Thể thao điện tử: Một nhánh của thể thao giải trí

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những ngày diễn ra các cuộc thi đấu e-Sports thuộc Asian Indoor Games 3, Thế Giới Game đã gặp và trò chuyện về thể thao điện tử (e-sports) và thể thao giải trí (leisure sports) với một khán giả đặc biệt – thầy hiệu trưởng Lâm Quang Thành trường ĐH Thể dục Thể thao (TDTT) TP.HCM.
Thể thao điện tử: Một nhánh của thể thao giải trí
Ảnh minh họa

Được biết trường ĐH TDTT TP.HCM có ý định thành lập đội tuyển e-Sports riêng, ông có thể giới thiệu đôi nét về Khoa Thể thao Giải trí?

Khoa Thể thao Giải trí (TTGT) là 1 trong 7 khoa cơ bản của trường ĐH TDTT TP.HCM theo quyết định của Bộ VHTTDL. Vì đây là chương trình đào tạo đầu tiên và mới của Việt Nam, trường được một số trường ĐH kết nghĩa hỗ trợ. Khoa TTGT của trường ĐH TDTT Đài Loan đã hỗ trợ chương trình, tài liệu, tập huấn, hướng dẫn cho một số giảng viên. Tháng 3/2009 Khoa chính thức hình thành mặc dù đã có trong cơ cấu từ năm trước. Lớp đào tạo đầu tiên có 44 sinh viên.

Ông Lâm Quang Thành

Về chương trình đào tạo thì cũng có những môn cơ sở như các ngành đào tạo khác. Tuy nhiên, đi sâu vào chuyên ngành TTGT, có 2 phần thực hành và lý thuyết. Về lý thuyết, sinh viên được học những vấn đề như xây dựng qui hoạch, quản lí, kinh doanh, tiếp thị TTGT – theo khuôn mẫu mà các trường ĐH trên thế giới đào tạo. Riêng về thực hành, khoa TTGT chọn 2 môn bắt buộc để sinh viên nghiên cứu khoa học là thể thao điện tử (e-Sports) và khiêu vũ thể thao (dance sports). Lớp sinh viên này khi tốt nghiệp sẽ tổ chức và xây dựng hệ thống, đào tạo vận động viên, thi đấu thể thao giải trí.

Khác với TT truyền thống, TTGT phục vụ cho tất cả đối tượng, vì TTGT có mục đích hết sức cơ bản: tạo cho con người khi tham gia sảng khoái về tinh thần và nâng cao thể chất. Hai cái này có thể có cùng một lúc hoặc có riêng. Ví dụ e-Sports, giải trí về tinh thần tốt, sảng khoái thì thể chất được nâng lên. Còn dance sports có cả 2: thể chất được nâng cao và tinh thần cũng sảng khoái. Bóng chuyền bãi biển tuy nặng nhọc nhưng thể chất tốt tạo ra tinh thần minh mẫn. Cho nên, TTGT chan hòa về cả tinh thần lẫn thể chất. Đi tập thể thao truyền thống, sức khỏe có thể được nâng cao nhưng chưa chắc tinh thần được nâng cao. Còn TTGT nâng cao cả tinh thần lẫn sức khỏe. Đó là đặc điểm cốt yếu của TTGT. Thế nên, dự báo kết quả thể thao, đi xem bóng đá cũng là TTGT. Đá gà, đua chó, đua ngựa, chọi trâu cũng là TTGT.

TTGT bao gồm rất nhiều môn. Những môn TT đang hiện hữu trong xã hội đều có thể được xem là TTGT nếu chơi ở mức độ vừa phải nhằm nâng cao sức khỏe và tinh thần. Trên thế giới hiện nay phát triển rất nhiều loại hình TTGT: giải trí về sức khỏe (dưỡng sinh, chạy bộ), giải trí trí tuệ (cờ, thể thao điện tử), giải trí nghệ thuật (dance sports, xe đạp nghệ thuật biểu diễn theo nhạc), giải trí mạo hiểm (trượt pa-te, leo núi), TTGT vùng biển, TTGT cao cấp (gôn, bô-ling), giải trí chính xác (bắn cung, ném phi tiêu)... Ngoài 2 môn bắt buộc, sinh viên Khoa sẽ chọn học thêm một số môn như trên.

Ngành TTGT còn đào tạo ra những nhà quản lí, kinh doanh TTGT. Một cơ quan sự nghiệp hay tư nhân ở Việt Nam hiện nay có thể lập ra 1 câu lạc bộ nhưng chỉ bao gồm vài môn thể thao. Nhưng một trung tâm sức khoẻ (fitness center) có đầy đủ các môn thể thao.

Thưa ông, “thể thao biểu diễn” là 1 ngành thể thao khác hay thuộc TTGT, hay đó chỉ là một cách nói?

Có những môn thể thao giải trí nghệ thuật cao dùng để biểu diễn mang tính phục vụ. Nhưng bên cạnh đó là TTGT có thi đấu. Hiệp hội Thể thao Giải trí Thế giới đã hình thành rất lâu và cứ 2 năm lại có 1 hội nghị thể thao giải trí thế giới. Vào năm sau 2010, Chun Cheon Hàn Quốc sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Giải trí Thế giới lần thứ I (World Leisure Games), trong đó, bên cạnh e-Sports có hệ thống riêng, còn có các môn như bida, trượt tuyết, lướt ván, pa-te v.v... Hiện nay, các môn giải trí trí tuệ được tách ra. Vì vậy, năm ngoái ở Bắc Kinh, lần đầu tiên tổ chức Đại hội Thể thao Trí tuệ (Mind Sports) lần I. Tóm lại, TTGT (leisure sports) bao hàm mọi thể loại, trong đó có e-sports như đã giải thích theo lý thuyết đào tạo. Nhưng trên thực tế, khi đến đỉnh cao mang tính biểu diễn, nghệ thuật cao, trình độ cao phục vụ người xem thì một số môn sẽ tách ra thành các nhánh như mind sports, e-sports, beach sports.

Tại sao e-sports không nằm chung nhánh với mind sports bởi người thi đấu đều rất “trí tuệ”, thưa ông?

Mind sports khác e-sports ở chỗ tuy cùng mang tính trí tuệ nhưng lại không sử dụng thiết bị để thi đấu như cờ vua, cờ tướng, cờ vây, đánh bài. Những môn giải trí biển, liên quan đến lợi ích kinh tế cũng phát triển mạnh riêng. Năm ngoái, ở Bali đã diễn ra Đại hội Thể thao Biển lần thứ I châu Á (Asian Beach Games Bali 2008). TTGT rộng lớn và thu hút nhiều người ham thích. Các sinh viên khoa TTGT hiện nay sẽ trở thành nòng cốt để xây dựng phong trào e-sports của trường. Sau này, chúng tôi sẽ cho lập đội tuyển.

Vậy trò chơi điện tử (video game) khác thể thao điện tử (e-sports) ở những điểm nào, thưa ông?

Nhiều người cho rằng thi đấu e-sports là chơi game. Đó là 2 thứ hoàn toàn khác. Tại sao lại có từ “sports” hay thể thao là gì? Thể thao là sự cạnh tranh để đạt thành tích cao nhất giữa nhóm người hay các vận động viên với nhau. Những VĐV đó có mặt tại hiện trường thi đấu và giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Game bạn có thể chơi bất cứ ở đâu nhưng lại không có người tổ chức, trọng tài. Phải định nghĩa từ “sports” trước thì ta mới hiểu như thế nào là e-sports.

hiện trường có những tiêu chuẩn nào để tuyển sinh khoa TTGT?

Căn cứ vào điểm thi đầu vào, em nào có điểm tổng cao hay điểm Toán cao sẽ được chọn vào khoa quản lí; điểm Sinh Học cao sẽ vào khoa sinh học; điểm thể chất cao sẽ được huấn luyện đào tạo. Sinh viên các khoa đó, nếu muốn vào khoa TTGT sẽ phải qua 1 cuộc thi vấn đáp để đánh giá kiến thức xã hội, thể thao và cách ăn nói, thể hình. TTGT phải biết huy động, vận động mọi người. Nhà trường chưa đào tạo tại chức.

Xin cám ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật