Cảnh giác với nạn lừa đảo trên các diễn đàn nhiếp ảnh

Nguyenduong Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua bán trao đổi các thiết bị ngành ảnh của những người chơi ảnh tăng cao. Đây cũng là thời cơ để nạn lừa đảo bòn rút túi tiền của những người nhẹ dạ.
Cảnh giác với nạn lừa đảo trên các diễn đàn nhiếp ảnh
Ảnh minh họa

Mua bán bằng lòng tin

Người chơi ảnh số ở Việt Nam hẳn chẳng có ai lại chưa từng một lần ghé qua các xóm chợ chuyên bán vật tư ngành ảnh trên các diễn đàn như xomnhiepanh.com, photo.vn hay muare.vn…để rao bán hoặc tìm mua một ống kính, một thân máy hoặc thiết bị nhiếp ảnh nào đó mà mình cần.

Buôn bán trao tay là phương thức giao dịch phổ biến trên những chợ điện tử này. Tùy theo khoảng cách địa lý mà việc “trao tay” có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các dịch vụ chuyển phát. Lòng tin giữa người mua và người bán chính là “bàn tay vô hình” vận hành hình thức giao dịch này.

Chẳng cần bất kỳ một hợp đồng, hay hóa hóa đơn hoặc giấy bảo hành… chỉ cần lòng tin, những khoản tiền trị giá hàng nghìn USD có thể được chuyển qua hàng nghìn km cho những người chưa từng gặp mặt để đổi lấy những ống kính, những thân máy mà họ mong muốn...

Máy ảnh và các mặt hàng liên quan đến máy ảnh đã trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo.

Tuy nhiên, trong  thời gian gần đây, phương thức mua bán dựa trên lòng tin kiểu này đã bị lợi dụng. thủ đoạn chung của chúng là tìm kiếm “nạn nhân” thông qua các diễn đàn mua bán máy ảnh, liên hệ giao dịch với họ qua điện thoại hoặc internet nhưng cung cấp thông tin cá nhân không rõ ràng. Những kẻ này thường đưa ra một giá cả hấp dẫn, kết hợp với khả năng ăn nói khéo léo và thể hiện sự hiểu biết biết nhất định để đạt được sự tin tưởng của người mua hàng.

Lấy lý do ở địa điểm xa, kẻ lừa đảo thường yêu cầu giao dịch theo hình thức chuyển tiền trước - giao hàng sau. Để tăng thêm độ tin cậy, chúng có thể dùng giấy tờ tùy thân giả, lập tài khoản ngân hàng ma hoặc mạo danh các cửa hàng uy tín…

Do tâm lý ham đồ rẻ và thói quen giao dịch trực tuyến dễ dãi mà nhiều người đã trở thành nạn nhân của kiểu lừa đảo này.

Các chiêu lừa đảo

Trên diễn đàn 5s, trong nửa đầu năm 2009, nhiều người chơi ảnh đã nhận được những cuộc gọi chào hàng với giá rất hấp dẫn. Người “bán hàng” thường yêu cầu chuyển trước một phần tiền, sau đó sẽ gửi hàng qua dịch vụ chuyển phát ở các bến xe. Kết là tiền được chuyển đi, nhưng hàng thì không bao giờ đến tay.

Theo anh Phan Lê, thành viên diễn đàn 5s, kẻ lừa đảo nói chuyện có vẻ đàng hoàng, dễ nghe nên người mua rất dễ bị thuyết phục bởi những chiêu lừa như vậy.

Từ tháng 7 đến tháng 11/2009, một nhân vật mang nick Lucask hoạt động trên một số diễn đàn như xomnhiepanh.com, photo.vn, mua rẻ… đã lập nhiều topic rao bán ống kính máy ảnh giá rẻ. Với một tài khoản ngân hàng mang tên Phạm Văn Đại và thông tin cá nhân đầy đủ, Lucask đã lừa được không ít người chuyển tiền.

Khi bị thành viên các diễn đàn trên lên án, kẻ lừa đảo có nick Lucask đã trâng tráo thừa nhận hành vi của mình. Thậm chí, Lucask còn khẳng định mình đã dùng chứng minh thư giả để lập tài khoản ở ngân hàng và thách thức mọi người tìm ra tung tinh của mình.

Giấy chuyển tiền của thành viên Vithanius trên Xóm nhiếp ảnh cho đối tượng lừa đảo Lucask ngày 29/10/2009.

Khi vụ lừa Lucask còn chưa lắng xuống thì những hoạt động lừa đảo mang hình thức này lại có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trong những ngày cuối năm. Anh Trần Tùng, (Smalleye trên xomnhiepanh), chủ một hiệu ảnh ở TP Hải Phòng, có kinh nghiệm ba năm mua bán hàng trực tuyến nhưng anh cũng không tránh được chiêu lừa đảo này.

Ngày 7/12/2009, sau khi thông báo tìm mua kính lọc chuyên dụng, anh Tùng đã nhận được một cuộc gọi chào hàng với giá hấp dẫn. Qua trao đổi trực tuyến với người này, anh tin tưởng và chuyển 400.000 đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, số điện thoại và nick chat của người kia thì không bao giờ bật nữa.

Anh Lê Việt Khoa, nick trên Xóm nhiếp ảnh là zomeobaby cũng suýt rơi vào cạm bẫy của kẻ lừa đảo trong những ngày cuối năm. Ngày 28/12/2009, anh đã nhận được cuộc điện thoại mời mua hàng của một người cần bán máy ảnh ở Đà Nẵng. Người này đưa ra một mức giá hấp dẫn, khẳng định việc mua bán mặt hàng này được cửa hàng máy ảnh Khánh Long ở TP HCM bảo lãnh và yêu cầu chuyển trước một nửa số tiền vào tài khoản ngân hàng để sau đó chuyển hàng qua bưu điện.

Nhận thấy có những biểu hiện không rõ ràng, anh Khoa đã liên hệ với cửa hàng Khánh Long và nhận được câu trả lời từ anh Lập, chủ cửa hàng rằng: cửa hàng Khánh Long không tham gia vào bất cứ việc mua bán nào trên các diễn đàn. Theo anh Long, nhân viên phụ trách cửa hàng Khánh Long, có người đăng ký nick khanhlongcamera, hay khanhlong camera trên một số diễn đàn nhằm lợi dụng uy tín, tên tuổi cửa hàng vào những việc bất chính.

Anh Hoàn, (nick trên xomnhiepanh là DC02) lại rơi vào một chiêu lừa đảo hoàn toàn khác. Vốn mở một dịch vụ cho thuê ống kính máy ảnh trên Xóm nhiếp ảnh, ngày 14/12/2009 có một khách hàng yêu cầu anh Hoàn cho thuê ống kính Canon 24-70mm F2.8L. Khách hàng này không có chứng minh thư mà chỉ có một giấy đăng ký xe được cho là của bố anh ta. Qua trao đổi, người này đã thuyết phục được anh Hoàn cho thuê chiếc ống kính có giá trị trên 20 triệu đồng chỉ với 2 triệu tiền đặt cọc. Kể từ đó đến nay, vị khách hàng cùng chiếc ống kính đắt tiền không bao giờ xuất hiện trở lại.

Bài học cho người chơi ảnh


Theo anh Trịnh Công Thanh Hiệp sĩ - CNTT 2005, ở Việt Nam đa số các vụ lừa đảo trực tuyến còn có giá trị thấp, nên nạn nhân thường ấm ức cho qua mà chưa báo với cơ quan chức năng.

Để hạn chế rủi ro, người dùng nên search thông tin của người bán trên Google để tìm hiểu về nhân thân của người bán, mua và đặt hàng ở những web uy tín, và người bán có địa chỉ và thông tin rõ ràng. Vế phần mình, các diễn đàn trực tuyến cũng cố gắng tìm những biện pháp đối phó với nạn lừa đảo. Anh Đinh Quang Hải, thành viên quản trị của diễn đàn xomnhiepanh cho biết, việc lừa đảo trên mạng được ban quản trị hạn chế bằng cách đưa ra tính năng bầu chọn uy tín cho người mua bán. Từ đó, thành viên có thể cân nhắc khi mua bán dựa trên mức độ uy tín của người kia. ”Đối với những trường hợp lừa đảo đã xảy ra, ban quản trị sẽ thông báo các hành vi, phương thức lừa đảo lên diễn đàn, cùng với thành viên tìm cách hiệu quả nhất để tránh bị lừa đảo khi mua bán trên mạng”, anh Hải chia sẻ.

Các thành viên của nhiều diễn đàn mua bán cũng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm giao dịch an toàn như: chỉ giao dịch ở xa với những thành viên có uy tín, có danh tính rõ ràng, không giao dịch với những thành viên mới khi không có điều kiện gặp mặt trực tiếp, nếu có giao dịch thì phải nhờ người quen ở cùng địa phương xác nhận sự tồn tại của mặt hàng, khi thanh toán cần sử dụng những dịch vụ chuyển phát có bảo đảm...

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả các kinh nghiệm trên, điều quan trọng nhất đối với người chơi ảnh vẫn là phải vượt qua tâm lý ham muốn mua hàng giá rẻ bằng mọi giá. 

“Việc truy tìm những kẻ lừa đảo qua mạng có thể thực hiện được bằng các biện pháp tin học chuyên môn, nhà quản trị mạng hoặc cơ quan an ninh có thể tìm ra và xác định được địa điểm, địa chỉ nơi mà kẻ lừa đảo kết nối với Internet thông qua dải địa chỉ IP, tuy nhiên kẻ lừa đảo có thể thay đổi địa điểm truy cập hoặc truy cập qua những điểm truy cập công cộng, trong trường hợp này cơ quan an ninh sẽ truy tìm kẻ lừa đảo thông qua số tài khoản ngân hàng mà kẻ lừa đảo cung cấp cho các nạn nhân”, hiệp sĩ CNTT 2005 Trịnh Công Thanh cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật