Việt Nam tiến ra biển lớn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cầm lái con tầu Việt Nam là Đảng cộn‌g sả‌n Việt Nam quang vinh, Đảng của trí tuệ và niềm tin của toàn dân tộc – Người đã đưa con tầu Việt Nam gần 80 năm qua vượt qua bao khó khăn gềnh thác và đã bao lần cập bến vinh quang.
Việt Nam tiến ra biển lớn
Đất mũi Cà Ma

Tổ quốc ta như một con tầu
Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau...
                                         Xuân Diệu

Câu thơ thật bình dị và thật hay như thế. Đất nước Việt Nam liền một dải từ đỉnh Lũng Cú đến mũi Cà Mau như một con tầu lớn hướng ra bao la biển cả. Biển khơi vẫy gọi, con tầu Việt Nam đang rẽ sóng tiến ra biển lớn. Biết rằng biển rộng mênh mông sóng cả gió to, biết rằng đã ra khơi nhất định sẽ gặp phải và nhất định phải vượt qua phong ba, bão táp nhưng con tầu Việt Nam đã hội đủ những tố chất để vươn tầm.

Cầm lái con tầu Việt Nam là Đảng cộn‌g sả‌n Việt Nam quang vinh, Đảng của trí tuệ và niềm tin của toàn dân tộc – Người đã đưa con tầu Việt Nam gần 80 năm qua vượt qua bao khó khăn gềnh thác và đã bao lần cập bến vinh quang. Hệ thống chuyển động của con tầu là bộ máy chính trị nhất quán của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thông suốt, có sự phân công cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng, ngày càng được củng cố hoàn thiện từ trên xuống dưới. Nguồn lực và năng lượng cho con tầu chính là nội lực kinh tế đất nước với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhịp độ khẩn trương. Thân tầu bề thế và sức bền của con tầu là khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành một kết cấu vững chắc, là lòng dân đồng thuận, đồng tâm hiệp lực làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, là sự kết hợp hài hòa sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại. Hướng đi của con tầu là định hướng xã hội chủ nghĩa theo dòng thời đại với kim chỉ nam chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta nhìn xa, trông rộng, đã dùng bao công sức và trí tuệ, đổ bao xương máu trong đó có việc bảo vệ, chinh phục biển đảo để có non sông gấm vóc ngày nay. Đến hôm nay, đất nước tăng thêm năng lực mới, con tầu Việt Nam có tầm vóc mới và đủ sức băng băng trên biển cả.

Hành trình của con tầu Việt Nam tiến ra biển lớn chính là hành trình hội nhập, hợp tác quốc tế để chúng ta sánh vai với bè bạn năm châu và tự tin khẳng định mình. Hội nhập quốc tế gắn chặt với nhiệm vụ đổi mới đất nước là quá trình tham dự phân công, hợp tác quốc tế tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với bên ngoài, là mở rộng không gian và môi trường để phát triển và chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất có thể trên trường quốc tế. Tất nhiên chúng ta luôn hiểu rằng, hội nhập quốc tế đa diện đa chiều, đa lĩnh vực sẽ là một hành trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, vô vàn khó khăn. Mỗi quốc gia và mỗi giai cấp cầm quyền đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Các nước tư bản phát triển đứng đầu là Mỹ không chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà còn tìm mọi cách để chi phối thế giới, mưu toan áp đặt quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, những giá trị của Mỹ và phương Tây ra toàn thế giới. Các nước dân tộc chủ nghĩa, các nước đang phát triển và chậm phát triển cũng muốn tranh thủ và lợi dụng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước mình. Các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, tham gia quá trình toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế để tranh thủ những tiềm năng và điều kiện thuận lợi của thế giới phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước theo con đường đã lựa chọn. Thực tế cho thấy quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế chứa đựng những quan hệ chằng chịt, đầy mâu thuẫn, phức tạp, là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Khi con tầu hành trình biển lớn, vấn đề đặt ra không chỉ phải có định hướng đi cho nó mà còn phải biết dự báo những biến động của thời tiết khí hậu, của luồng lạch và những trắc trở khôn lường. Cũng như khi hội nhập quốc tế phải biết tính toán rất thận trọng đến những tác động thuận nghịch, những hệ lụy trước mắt và lâu dài để có cách thức chuyển dịch cơ cấu, cơ chế vận hành bên trong của đất nước. Bởi vậy phải làm sao gắn kết được chiến lược phát triển kinh tế xã hội và bước đi của mình vào nền kinh tế thế giới và môi trường quốc tế với các mục tiêu, lộ trình của các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, tiểu khu vực, liên khu vực và toàn cầu, sao cho các cam kết và thỏa thuận trong các khuôn khổ hợp tác đó hài hòa, không bị va quyệt hoặc mâu thuẫn với nhau. Để tránh gây ra những đảo lộn về xã hội, cần luôn luôn đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa các quan hệ: quyền lợi và nghĩa vụ của đất nước với các thể chế khi hội nhập, giữa mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội trong nước với yêu cầu và đòi hỏi của bên ngoài, giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Có một câu hát mà chúng ta rất muốn ngân nga: “Con tầu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui...”. Đúng là con tầu Việt Nam đang đi và vui suốt bốn mùa. Vui vì mọi điều kiện để con tầu lướt sóng ngoài khơi đều được đảm bảo, vui vì chúng ta đã biết mình, biết người, lường trước được khó khăn thách thức và có quyết chí cũng như sinh lực để vượt qua khó khăn, thách thức đó. Theo hướng đi đã định, con tầu Việt Nam rẽ sóng, tăng tốc theo nhịp bước thời đại, nhất định sẽ thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng cao cả là tới bến bờ vui: dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật