Từ làm nghề sông nước trở thành kẻ lừa đảo gần bốn tỷ đồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến thời điểm hiện nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản kết luận điều tra, khởi tố đối với Nguyễn Đức Cường (SN 1978, trú khu Phúc Lâm, thị trấn Kinh Môn, Hải Dương) về hai tội danh lừa đảo và lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Từ làm nghề sông nước trở thành kẻ lừa đảo gần bốn tỷ đồng
Nguyễn Đức Cường

Nguyễn Đức Cường từng làm nghề sông nước, chỉ vì cuộc sống quá nghèo khổ nên trong đầu Cường luôn nghĩ làm giàu bằng mọi giá, trong khi năng lực lại có hạn, Cường chiếm dụng vốn của hai ngân hàng và lừa đảo của một số cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương với số tiền gần 4 tỷ đồng. Sau khi nhận được thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương vào cuộc, xác minh nhân thân của Nguyễn Đức Cường. Cách đây hai năm, Cường có ý định kinh doanh dịch vụ vận tải thủy nội địa, nhưng không có vốn làm ăn. Vì muốn làm giàu nhanh, anh ta mang tài sản thế chấp vào ngân hàng. Cường ký hợp đồng với Công ty cổ phần thương mại Việt Phú (gọi tắt là Công ty Việt Phú, có địa chỉ tại xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn) thỏa thuận ký hợp đồng kinh tế đóng mới vỏ tàu trên sông, trọng tải 552 tấn. Qua xác minh của Công an tỉnh Hải Dương thì Cường đã thống nhất mua con tàu này của Công ty Việt Phú với giá 3 tỷ đồng. Ngày 1-1-2008, Cường chuyển cho Công ty Việt Phú 200 triệu đồng tiền đặt cọc. Hai bên thỏa thuận sẽ trả nốt khi bàn giao tàu. Sau đó, Cường làm giấy đề nghị vay vốn, kiêm khế ước nhận nợ xin vay ngân hàng số tiền 1,6 tỷ đồng. Khi kiểm tra tài sản thế chấp, đại diện của ngân hàng đồng ý cho Cường vay số tiền trên để hoàn thiện phương tiện thủy, trọng tải 552 tấn. Theo hợp đồng thời hạn vay vốn 60 tháng, tài sản thế chấp là toàn bộ phương tiện thủy trọng tải 552 tấn. Bên thế chấp không được chuyển nhượng, bán, trao đổi tài sản đã thế chấp.

Có được số tiền trên, Cường dùng 800 triệu đồng trả Công ty cổ phần Việt Phú, số còn lại trả cho anh Nguyễn Đăng Tề (ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương) để mua tàu sông trọng tải 547 tấn (con tàu này vào thời điểm đầu năm 2008 đang được đóng hoàn thiện tại Công ty TNHH Đức Mạnh ở huyện Kinh Môn). Ngày 6-3-2008, con tàu này đã đăng ký tại Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương (GTVT), mang BS: HD0530, chủ sở hữu là Cường. Khi có được con tàu, Cường làm giấy vay tiền đến ngân hàng đề nghị vay 1,6 tỷ đồng, với nội dung: thanh toán tiền mua phương tiện vận tải thủy trọng tải 540/570 tấn. Sau khi kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp, hai bên ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản, thống nhất dùng toàn bộ tàu HD0530 thế chấp bảo đảm khoản vay trên. Quá trình thực hiện hợp đồng, Cường không làm đúng với cam kết. Anh ta đã bán tàu 552 tấn cho anh Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Việt Phú và đã nhận lại được số tiền đặt cọc là 950 triệu đồng. Lúc này, ngân hàng phát hiện Cường tự ý bán tài sản thế chấp nên yêu cầu thanh toán nợ trước thời hạn và dừng giải ngân 100 triệu đồng còn lại. Cường đã trả cho ngân hàng gần 300 triệu đồng, còn nợ lại hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngày 21-4-2008, Cường tiếp tục mua tàu PT0872 của chị Nguyễn Thị Lành (ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) với giá 1,5 tỷ đồng. Với mục đích chiếm dụng vốn của chị Lành, Cường đặt cọc trước 400 triệu đồng, sau đó nhờ chị Lành làm thủ tục chuyển vùng, đăng ký con tàu trên tại Sở GTVT tỉnh Hải Dương, đổi thành BS: HD0266 mang tên Nguyễn Đức Cường. Hoàn thành thủ tục con tàu Cường dùng luôn thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo khoản nợ 1,2 tỷ đồng. Sau đó, Cường bí mật bán một nửa con tàu HD0266 cho anh Nguyễn Hữu Tình (trú xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành) với giá 750 triệu đồng. Cường cam đoan con tàu này chưa bán, cầm cố hay thế chấp. Không dừng lại ở đó, Cường tiếp tục ký hợp đồng bán tàu HD0266 cho anh Nguyễn Văn Gừng (trú xã Cẩm La, huyện Kim Thành) với giá 300 triệu đồng.

Sau khi lừa đảo hai ngân hàng và những người bị hại, biết không có khả năng trả nợ, Cường nảy sinh ý định bỏ trốn. Cường liên hệ với Trần Thị Chúc (trú tỉnh Nam Định) bán tàu HD0530. Sau khi nhận được khoản tiền 450 triệu đồng, Cường bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh chờ đợi số tiền bán tàu còn lại. Cuối năm 2008, nhận được đủ tiền từ chị Chúc, Cường bỏ trốn sang tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ẩn náu, cho đến khi bị Công an tỉnh Hải Dương vận động Cường đến cơ quan công an đầu thú.

Vụ án khép lại nhưng qua đó cũng cho thấy sơ hở trong công tác quản lý của một số ngân hàng và các cá nhân khi ký các hợp đồng kinh tế. Chính những sơ hở trong công tác giám sát tài sản thế chấp đã tạo điều kiện cho Cường thực hiện hành vi phạm tội.

ĐSCT

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật