“Vết tích giang hồ” và nẻo về nghiệt ngã

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người muốn quay về với lương thiện và phá bỏ những hình xăm kỳ dị - vết tích giang hồ một thời. Hoàng Trọng Lượng mới 23 tuổi, đã 2 lần nếm mùi “cơm tù áo số” cũng có ước mơ như thế. Nhưng những hình xăm đang hằn sâu trên da thịt khiến bước đường hoàn lương của Lượng chông chênh.
“Vết tích giang hồ” và nẻo về nghiệt ngã
Những hình xăm loang lổ đã khiến nhiều người khó khăn trên bước đường hoàn lương. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Hình xăm kỳ quái
Lượng quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Năm 16 tuổi, Lượng đã là một “giang hồ nhí” khét tiếng với rất nhiều những “chiến tích” kinh hoàng. Đánh lộn, trộm cắp, tiêu thụ của gian và cả cướp giật. Với những tay anh chị đi trước, cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến “thằng nhóc miệng còn hôi sữa” là Lượng thì vẫn thấy... toát mồ hôi lạnh.
Năm ấy, khi đã xoay đủ cách mà vẫn không có đủ tiền cho những cuộc trác táng, Lượng cùng đám lâu la quyết định đi cướp. Trong một “áp phe” liều lĩnh, Lượng đã bị bắt. Khi đó, dù đang ở tuổi vị thành niên, nhưng bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án, Lượng vẫn phải đi trại.
Nơi Lượng đến là Trại giam Hang Son (Bộ Công an) ở Đông Triều (Quảng Ninh). Dù đang ở trong trại giam nhưng “dòng máu đại bàng” ở Lượng vẫn chưa nguội lạnh. Cũng chính ở trại giam này, Lượng đã cho xăm kín mít trên thân thể mình những hình thù kỳ quái.
Cũng giống như những “đại ca” khác, Lượng thích hình con rồng đang giương nanh, chĩa vuốt ở hai cánh tay, đại bàng đang sải cánh trước ngực. Thế nhưng, ngày ấy, “tác phẩm” mà Lượng thấy “khoái chí” nhất là hình cô gái, tờ tiền và còng số 8 xăm ở bên đùi trái.
Ngày đó Lượng thích, nhưng giờ, đã nếm đủ “sương gió” cuộc đời thì Lượng lại thấy căm thù cái hình xăm đó. Như có ma lực, hình xăm ấy đã ám vào đời Lượng khiến Lượng chẳng thể nào ngóc dậy làm người. Lượng kể, sau mấy năm thụ án ở Hang Son, khi về nhà, bố mẹ Lượng đã tá hoả khi thấy trên thân thể con mình xuất hiện những hình thù quái đản đó.
Người tốt tránh Lượng như tránh hủi. Ngẫm cũng đúng bởi nhìn những hình xăm trên c‌ơ th‌ể Lượng là mọi người... chán hẳn. Dù trời nóng như đổ lửa nhưng hễ bước chân ra khỏi nhà là Lượng lại phải đóng bộ kín mít từ đầu đến chân. Với cảm giác tự ti,  Lượng lại ngựa quen đường cũ, tìm đến với những chiến hữu cùng hội cùng thuyền thuở trước. Thành “người của giang hồ” và lại vào tù.
Đến bây giờ khi được trở về xã hội, Lượng mới thấy hành động xăm mình thuở trước là trò chơi dại dột. Lượng muốn xoá chúng, nhưng chẳng biết xoá bằng cách nào. Những hình xăm đó đã ăn sâu vào thịt da, muốn xoá cũng vô cùng khó.
Nghe “kinh nghiệm” của những người đã từng “dại dột như mình” thì cách mà họ vẫn làm là dùng bàn là, hoặc những miếng sắt nung đỏ chà lên vết xăm, nhiệt độ sẽ đốt cháy cả phần da thịt mang hình quỷ dữ đó. Và, khi “vết thương” đó lành thì hình xăm sẽ biến mất, thay vào đó là những vết sẹo bỏng loang lổ, sần sùi.
Một vài hình còn làm thế được, chứ Lượng xăm kín khắp ngực, lưng, bụng, chân, tay mà dùng cách xoá đó thì chỉ có nước “đi theo” ông bà ông vải.
Đeo đẳng nỗi buồn
Cũng giống như Lượng, Nguyễn Văn Minh, nhà ở Đống Đa, Hà Nội cũng ngày đêm trăn trở về những dấu vết giang hồ trên da thịt. Vì những hình xăm phủ kín trên người, Minh đã bị xã hội cô lập.
Mỗi khi ra tù, Minh không có nhiều “giải pháp” trong việc “chọn bạn mà chơi”. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, nên dù có trốn tránh mấy thì sau cùng, Minh vẫn phải giao du với đám bạn coi “tù là nhà”. Bởi thế, đến giờ, người dân khu phố nơi Minh ở đã chẳng ngạc nhiên gì nếu thấy một ngày công an ập đến bắt Minh đi.
Minh “tổng kết” vòng quay cuộc đời mình chỉ bằng một chữ duy nhất: “Tù”. Mỗi vòng quay đó, thì “tù” luôn là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Minh kể, cứ mỗi lần ra tù, Minh đều muốn kiếm một việc làm lương thiện.
Thế nhưng, với “dấu ấn qủy dữ” trên người, chẳng nơi nào muốn nhận Minh vào làm việc. Nhàn cư vi bất thiện, Minh lại tụ tập với “đám người xã hội”. Và, gần mực thì đen, Minh lại phạm tội, lại tù.
Tâm sự, Minh bảo, thương mấy đứa con của mình. Giờ chúng đã lớn, đã hiểu những hình xăm trên người bố, đã biết “chặng đường” mà Minh đã đi qua, nên thấy tủi. Có lần, dẫn bạn về chơi, thấy Minh ở trần đang lúi húi trong nhà, con của Minh đã không dám giới thiệu người có những hình xăm quái dị phủ kín c‌ơ th‌ể ấy là bố của mình.
Những lần khác, mỗi khi có bạn về cùng thì việc đầu tiên là con của Minh gọi điện về, bảo Minh phải mặc ngay quần áo dài vào nếu không thì mời... đi nơi khác “lánh mặt”.
Năm 2002, khi được ra tù, những mong xa lánh đám chiến hữu ngoài Bắc, Minh vào Nam để tìm đến một cơ sở thẩm mỹ. Thấy Minh lò dò bước vào, chủ cơ sở đó đã đón khách bằng nụ cười rạng rỡ. Nhưng rồi nụ cười ấy đã nhanh chóng tắt ngấm khi thấy những hình xăm đen kịt trên người vị khách lạ lùng.
Họ bảo, tuy giá hữu nghị nhưng để xoá một hình xăm rộng cỡ bàn tay thì khách cũng phải chi không dưới 10 triệu đồng và với Minh thì kinh phí sẽ lên tới cả trăm triệu. Và, nhìn Minh thì họ biết, Minh chẳng phải là người lắm tiền nhiều của.
Nghe họ nói vậy, Minh đành choáng váng quay ra và đeo đẳng nỗi buồn. Tuy nhiên với Minh, dù hình xăm còn ám ảnh nhưng bước chân đã chắc chắn theo nẻo về phục thiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật