ACB có gì mới?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Động thái chào bán trái phiếu vào giữa năm nằm trong kế hoạch huy động vốn của ACB. Tuy nhiên xoay quanh việc hiện thực kế hoạch huy động cùng một số động thái, có thể thấy, ACB vẫn đang còn bị động trên hành trình “làm mới mình”.
ACB có gì mới?
Ảnh minh họa

Đầu tháng 6/2016, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – HoSE) công bố sẽ chào bán ra thị trường 8000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, tương đương tổng giá trị huy động vốn 800 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cấp 2 và vốn tự có, giúp ngân hàng đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất do chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và việc sử dụng vốn, hạn chế rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất do chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và việc sử dụng vốn, đồng thời hướng tới phục vụ khách hàng.

Huy động trái phiếu – “Cập nhật” thị trường?

Mục đích huy động vốn vẫn giữ nguyên nhưng kế hoạch có thay đổi khi vào 20/6, ACB công bố thông báo phát hành trái phiếu ra công chúng có điều chỉnh với lượng vốn cần huy động lên tới 2.000 tỷ đồng. Ngày phát hành trái phiếu cũng giữ nguyên ở kế hoạch ban đầu 30/6.

Một thay đổi khác đáng lưu ý là trong công bố lượng phát hành mới (gấp 2,5 lần), ACB có quy định khá chung chung các điều khoản về lãi suất trái phiếu: “Lãi suất thả nổi, điều chỉnh 1 năm 1 lần vào các ngày kỷ niệm của ngày phát hành trái phiếu, được xác định theo công thức: Lãi suất = lãi suất tham chiếu + 2%/năm”. Sự điều chỉnh một lần nữa lặp lại khi vào ngày 23/6, ACB tiếp tục có văn bản công bố lãi suất trái phiếu, theo đó mức quy định lãi suất được đưa ra cụ thể: Ngày xác định lãi suất 23/6/2016; lãi suất bình quân 6,50%; lãi suất trái phiếu 8,50%.

Từ quy định “chung chung” đến quy định cụ thể lãi suất trái phiếu của ACB trong đợt này, theo giới quan sát, một phần xuất phát từ tâm lí cần sự rạch ròi chi tiết về mức lãi suất tại ngày xác định để giới đầu tư so sánh với các đường lãi suất khác (như lãi suất trái phiếu Chính phủ), đồng thời cũng xuất phát từ xu thế lãi suất huy động đang tăng, có thể gây áp lực đối với việc ấn định lãi suất trái phiếu nếu ACB chọn ngày xác định muộn. Điều này vừa cho thấy sự phản ứng kịp thời của ACB, nhưng mặt khác cũng cho thấy ngân hàng đã có “bước thử” thị trường không cần thiết. “Có thể ACB chưa kịp thống nhất hay kiện toàn các quy định cụ thể nhất về mức lợi suất trái phiếu được ấn định, đảm bảo mục tiêu huy động vốn để sử dụng đồng vốn có hiệu quả cho ngân hàng, đồng thời đảm bảo hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, một chuyên gia đầu tư nhận xét.

Cũng theo chuyên gia này, trong thời điểm hiện nay, việc phát hành trái phiếu DN kỳ hạn 5 năm, lợi suất bình quân với biên độ thỏa thuận tăng theo kỳ 2% từ mức 8,5% là bình thường, đặc biệt khi so với lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng kì hạn 5 năm đang dao động ở mức bình quân 6,79%/ năm (nguồn số liệu: FPTS). Khi đó các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến trái phiếu Chính phủ nhiều hơn.

Phản ứng nhà đầu tư và gánh nặng xử lí nợ xấu

Có một điểm đáng lưu ý, ngay sau thông báo chào bán 20.000 trái phiếu của ACB 2 ngày, nhà đầu tư tổ chức CTCP Quản lí Quỹ Thiên Việt đã đăng ký bán 100.000 cổ phiếu trong tổng số 250.000 cổ phiếu ACB mà họ đang nắm giữ. Dù việc đảo danh mục đầu tư để tái cơ cấu được xem là bình thường với mọi tổ chức trên thị trường, song đăng ký của Quỹ Thiên Việt cũng được giới quan sát xem là một thước đo phản ứng khá cụ thể trước các chuyển động huy động vốn – điều vốn dĩ cũng được xem là bình thường trong kế hoạch kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Một điểm khiến thị trường cũng phản ứng chưa tích cực với nỗ lực của ACB là ngân hàng này vẫn còn 2 khoản nợ trên liên ngân hàng tại các ngân hàng 0 đồng là NH Xây Dựng (CB với 400 tỷ đồng) và NH Dầu khí (GPBank với 772 tỷ đồng). Ngoài ra, còn một khoản phải thu lên tới 5767 tỷ đồng của nhóm 6 Cty liên quan đến lãnh đạo cũ của ngân hàng là ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên). Mặc dù ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB trong đại hội cổ đông thường niên 2016 cho biết, khoản nợ liên quan đến lãnh đạo cũ của ngân hàng là rất lớn nhưng tài sản đảm bảo của các DN trong nhóm này cân đối được nợ vay và kế hoạch xử lý các khoản nợ này cũng đã được NHNN phê chuẩn. Tuy nhiên, tổng khoản phải thu lớn trong khi mục tiêu 2016 là cố gắng đưa ra phương án xử lý với người vay để bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ với mức 2.000 tỷ đồng. Trong trường hợp chưa xử lí được, ACB sẽ “vuột” 2000 tỷ để hoàn nhập từ trích lập dự phòng. rủi ro rõ ràng vẫn còn xuất hiện ở mục tiêu của chính ngân hàng đặt ra. Chưa kể, mức trích lập dự phòng mà ACB dự kiến dành cho nhóm 6 nhóm Cty này, cơ bản cũng không phải 100%, năm 2016 chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng theo kế hoạch. Tỷ lệ hoàn nhập, nếu đạt được một phần mục tiêu, theo đó, cũng sẽ co giảm.

Trở lại với câu chuyện phát hành trái phiếu theo kế hoạch. Như vậy với các khoản nợ khó đòi còn nặng, việc phát hành trái phiếu để bù đắp nguồn thanh khoản và giải ngân cho các khách hàng mục tiêu với kế hoạch trung và dài hạn (có danh sách cụ thể) vô hình chung cũng bị giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thị trường. Sau tác động khủng hoảng ngắn hạn của Brexit, thị trường chứng khoán VN đã bước đầu “xanh” trở lại. Dù vậy, từ ngày 20/6 đến ngày 1/7/2016, giá cổ phiếu ACB có 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 7 phiên đứng, lượng dư bán vẫn chênh lệch khá cao so với dư mua và mức giá vẫn quanh ngưỡng 18500-19000 đồng/ cổ phiếu. Có thể thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng với những nỗ lực của ACB dù Chứng khoán Bản Việt đánh giá về dài hạn các lợi ích, cụ thể từ phát hành sẽ vượt trên chi phí và giá mục tiêu của ACB có thể đạt 21800đ/cp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật