21 năm gần gũi... cọp

Nguyenduong Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hỏi ông về cọp, ông bảo, cọp là con vật dễ thương và thu hút nhất.
21 năm gần gũi... cọp
Dáng oai nghiêm, dũng mãnh, nhưng hổ cũng là loài dễ thương và thu hút nhất

Ngày nào không ngắm cọp thì nhớ

Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp con cọp tên Rô trong Thảo Cầm Viên, ông vội la lớn: "Đứng lui ra, móng vuốt của nó dài, nó nhảy bổ ra nguy hiểm lắm". Vườn thú đã làm hàng rào ngăn cách để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, nhưng, để có thể chụp được tấm hình đẹp về những chú cọp, nhiều người leo lên cả lan can đưa máy lên cao chụp qua song sắt.

Ông nói, làm thế nguy hiểm lắm. "Trông nó "hiền" thế thôi, nhưng nó dữ lúc nào mình không hay, sơ sẩy nó có thể nhảy bổ vào hàng rào chụp mình bất cứ lúc nào, không bị thương thì cũng giật mình mà té".

Ông là Trần Minh Tâm, năm nay 52 tuổi, nhưng đã có tới 21 năm gắn bó với nghề trông nom, chăm sóc thú dữ. Trong đó, con vật ông khoái nhất, mê nhất là hổ. Sau khi xuất ngũ bộ đội, ông biết Thảo Cầm Viên đang cần người chăm sóc hổ nên xin vào làm. "Bản tính của tui vốn thích cái gì dữ dội. Thế nên nghe tin Thảo Cầm Viên tuyển người là tui xin vào ngay. Hổ là loài thú dữ, nhưng chính điều này thu hút tui muốn tiếp xúc với tụi chúng xem sao".

Làm việc quen với hổ, cũng nhiều phen hết hồn vì những vị chúa sơn lâm này, nhưng để kết luận một câu về loài thú dũng mãnh này, ông đúc rút: "Hổ là loài thú dễ thương và thu hút nhất".

21 năm gắn bó với chúa sơn lâm, chỉ nhìn vẻ mặt, ông Tâm cũng biết chúa sơn lâm đang yêu, buồn hay vui

Đó cũng là khẳng định của ông Phạm Anh Dũng, thạc sĩ thú y - Đội trưởng Đội động vật trong Thảo Cầm Viên. "Không đẹp sao được, không dễ thương, thu hút sao được khi hổ và voi là hai loài động vật thu hút sự tham quan của nhiều du khách vào Thảo Cầm Viên nhất" - ông Dũng lí giải.

Còn chị Hạnh, Tổ phó về kĩ thuật tổ Thú dữ thì say mê nói: "Em gặp rồi sẽ thấy cọp đẹp và dễ thương lắm. Con cọp già thì vẻ mặt nó toát ra vẻ uy nghiêm, cọp con lại ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ, còn mấy cọp mới lớn lên thì duyên dáng như thiếu nữ vậy. Ngày nào mà không ngắm cọp là nhớ lắm".

Nhìn mặt, biết cọp đang "yêu", vui hay buồn

Thời gian đầu vào làm, mặc dù được học hỏi từ những bậc tiền bối trong nghề chăm thú dữ nhưng không tránh khỏi những sai sót, có lần ông Tâm đã bị cọp tấn công làm hoảng hồn.

"Những lần hoảng hồn vì cọp thì nhiều lắm. Mình làm vệ sinh cho nó, sơ ý là bị nó quơ ngay. Có lần tui bị rách áo rồi. Nhưng làm việc hoài với cọp nên quen tiếng gầm của cọp, quen với những âm thanh của tụi nó rồi. Tiếng nó gầm lớn lắm, nhiều người không quen với âm thanh gầm gừ thì dễ giật mình lắm".

21 năm gần gũi với cọp, bây giờ chỉ cần nhìn vào mắt, vào tai, xem cử chỉ của nó là ông bắt được tâm trạng của cọp ngay. Ông đã từng "vuốt lông cọp, sờ đầu Cọp" và kết luận có lúc cọp cũng "hiền", cũng thuần và rất thân quen.

Khâu chọn lựa đồ ăn cho hổ hết sức quan trọng, không chỉ hợp khẩu vị mà còn phải đảm bảo dinh dưỡng hợp lí.

Dạo trước có con Long, giống Amur, tui nuôi nó từ nhỏ nên nó quen mình, nhớ mình, mình có thể sờ má, vuốt lông nó. "Nó như con chó bec-giê vậy, dữ thật nhưng mình nghe âm thanh, nhìn ánh mắt cử chỉ của nó là biết nó đang giận dữ hay tuân phục mình".

Tui kêu mà thấy nó dụi đầu vào song sắt thì chứng tỏ nó đang trìu mến với mình. Còn khi nào mình kêu nó mà thấy mắt nó long lên, dáng đi sấn tới là lúc đó nó đang dữ. Mình phải hiểu nó mới làm việc được - ông chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Tâm, khó nhất trong việc chăm sóc cọp là khâu trị bệnh. Không hề dễ dàng để chích hay cho cọp uống thuốc. Muốn cho cọp uống thuốc thì phải nhét vào thịt cho cọp ăn. Nhưng cọp rất tinh, thường ngửi thấy mùi thuốc là cọp sẽ không chịu ăn. Vì vậy nhiều khi phải chích thuốc cho nó. Thảo Cầm Viên phải chế một loại ống chích thổi có thiết kế đặc biệt cho thú hoang dã. Ống chích này có thể thổi từ xa để đảm bảo an toàn cho người.

Có lúc cọp cũng "hiền", cũng thuần và rất thân quen.

Thời gian cọp bị bệnh phải theo dõi chặt chẽ và có chế độ chăm sóc cẩn thận. Phải nhìn vào từng biểu hiện của cọp qua ánh mắt, mũi, miệng, thậm chí thói quen vệ sinh của tụi nó để hiểu tâm sinh lí của nó. Thường cọp đi vệ sinh một chỗ cố định, nếu thấy nó thay đổi vị trí thì chắc chắn nó đang có vấn đề - ông Tâm chia sẻ.

Làm việc với cọp lâu năm, ông nắm rõ cả thời gian cọp "đang yêu" với những thay đổi về mặt tâm sinh lí. Cọp không sống chung với nhau, mỗi con một lãnh thổ riêng, nhưng khi động dục cọp thường có sự thay đổi, tìm kiếm bạn tình.

Đến thời gian động dục, cọp cái thường nhổng đuôi lên, rồi quất tới quất lui, tiết nước tiểu cho cọp đực ngửi mùi và biết nó đã "sẵn sàng" vào cuộc yêu. Người chăm sóc phải tinh tế để nhận ra và cho cọp đực gặp gỡ cọp cái.

Trước đây Thảo Cầm Viên có nhập cọp Amur về. Đây là loại cọp có sức sinh sản tốt và đã từng sinh sản hai lần tại Thảo Cầm Viên, nhưng cả hai lần cọp mẹ đều không chịu nuôi con. Lí do là cọp bố và cọp mẹ vốn là hai anh em nên bị đồng huyết, cọp mẹ ruồng bỏ con mình nên cọp con chết. Sắp tới, hi vọng Thảo Cầm Viên sẽ có những chú cọp con đầu tiên được sinh ra - ông Dũng cho biết.

Chỉ còn 6/9 loài Chúa Sơn Lâm tồn tại

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), năm 2010, số lượng Hổ trên toàn thế giới chỉ còn 3200 đến 3500 con, trong đó Hổ Bengal khoảng 2300 con.

Hổ trên thế giới có 9 phân loài, trong đó có 3 loài đã tuyệt chủng là: Hổ Caspian (Panthera virgila), Hổ Javan (Panthera sandaica), Hổ Balinese (Panthera balica). 6 loài còn tồn tại là: Hổ trắng hay Hổ Bengal (Panthera tigris tigris), Hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti), Hổ Nam Trung Hoa hay Hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensis), Hổ Amur (Panthera tigris sumatrae), Hổ Malayan (Panthera tigris jackoni).

Ở Việt Nam hiện có gần 100 con, được nuôi ở Vườn thú Hà Nội, Thảo Cầm Viên TP.HCM và ba doanh nghiệp Đại Nam, Thanh Cảnh, công ty bia Pacific ở Bình Dương. Trong đó, Thảo Cầm Viên hiện có 5 con: 3 Hổ Đông Dương (2 đực, 1 cái), 2 con Hổ Bengal (1 đực, 1 cái) mới nhập từ Canada về ngày 5/12/2009.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật