Người câu xác trên dòng Đà giang

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thường thì khi có hợp đồng do người nhà nạn nhân thuê với giá từ mấy trăm ngàn đến cả vài triệu bạc hoặc là thấy có người chết đuối, muốn giúp họ không phải gửi thân nơi đáy sông lạnh lẽo, hoặc làm mồi cho cá, dăm bảy thuyền câu sẽ được huy động để triển khai công việc. Xác định vị trí lúc xảy ra tai nạn, điều nghiên hướng của dòng chảy, rồi đưa ra phán đoán xác người đang nằm ở đoạn nào trước khi cả đội dàn thành một hàng ngang, buông câu.
Người câu xác trên dòng Đà giang
Một góc làng chài dưới chân cầu Hòa Bình (ảnh: D.S)

Ông già 80 tuổi, khỏe mạnh, nước da bánh mật và một giọng nói sang sảng ngồi trước mặt chúng tôi đã có thâm niên 70 năm làm nghề câu xác chết trên sông Đà. Trong quãng thời gian đó, ông không nhớ mình đã "cướp" lại từ tay "Hà Bá"  bao nhiêu xác chết, giúp những người xấu số được mồ yên mả đẹp mà chỉ biết mình bắt đầu sống với cái nghề này từ lúc lên 10...

Tên ông là Ngô Văn Tám. Một buổi trưa đầu hè nắng gắt, ngồi trong khoang thuyền đang neo đậu dưới chân cầu Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), ông Tám kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện... sặc mùi chết chóc. "Muốn sung vào đội quân câu xác thì phải biết bơi, càng giỏi càng tốt và quan trọng hơn là phải bạo gan, càng to gan càng tốt" - ông Tám nói. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được cái nghề này, dân thuyền chài như ông Tám phải vượt qua lời nguyền sông nước vốn tồn tại từ bao đời nay: "Cướp" người của Hà Bá thì phải đền mạng cho dòng nước!

10 tuổi, bơi lội như một con rái cá, thấy xác người chết trôi, thậm chí xác bị ngâm nước lâu ngày trương phềnh, thối rữa và bốc mùi cũng chẳng sợ nên cậu bé Tám vẫn thường theo các chú, các anh hôm thì đi quăng lưới kiếm con cá, bữa thì dong ruổi trên dòng Đà giang... câu xác người chết trôi.

Đồ nghề của một "thợ" câu xác người là dàn lưỡi câu với khoảng trăm rưỡi, hai trăm "lưỡi câu thông minh" được buộc chặt vào sợi dây dài trên trăm mét. Gọi là "lưỡi câu thông minh" bởi một dàn lưỡi câu sắc lẹm được kẹp chì khi quăng xuống nước sẽ nhanh chóng "lặn" sâu xuống đáy sông, chạm phải bất cứ vật gì đều tự động quặp chặt lại. Lấy bộ đồ câu ra,  người thợ lão luyện này dùng bàn tay to, bè và thô ráp đưa những lưỡi câu vào sát người mình rồi bảo thằng cháu kéo 2 đầu sợi dây. Ngay lập tức những "lưỡi câu thông minh" bấu chặt vào quần áo của ông. "Đấy! Các chú nhìn xem, lưỡi câu đang bám vào xác chết đó!".

Thực ra, khi thấy tay nằng nặng, kéo lưỡi câu lên, thì lúc là một thanh củi, khi là một mớ bùng nhùng không thể gọi tên, nhưng trong rất nhiều trường hợp ông Tám đã gặp xác người. Theo ông Tám, làm nghề này cần phải có bạn. Sông nước mênh mông, lòng sông lại khó dò, chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ có ghềnh đá... nên một thuyền không thể buông câu thành công. Thường thì khi có hợp đồng do người nhà nạn nhân thuê với giá từ mấy trăm ngàn đến cả vài triệu bạc hoặc là thấy có người chết đuối, muốn giúp họ không phải gửi thân nơi đáy sông lạnh lẽo, hoặc làm mồi cho cá, dăm bảy thuyền câu sẽ được huy động để triển khai công việc. Xác định vị trí lúc xảy ra tai nạn, điều nghiên hướng của dòng chảy, rồi đưa ra phán đoán xác người đang nằm ở đoạn nào trước khi cả đội dàn thành một hàng ngang, buông câu. Gặp vận hên, chỉ vài chục phút đã tìm thấy xác, những lúc không may, tìm kiếm 3 - 4 ngày cũng chẳng thấy tăm hơi đành ra về tay trắng.


“Dàn câu thông minh” dùng để câu xác (ảnh: D.S)

Bao năm lặn ngụp cùng dòng Đà giang, ông Tám bị ám ảnh bởi những cái chết thương tâm và bao cảnh tang tóc. Ông Tám vẫn còn rùng mình mỗi khi nhắc lại chuyện câu xác trong tai nạn lật thuyền tại bãi Thày hơn chục năm về trước. Chiếc thuyền chở 12 người gặp sự cố, lật úp xuống dòng sông làm 6 người chết đuối. 20 trai tráng khỏe mạnh ngồi trên 10 chiếc thuyền dàn hàng ngang, dùng dàn câu quần thảo nát một khúc sông. Trên bờ, tiếng khóc thê thảm. Đến quá Ngọ, tay câu ghì nặng, cả nhóm hô nhau kéo câu. 2 cái xác được đưa lên bờ. Chưa đủ! Lại quăng câu. Sau hàng nghìn lần kéo lên, quăng câu xuống, 4 người nữa được tìm thấy. Tiếng khóc ỉ ôi vẫn vẳng trên bờ. Gia đình những người xấu số đều nghèo khó, chẳng có tiền trả công cho đám thợ. Ông Tám an ủi mọi người: "Nghĩa tử là nghĩa tận. Làm ơn cho người ta để phúc cho cháu con!". Có tiếng của ai đó: "Mất đứt bộ lưỡi câu!". Thấy chúng tôi không hiểu, ông Tám nói: "Người ta chỉ dùng bộ lưỡi câu cho một lần câu xác thành công. Đó là nguyên tắc. Bao đời nay người đi câu xác vẫn làm vậy. Hiềm một nỗi, mỗi bộ lưỡi câu giá tròm trèm 300 ngàn đồng".

Một lần khác, ông Tám tham gia câu xác đôi nam nữ nhả‌y cầ‌u t‌ּự vẫ‌ּn. Bị gia đình phản đối kịch liệt tình yêu của mình, họ đã dùng dây thừng trói nhau lại, buộc thêm hòn đá nặng vào rồi trầm mình xuống dòng nước những mong sang thế giới bên kia sẽ được làm vợ, làm chồng của nhau. Ông Tám và những bạn nghề của mình buông "lưỡi câu thông minh" sục sạo từng centimet đáy sông mới tìm thấy họ. "Tội nghiệp, hai cái xác vẫn ôm chặt nhau. Không thấy thân nhân đến nhận con em, chúng tôi quyên tiền mua quan tài, chôn đôi bạn trẻ dưới cùng một nấm mộ để họ được ở bên nhau mãi mãi!" - ông Tám kể chuyện mà không nén được những tiếng thở dài thườn thượt nghe đến não nề.

Nhấp chén nước trà đặc pha bằng... nước sông đun sôi, ông Tám tiếp tục kể: "Hãi nhất là câu xác người bị mắc kẹt dưới lòng sông lâu ngày. th‌i th‌ể người xấu số đã thối rữa, trương phình, nặng mùi, phần da thịt đã mủn, chỉ cần mạnh tay thịt rơi ra từng mảng. Trong trường hợp này, thợ câu không dám đụng tay vào, sợ thịt da sẽ rã ra hết nên buộc thòng lọng cột vào chân cái xác, từ từ kéo vào bờ. Việc nâng xác khỏi mặt nước phải thật cẩn trọng nếu không từng mảng thịt sẽ rơi lã chã xuống sông. Người nhà của nạn nhân không dám tới gần xác chết nhưng ông Tám và những người bạn của mình với đôi tay trần, không khẩu trang vẫn lau chùi sạch sẽ trước khi nhập quan cho người xấu số. Vì thế, có những hôm, sau khi hoàn thành công việc,  tắm giặt sạch sẽ, lên giường đi ngủ, ông Tám trằn trọc mãi mà không chợp mắt được.

Câu xác chết dưới đáy sông chỉ là công việc bất đắc dĩ khi "Hà Bá" đã cướp đi sinh mạng của con người. Điều ông Tám cùng những người thuyền chài tốt bụng và dũng cảm vẫn thường tâm niệm (và quyết tâm làm cho bằng được) là cứu những người hoặc là bị tai nạn sông nước, hoặc buồn chuyện nhân tình thế thái mà tìm tới cái chết thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Và xung quanh việc cứu người, ông Tám đã chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt. Một lần, đang ngồi ăn cơm trên thuyền, ông Tám nghe thấy tiếng kêu thất thanh của ai đó: "Làng nước ơi! Tôi nhảy sông t‌ּự t‌ּử đây! Làng nước ơi!". Nhìn về phía bờ sông, ông Tám thấy cậu thanh niên miệng la làng, chân chạy tới mép nước rồi nhảy xuống sông, vừa lóp ngóp dưới nước để chiến đấu với thần chết, vừa la lên: "Cứu với! Cứu...!". Bỏ vội bát cơm, ông Tám lao xuống dòng nước, đưa được người thanh niên nọ vào bờ. Cậu thanh niên bỗng chửi như té nước vào mặt ân nhân của mình: "Ai bảo ông cứu tôi! Đ.M! Tại sao không để tôi chết đi! Làm sao để tôi chết được đây hả trời !!!!"...  rồi bỏ đi.

Lần khác, đang buông câu dưới chân cầu Hòa Bình, nghe một tiếng "ùm", ông Tám biết có người chán đời nhả‌y cầ‌u t‌ּự t‌ּử. Lại lao vội xuống dòng nước, lặn ngụp một lúc, ông cũng túm tóc lôi được kẻ dại dột vào bờ. Mặt mũi tái mét, cắt không còn giọt máu, giọng người nhả‌y cầ‌u run run: "Cảm ơn chú! Chú đã cứu sống cháu! Cháu chỉ định dọa bố mẹ thôi. Suýt nữa thì...!".

Ông Tám rất vui mỗi khi cứu được một mạng người và vẫn thường tự hào khoe với mọi người rằng, ông là người có nhiều con nuôi nhất vạn chài này. Nhiều người khi được ông Tám cứu sống đã nhận ân nhân của mình làm bố nuôi. Anh Nguyễn Văn Ngân người Hưng Yên lên Hòa Bình công tác, trong lần ra sông Đà tắm, do bị cảm, ngất chìm dưới lòng sông. Đám người đi tắm cùng không một ai dám cứu, nghe tiếng người tri hô, ông Tám nhảy khỏi thuyền và "cướp" lại được Ngân từ tay “Hà Bá”. Bình phục, anh Ngân sắm lễ vật là một con gà trống thiến, vài chai rượu tìm đến nhà ân nhân, xin được làm con ông Tám. Và không một dịp lễ tết nào, trên thuyền của ông Tám lại thiếu sự thăm nom của những đứa con nuôi tên Ngân, Tích, Hải... Trên thuyền tràn ngập tiếng nói cười nhưng "báo hại" ông Tám, thường thì mỗi lần gặp mặt vui vẻ như vậy, con lợn trên 50 kg cùng với mấy can rượu đã không cánh mà bay!

Nhưng lời nguyền oan nghiệt từ bao đời nay đã 3 lần linh ứng với những người thuyền chài tốt bụng và dũng cảm như ông Tám. 3 người con của xóm chài này, trong đó có 2 người ruột thịt với ông Tám đã bị “Hà Bá” cướp mất xác trong những tai nạn lật thuyền mùa nước lũ. Dẫu vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Tám vẫn bảo rằng ông và những người vạn chài này không ân hận khi đã "cướp" lại bao mạng người, xác chết từ tay Hà Bá.

Chỉ tay vào đứa cháu nội năm nay 20 tuổi, ông Tám nói: "Tôi đã già, rồi tôi cũng sẽ chết đi. Thằng này sẽ làm tiếp cái việc mà ông nó, bố nó đã làm trong mấy mươi năm nay". Chúng tôi tin, như thế sẽ có nhiều người được cứu sống từ dòng nước xoáy, sẽ có nhiều người xấu số không phải nằm lại nơi đáy sông lạnh lẽo...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật