Asian Indoor Games III: e-Sports gây bất ngờ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thể thao Điện tử (e-Sports) càng chứng minh sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ trong 5 ngày thi đấu thuộc khuôn khổ Đại hội Thể thao châu Á Trong Nhà lần III - Asian Indoor Games III (AIGIII)
Asian Indoor Games III: e-Sports gây bất ngờ
Ảnh minh họa

Thật cảm động khi hàng triệu trái tim e-sports (thể thao điện tử) chứng kiến đội tuyển e-Sports Việt Nam tham dự lễ khai mạc AIGIII. Họ cũng nghiêm trang trong những bộ vest màu thiên thanh như các đội tuyển khác của nước nhà. Cho đến ngày 30/10/2009, trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), e-Sports vẫn chỉ được biết đến như một hoạt động thi đấu được tăng cường và không hứa hẹn nhiều thành tích; e-Sports được đưa vào danh sách các bộ môn thi đấu khá trễ, cuối 2008 khi AIGIII đã gần kề.

Trong bảng tổng sắp thành tích huy chương của hoạt động thi đấu e-sports, tuyển Việt Nam đã đứng hạng 4 xứng đáng. Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 2 huy chương đồng của bộ môn Starcraft: Brood War. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng ban tổ chức đã dễ dãi khi cho phép các quốc gia tham dự đăng ký thi đấu thêm vào ngày 31/10/2009 vì 2 game thủ Trung Quốc đoạt giải vốn không chuyên về Starcraft mà AIGIII là cuộc thi đấu đỉnh cao. Nhưng trên thực tế, là nước chủ nhà, Việt Nam đã tạo mọi điều kiện cho các đội bạn thi đấu theo truyền thống hiếu khách và “vì một châu Á phát triển” dựa trên nguyên tắc tất cả cùng đồng thuận. Tuyển Việt Nam đã không đăng ký thi đấu thêm các môn khác ngoại trừ việc đưa 2 vận động viên (VĐV) dự bị Nguyễn Lê Minh và Phạm Khắc Việt lên thi đấu chính thức. Những gì chúng ta đạt được đều nhờ vào thực lực.

Gosu và các ẩn số

Tham dự AIGIII có khá nhiều gosu (cao thủ e-sports) có tiếng khu vực và thế giới. Có thể kể đến các tay đua NFS: Most Wanted (NFSMW) đến từ Uzbekistan, Trung Quốc và Iran. Hay các đội Counter Strike 6.1 (CS) đến từ Uzbekistan và Hàn Quốc. Tuyển Dota Mông Cổ là 1 ẩn số. Tuy họ không mấy tiếng tăm nhưng trong trận đấu tập ngày 31/11/2009, họ đã hạ tuyển Dota Việt Nam tại trận giao hữu.

Trong môn Fifa, Tô Trung Hiếu và Phạm Khắc Việt tỏ ra không quá lo lắng. Họ biết có những “ẩn số” đáng gờm nhưng vẫn giữ vững tinh thần lạc quan. Ở môn NBA Live 2009, tuyển Việt Nam cũng không đăng kí tham dự và chúng ta có ít thông tin về các gosu thuộc bộ môn này. Còn với Starcraft, các huy chương chắc chắn thuộc về Hàn Quốc.
Hai niềm hy vọng lớn nhất của Việt Nam là đội Dota và game thủ Fifa Tô Trung Hiếu với thành tích vô địch tại WCG Asian 2009. Hầu hết các gosu nước ngoài đều biết đến thành tích của họ.

Mỗi ngày một huy chương

Ngày đầu ra trận, tuyển DotA sau 1 ván thua tuyển Mông Cổ - đối thủ chính tranh chấp HCV - đã lội ngược dòng theo “phong cách Boba” (thua trước, thắng sau) và thắng lại 2 ván. Trong trận này, 30 cổ động viên người Mông Cổ là du học sinh đã đến nhà thi đấu ĐH Bách khoa cổ vũ cho đội tuyển quê nhà. Với chiến thắng thuyết phục, tuyển DotA đã “mở hàng” vàng cho tuyển Việt Nam, đồng thời cổ vũ tinh thần cho những đồng đội đang thi đấu.

Trong ngày thi đấu thứ 2, các môn như Fifa, CS, Starcraft, NFSMW bắt đầu thi đấu. Chiếc huy chương của ngày 2/11/2009 tuy chỉ lấp lánh bạc nhưng nó quí hơn vàng bởi Việt Nam chưa có tên tuổi trong khu vực và thế giới về bộ môn này. “Tay đua” Nguyễn Lê Văn đã xuất sắc vượt qua 2 “quái xế” sừng sỏ đến từ Uzbekistan và Iran. Trong trận chung kết, Văn không vượt qua được đối thủ người Trung Quốc. Trong 5 vòng (lap) đua trên 1 bản đồ, Văn chỉ thua đối thủ Trung Quốc từ 1 đến 1,5 giây.

Cũng trong ngày này, Tô Trung Hiếu đã “nếm” thất bại đầu tiên – thua Hàn Quốc. Chiều hôm đó, Hiếu tiếp tục thi đấu và đá bại đối thủ người Uzbekistan. Tuy nhiên, do những sai sót trong qui trình đăng ký và truyền thông giữa ban tổ chức, trọng tài và các đoàn, kết quả của trận đấu này đã bị hủy bỏ. Sáng 3/11/2009, Hiếu thi đấu lại và thắng các đối thủ người Uzbekistan và Trung Quốc. Dường như cánh cổng đi vào vòng chung kết đang mở rộng. Ở bảng còn lại của Fifa, Phạm Khắc Việt bắt đầu thi đấu. Chuyển qua CS, Việt Nam đã không còn hy vọng sau khi không thể hạ tuyển CS Hàn Quốc (nòng cốt là clan WeMadeFox trứ danh) và tuyển Uzbekistan đầy kinh nghiệm chinh chiến với các đội ở châu Âu. Hai chiến thắng trước Iran và Mông Cổ đã mang về chiếc HCĐ.

Sang ngày 4/11/2009, Tô Trung Hiếu không chịu nổi đối thủ quá mạnh người Iran và đành dừng bước với HCĐ đồng hạng. Tuy nhiên, Hiếu đã thắng đối thủ Trung Quốc còn lại. Nhiều người tiếc cho Hiếu đã gặp phải gosu người Iran Khoei Seyeddavood. Nếu không, Hiếu rất có thể đã giành được chiếc HCB.

Đến lúc này, giới e-sports mới nhận thấy sức mạnh của Iran. Nếu như Hàn Quốc đã nắm chắc 2 HCV của CS và Starcraft thì Iran nào có kém với HCV Fifa và NBA Live. Môn bóng rổ điện tử là thế mạnh của Iran khi họ nắm cả HCV và HCB. Kết quả, Iran đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Theo sau là Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

BẢNG TỔNG SẮP HUY CHƯƠNG E-SPORTS AIGIII, XẾP HẠNG TOÀN ĐOÀN
  Quốc gia Huy chương Vàng Huy chương Bạc Huy chương Đồng Tổng số huy chương
1 Iran 2 (Fifa & NBA) 1 (NBA) 1 (NFSMW) 4 (NFSMW)
2 Hàn Quốc 2 (Starcraft & CS) 1 (Starcraft) 0 3
3 Trung Quốc 1 (NFSMW) 1 (Fifa) 4 (2 Starcraft, 1 Fifa, NBA) 6
4 Việt Nam 1 (DotA) 1 (NFSMW) 2 (CS & Fifa) 4
5 Uzbekistan   1 (CS) 2 (DotA, NFSMW) 3
6 Mông Cổ   1 (DotA) 1 (CS) 2
7 Qatar     1 (NBA) 1
8 Ấn Độ 0 0 0 0
9 Bahrain 0 0 0 0
Ghi chú: e-Sports AIGIII trao HCĐ đồng hạng tuy vẫn có thi đấu. Ở môn Dota, do chỉ có 3 quốc gia tham dự nên chỉ có 1 HCĐ. Hai quốc gia không có huy chương là Ấn Độ và Bahrain.

Hướng đến một nền e-sports chuyên nghiệp

Trong 5 ngày thi đấu, e-sports đã thu hút khá đông khán giả. Bộ môn e-Sports cũng tự hào đã đóng góp được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ vào bảng tổng sắp huy chương của đoàn Việt Nam tại AIGIII. Với sự nhìn nhận và công nhận của ngành đào tạo TDTT, Hội Thể thao Điện tử và Giải trí (VIRESA) đã ra đời cùng kinh nghiệm tổ chức AIGIII và “vốn tài năng” ít ỏi là các tuyển thủ có thành tích trên đấu trường quốc tế, hy vọng e-Sports Việt Nam sẽ tiến xa hơn trên con đường lên chuyên và nhận được nhiều sự quan tâm hơn của xã hội và các nhà bảo trợ.

Ông Dương Vi Khoa, huấn luyện viên trưởng đội tuyển e-Sports Việt Nam

Chiếc HCB mà Nguyễn Lê Văn giành về trong bộ môn NFSMW quí giá như chiếc HCB của môn CS, Bởi các game thủ NFS Việt Nam rất ít được cọ xát với nước ngoài trong khi DotA được thi đấu liên tục. Hiện tại phong trào DotA ở Việt Nam đã quá mạnh. Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh các phong trào khác để tạo ra sự phát triển đồng đều trong các bộ môn e-Sports tại Việt Nam.

Ông Kim Jong Seong, thành viên đoàn Hàn Quốc

Tôi rất ngạc nhiên trước trình độ của các tuyển thủ Việt Nam. Họ cũng biết rất nhiều về các tuyển thủ Hàn Quốc. Trong giải này, chúng tôi mang sang đội CS của WeMadeFox và 2 gosu Starcraft hiện đang đứng hạng 3 và 4 Hàn Quốc là Lee Young Ho (Flash) và Jung Myung Hoon (Fantasy). Còn hai game thủ số 1 và số 2 sẽ đi Cheng Du (Trung Quốc) tham dự WCG Grand Final 2009. Trong thời gian tới, tôi hy vọng KeSPA (Hội Thể thao Điện tử Hàn Quốc) và VIRESA sẽ hợp tác phát triển e-Sports tốt hơn nữa.

He Xuebin – nhà vô địch NFSMW đến từ Trung Quốc

Xin chào Thế Giới Game! Dĩ nhiên tôi cảm thấy rất vui mừng khi đã vượt qua tất cả đối thủ để giành vị trí cao nhất tại giải lần này. Tôi đã biết đến NFS hơn 3 năm và từ đó chơi game này hàng ngày do lối chơi quá thu hút. Trong 2 năm đầu, tôi thường tập luyện game NFS hơn 8g mỗi ngày. Đến năm thứ 3 thì thời gian chỉ còn khoảng 4g một ngày. Tôi hầu như không tham gia vào các game khác và chỉ tập trung cho NFS. Tại AIGIII, trình độ của các đấu thủ thật đáng kinh ngạc. Hầu hết các VĐV tham gia AIGIII kỳ này đều có kinh nghiệm và kỹ năng rất tốt. Đặc biệt là VĐV của nước chủ nhà. Anh ta (Nguyễn Lê Văn) tỏ ra rất nguy hiểm ở những vòng đua cuối với kỹ năng rất ổn định.

Du học sinh Tsoqt-Ochir người Mông Cổ

Chúng tôi hầu hết là các sinh viên đang học tập tại các trường ĐH ở Hà Nội. Hôm nay chúng tôi rất vui mừng vì đội tuyển Mông Cổ chơi rất tốt. Giải thi đấu cũng được tổ chức tốt. Mặc dù chỉ có khoảng 30 người nhưng chúng tôi cổ vũ, “la hét” rất hăng say. Tuyển Việt Nam? Họ rất giỏi. Chúng tôi biết họ từng 2 lần nổi tiếng trên đấu trường châu Á

Đại diện tuyển Iran, ông Loghman Shavarani

Iran có 10 triệu game thủ e-Sports và 3 giải đấu chuyên nghiệp thường niên. Tại WCG Grand Final 2006, Iran có 1 game thủ Fifa nằm trong tốp 6 game thủ dẫn đầu. Tại AIG II năm 2007, tuyển thủ Fifa của Iran cũng đoạt huy chương bạc. Chúng tôi cũng đem đến AIGIII 2 tuyển thủ NBA Live chuyên nghiệp. Họ tập luyện đến 10 giờ 1 ngày. e-Sports tại AIGIII đã được nâng lên một tầm cao mới với mức độ cạnh tranh cao hơn. Tại AIG II, Iran xếp thứ 2 toàn đoàn nhưng năm nay chúng tôi gặp rất nhiều cạnh tranh.

Nguyễn Lê Văn, HCB NFSMW

Mình chơi NFSMW chủ yếu để giải trí nhưng luyện tập để thi đấu thì trong 6 tháng qua. Most Wanted là phiên bản của dòng game NFS phát hành 2005. Mình đã rất khó khăn mới thắng sát nút được các đối thủ mạnh của Uzbekistan và Iran. Còn đối thủ người Trung Quốc mà mình gặp trong trận chung kết AIGIII thậm chí mạnh hơn cả tay vô địch AIGII năm 2007. Anh ta chạy rất ổn định, như cái máy và không quan tâm bất kỳ điều gì trong khi đua. Tay đua này tham gia rất nhiều giải đấu. Tuy mới chạm trán trực tiếp lần đầu nhưng mình đã biết về tay đua này rất nhiều qua các giải đấu được đưa tin trên mạng. Một tay đua của Việt Nam là Nguyễn Võ Tĩnh Nhiên đã gặp tay đua này ở WCG Asia 2008 tại Singapore. Nói về trình độ thì hai bên ngang nhau. Nhưng về tâm lý thi đấu thì anh ta rất vững vàng mà mình chưa có được. NFS cần có cộng đồng mạnh hơn nữa. Cộng đồng càng đông sẽ đưa tầm người chơi lên nhờ điều kiện cọ xát cũng như “nghề sẽ dạy nghề”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật