Nghệ An: SV trộm đồ siêu thị bị dán ảnh bêu xấu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những người lấy trộm đồ bị lãnh đạo siêu thị chụp ảnh, dán trước cửa để khách hàng biết mặt. Vụ việc gây hiếu kỳ và xôn xao trong dư luận.
Nghệ An: SV trộm đồ siêu thị bị dán ảnh bêu xấu
Hình ảnh của sinh viên và nhiều người khác được lãnh đạo siêu thị đưa ra "trưng bày".

Trước tình trạng liên tục mất trộm, Ban Giám đốc siêu thị Intimex (thuộc Chi nhánh Công ty Cổ Phần Intimex Việt Nam tại Nghệ An) nghĩ ra cách: Bắt được đối tượng nào sẽ cho chụp hình, sau đó dán lên tấm bảng trước cửa siêu thị và ghi rõ “Các đối tượng lấy cắp hàng hóa tại Siêu thị Intimex Nghệ An”.

Sau lần lấy trộm đồ của Intimex Nghệ An, sinh viên K., Trường ĐH Vinh, bị chụp hình rồi dán lên bảng với đầy đủ các thông số: họ tên, lớp học... Xếp cạnh bên là danh sách bốn người khác (kèm theo tên và quê quán).

Hàng trăm khách hàng những ngày qua tấp nập đến sắm đồ lễ Noel và mua sắm tại siêu thị đã tò mò đến xem hình ảnh các đối tượng trên.

Tuy nhiên, không ít khách hàng cho rằng đây là việc làm không cần thiết, vì đưa ảnh lên là hình thức lăng nhục. "Ăn cắp thì phải xử lý, tuy nhiên có cần thiết phải dán ảnh cáo thị?". Một người dân  nêu ý kiến.

Giám đốc siêu thị Intimex Nghệ An cho biết: "Các đối tượng bị siêu thị dán ảnh  đã ăn cắp hàng hóa giá trị nhỏ, chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự. Chúng tôi đã tham khảo luật sư ở Nghệ An, việc chúng tôi chụp và dán ảnh các đối tượng từng ăn cắp ở siêu thị là được phép".

Khách hàng vừa đến mua sắm, vừa được "ngắm" kẻ gian

Thế nhưng, theo luật sư Hoàng Mạnh Giao - Công ty Luật Thái Bình Dương (Đoàn Luật sư Nghệ An): "Nếu căn cứ theo Điều 31 (BLDS) về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý; trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Tại điểm 1, Điều 121 (BLHS), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm" . 

Trung tá Nguyễn Thế Bảy - Phó trưởng Công an phường Trung Đô (TP Vinh) cho biết: "Việc siêu thị tự dán ảnh những người có hành vi trộm cắp ngay trước siêu thị là không đúng, kể cả về chức năng và thẩm quyền. Bởi vì người trong ảnh vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính rồi. 

Việc đăng ảnh sẽ làm tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của họ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Nếu sự việc đúng như phản ánh, chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng đó".  

Người bị xâm phạm hình ảnh có quyền:

- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai.

- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cùng các chi phí như: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm.

- Về mặt nguyên tắc, khi đơn vị, cá nhân muốn sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích kinh doanh hoặc một mục đích nào khác mà luật quy định phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó nhưng lại không thực hiện quy định này là sai.

Do đó nếu thấy mình bị xúc phạm thì bạn có thể khởi kiện, yêu cầu toà án buộc người đã xúc phạm bạn phải chấm dứt sự xúc phạm đó và xin lỗi, cải chính đồng thời bồi thường thiệt hại nếu có.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật