàn.

Cũng may là đời sống người dân khá lên, khách du lịch đến ta ngày càng đông, ta lại thường xuyên quảng bá di sản của mình ra thế giới, nên nhiều khách tìm đến ông để ngắm tranh, để hỏi han về cái công phu và giá trị tiềm ẩn của tranh mà với họ là rất lạ, rất hấp dẫn và nhiều khách mua tranh nữa. Một người bạn của ông, ông Bùi Hưng Hoàng, có cửa hàng Mỹ Thái ở phố Hàng Trống, nể trọng tâm huyết của ông và yêu tranh Hàng Trống, nên  mang tranh về bày bán. Nhờ tranh Hàng Trống mà ông Nghiên được mời đi giao lưu, vẽ tranh tại chỗ ở nhiều nơi. Ông có thêm công việc hứng thú là chuyên phục chế tranh dân gian Hàng Trống ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng từng có chuyến chu du sang Mỹ cùng đoàn của Bộ VH-TT-DL. Ông bày tranh, vẽ tranh tại chỗ ở Washington để giới thiệu di sản quý này trước sự trầm trồ của người Mỹ. Ở một vài thành phố lớn khác, người xem vẽ tranh, mua tranh khá đông, ông chẳng đủ thời gian mà vẽ cho nhiều khách.

Và Tết năm Dần này, biết đâu cha con ông lại chẳng phải miệt mài làm tranh Hổ do nhiều khách du lịch muốn mua; mà có thể cũng lắm khách xuôi ngược trong nước đặt hàng, vì bây giờ các phủ, các điện thờ Mẫu từ mạn đầu nguồn, mạn ngược cho chí ở đồng bằng, cữ cuối đông, dịp Tết và ra Giêng, là đông khách hầu bóng lắm!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật