Cây cổ thụ mọc xuyên nhà và nỗi lo nơm nớp của người HN ngày mưa bão

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở Hà Nội, không thiếu những căn nhà được xây dựng xuyên qua cây cổ thụ. Vào mỗi mùa mưa bão, chủ nhân của chúng đều nơm nớp lo sợ tán cây rơi xuống ảnh hưởng tới tài sản cũng như con người.
Cây cổ thụ mọc xuyên nhà và nỗi lo nơm nớp của người HN ngày mưa bão
Cây xà cừ nhà cụ Đức ảnh hưởng tới rất nhiều nhà xung quanh.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số nhà dân ở phố Trần Bình Trọng (Hoàn Kiếm), chợ Nam Đồng, các ngõ bên trong phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa)… có những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, án ngữ trước của hay mọc giữa nhà.

Tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Đức (81 tuổi), trú tại nhà 116 B3, Khu tập thể Kim Liên (Đống Đa). Cụ Đức cho biết, cây xà cừ cổ thụ mọc xuyên qua đã có tuổi đời hơn 60 năm, gốc cây to phải 2 người ôm, tán lá rộng khoảng 5 mét với rất nhiều cành cây nhỏ mọc um tùm cả một góc phố.

Cụ Đức cho biết, vì lo sợ mối mọt ăn rỗng tán cây cũng như e ngại vào mùa mưa bão sợ nó rơi xuống làm ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, cụ Đức đã 5 lần bảy lượt làm đơn xin UBND phường Kim Liên cũng như đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội đến tỉa bớt tán lá. Song đến nay gần 2 năm đằng đẵng chờ đợi, các đơn vị quản lý vẫn chưa có động thái xử lý. 

Các mảng tưởng bị nứt

 

Hằng ngày, gia đình cụ Đức lo sợ cây đổ.

 

Bản thân cụ bà 80 tuổi này đã từng bị cành cây này rơi vào người.

Thậm chí, vào cơn bão số 1 năm 2015, chính bà Đức đã bị một cành cây rơi trúng đầu do cành cây này rơi xuyên qua cả lớp tôn dày. Sức khỏe của bà cụ 80 tuổi bị suy giảm nghiêm trọng từ độ ấy.

“Hôm đó tôi đứng trong sân thì đúng lúc cành cây lớn rơi xuống, tôi bất tỉnh luôn. Sau khi ra viện, hàng xóm tới thăm và khuyên tôi làm đơn ra UBND để đòi quyền lợi cũng như xin cơ quan chức năng tới tỉa bớt cành cho gia đình tôi yên ổn sống”, cụ Đức nói thêm.

“Tuy nhiên, cho đến nay đã làm đơn 5 lần, 7 lượt mà chính quyền bơ đi coi như không biết. Chắc chờ cả cái cây đổ xuống một thể họ mới giải quyết cho tôi”, cụ bà chán ngán nói.

PV tiếp tục tìm đến nhà ông Hồng, trú tại nhà 109 – 110, B9 tập thể Kim Liên. Trong căn hộ tập thể kiểu cũ này, ông Hồng cũng trở thành chủ nhân “bất đắc dĩ” của cây xà cừ cổ thụ.

Khác với hộ gia đình nhà cụ Đức, cây xà cừ nhà ông Hồng chỉ là “hàng xóm” nằm xát vách với căn hộ. Tuy nhiên ông Hồng đã quây hàng rào xung quang để cơi nới thêm diện tích.

Sau mấy mùa mưa bão, cây xà cừ có hiện tượng bật gốc và nghiêng hẳn sang một bên. Các rễ cây trồi lên làm hư hỏng nghiêm trọng nền nhà. Nguy hiểm hơn, cây xà cừ có tuổi đời gần trăm năm tuổi này đang đe dọa tính mạng, tài sản của những hộ dân liền kề.

Ông Hồng nói: “Nhà mình ở tầng 1 tập thể cũ, ở trên còn có mấy căn hộ như thế nữa. Nhà mình mà sập, liệu gia đình khác có an toàn không?”.

“Không chỉ vậy, vào mỗi lần mưa bão về, gia đình ông không ai ngủ ngon giấc vì cây có thể đổ bất cứ lúc nào. Cơn bão số 3 đang về Hà Nội, bản thân tôi và các gia đình xung quanh lo lắng lắm không biết chuẩn bị ra sao?”.

 

Cây xà cừ nhà ông Hồng cũng thuộc dạng "Cây trong nhà".

Ông Hồng thở dài: “Gia đình cũng đã làm đơn nhiều lần rồi không được. Vậy cớ sao không làm luôn để giúp đỡ dân?”.

Sau khi nhận được phản ảnh của người dân, PV đã đem những câu hỏi, thắc mắc đến UBND phường Kim Liên.

Ông Nguyễn Quang Sơn, phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên cho biết, UBND đã nhận được đơn thư của người dân và cũng đã trình bày lên Công ty Cây xanh Hà Nội.

 

Chúng bắt đầu có hiện tượng bật rễ.

 

Sàn nhà mấp mô, cuộc sống nhà ông Hồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo ông Sơn: “Nếu cây mọc công cộng ngoài đường thì nghĩa vụ và trách nhiệm của UBND là làm đơn lên công ty cây xanh để họ xử lý. Nhưng với những cây cổ thụ mọc trong nhà như nhà bà Đức hay ông Hồng, thì người dân phải trả tiền cho công ty cây xanh để họ xử lý”.

Ông Sơn lấy dẫn chứng: “Khi cây mọc trong nhà dân thì nghiễm nhiên nó thuộc quyền sở hữu của dân. Vì vậy họ muốn làm dịch vụ thì phải trả tiền để làm dịch vụ. Ngay cả các văn bản Nhà nước cũng đã quy định rất rõ tại quyết định 19/2010/QĐ-UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị. Dù rất muốn giúp đỡ nhân dân, nhưng ngân sách lại không có”.

PV đã liên hệ với Công ty Cây xanh Hà Nội. Tuy nhiên vì đang phải gấp rút chuẩn bị cho cơn bão số 3, lãnh đạo công ty hẹn PV vào một ngày khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật