‘Nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng’

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trao đổi với PV tại Đài Bắc, nghị sĩ Đài Loan Kuen-yuh Wu, người kêu gọi Formosa giải trình vụ cá chết, cho biết nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng.
‘Nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng’
Nghị sĩ Kuen-yuh Wu. Ảnh: Thanh Tuấn

Ngay sau khi Việt Nam công bố Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung, nghị sĩ Kuen-yuh Wu nói:

- Cho đến giờ tôi vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì tôi biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì chúng tôi không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình.

Dù vậy, vài tuần trước tôi có nói rất rõ trong buổi điều trần rằng khi Formosa Plastics tới các nước Đông Nam Á để tiến hành đầu tư, họ cần phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là làm ăn kiếm lợi.

Với Đài Loan, khi khuyến khích các doanh nghiệp ra đầu tư bên ngoài, họ cũng cần chú ý tới trách nhiệm của các doanh nghiệp chứ không phải chỉ chăm chăm tới chuyện kinh doanh. Doanh nghiệp Đài Loan cần mang lại lợi ích và những điều tốt đẹp đến cho các nền kinh tế láng giềng chứ không phải chỉ là tìm cách lợi dụng kiếm tiền từ láng giềng.

Nếu là lãnh đạo Formosa, tôi đã chủ động tìm hiểu vì sao cá chết

- Ông có vẻ dè dặt khi nói muốn đọc bản báo cáo cuối cùng về Formosa. Ông có tự đặt câu hỏi rằng, nếu không có bằng chứng sai phạm rõ ràng, một tập đoàn lớn và nhiều ảnh hưởng như Formosa sẽ không bao giờ chấp nhận bồi thường tới 500 triệu USD?

- Hiện thông tin vẫn còn đang tranh luận ở Đài Loan. Tối qua, tôi có nói chuyện với các đồng môn về hoá học thì họ cũng chia sẻ một số điểm họ còn thấy chưa rõ ràng. Họ đặt một số dấu hỏi với kết luận cuối cùng.

Tôi tin rằng có một số chứng cứ rất rõ ràng nên lãnh đạo Formosa mới chịu bồi thường khoản lớn vậy. Nhưng liệu còn yếu tố nào khác khiến lãnh đạo cấp cao Formosa chấp nhận kết luận cuối cùng hay không thì tôi không dám chắc. Vì vậy tôi rất mong được coi bản báo cáo cuối cùng về Formosa.

- Quan điểm khác của các chuyên gia hoá học Đài Loan mà ông vừa đề cập là gì?

- Ví dụ, một chuyên gia nêu dẫn chứng về độ dài đường ống dẫn thải của Formosa ngắn hơn rất nhiều so với quy mô lan rộng của chất độc – trên 300 km trên biển. Nếu dựa trên quy mô đường ống, chúng tôi tính độ lan chỉ là khoảng 47 km.

Như vậy, phạm vi cá chết lớn và rộng hơn rất nhiều so với độ dài đường ống. Vì vậy tôi thấy có dấu hỏi về nồng độ chất độc – phải có nồng độ rất cao mới lan rộng được đến vậy. Chất độc sẽ giảm nồng độ rất nhiều lần khi lan từ khoảng cách 47 tới 300 km. Chỉ khi nhìn bản báo cáo chi tiết cuối cùng thì mới có thể đánh giá hết được.

Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam có giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp, trở thành "tấm chăn" khổng lồ hút thêm rất nhiều chất độc khác nên gây ra tình trạng cá chết trên diện rộng. Xyanua là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói trường hợp hút các chất độc khác kiểu này.

Vài tuần trước trong điều trần, tôi có nói rõ Formosa nên có trách nhiệm với các khu vực lân cận (của dự án). Nếu là lãnh đạo Formosa, tôi đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân vì sao cá chết thay vì thụ động chờ báo cáo này.

Ngư dân cầm trên tay những con cá chết tại bờ biển huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21/4. Ảnh: AFP

Quy định môi trường ở Đài Loan cao hơn các nước Đông Nam Á

- Ở Đài Loan, Formosa có tiếng xấu khi liên quan tới nhiều vụ ô nhiễm. Vì sao tập đoàn này chưa bao giờ bị truy tố?

- Thiết lập bằng chứng khoa học là rất khó, mất nhiều thời gian, ví dụ Nhật Bản từng có một số vụ kiện đối với các công ty gây ô nhiễm nhưng đến khi nạn nhân nhận được tiền đền bù, có trường hợp mất tới hơn 30 năm.

Ngay ở huyện Vân Lâm (Đài Loan), có chuyên gia y tế từng nghiên cứu và xác định tỉ lệ bệnh ung thư tăng cao sau khi Formosa xây dựng dự án ở đó. Nhưng rất khó để xác định được bằng chứng khoa học trong các vụ đó. Nhiều người đang kiện Formosa (liên quan tới tỉ lệ ung thư tăng ở Vân Lâm) nhưng cuối cùng đến giờ cũng vẫn chưa có kết luận cuối cùng vụ này.

- Từ góc độ quản lý, chính quyền Đài Loan có thể làm gì để kiểm soát và hạn chế những hành vi vi phạm kiểu này của Formosa?

- Quy định về môi trường ở Đài Loan rất chặt, thường là cao hơn các nước Đông Nam Á. Chúng tôi cần khuyến khích doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ chặt chẽ các quy định (như ở Đài Loan), chứ không phải chỉ làm theo các quy định (thấp hơn) ở những địa phương họ tới đầu tư.

Các công nghệ bảo vệ môi trường của chúng tôi rất hiện đại và các tập đoàn nên áp dụng các công nghệ này khi đầu tư ở Đông Nam Á. Bằng cách đó chúng tôi có thể mang tiến bộ đến các nước chứ không phải là chỉ tìm cách kiếm tiền từ đó.

Jason Lin, Chủ tịch của Formosa Plastics Group. Ảnh: Reuters

Vào khoảng 2007-2008, dự án thép của Formosa từng bị bác sau khi có đánh giá tác động môi trường tại Vân Lâm. Lúc đó cơ quan EPA (kiểm soát môi trường) nói khu vực này quá ô nhiễm, quá chật rồi nên không thể xây dựng dự án thép được.

Ở Vân Lâm cũng đã từng có vài sự cố lớn (với dự án của Formosa). Điều đó khiến công chúng Đài Loan e ngại dự án này.

Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chính phủ Đài Loan

- Và Formosa đã phải chuyển các dự án thép đến những nền kinh tế kém phát triển hơn như khu vực Đông Nam Á?

- Thực tế thì họ cũng có sai phạm ở cả Texas (Mỹ) nữa. Tôi hy vọng là họ học được gì đó từ những sai phạm này để thay đổi. Formosa không nên đánh đổi tất cả chỉ để giảm chi phí xây dựng hay chi phí vận hành nhà máy.

- Theo ông, vụ Formosa sẽ ảnh hưởng gì tới hình ảnh của doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam?

- Hai tuần trước, khi tổ chức phiên điều trần, tôi cũng nêu lên điều này: nếu chính phủ Đài Loan muốn đầu tư vào Đông Nam Á, chúng tôi cũng cần phải quan tâm tới các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người và quyền người lao động.

Chúng tôi nên mang hình ảnh tốt (về Đài Loan) tới Việt Nam chứ không phải tạo những hình ảnh xấu. Tập đoàn Đài Loan muốn đầu tư tốt tại Việt Nam cũng cần quan tâm tới các khu vực xung quanh nơi họ đầu tư, để người dân thấy hình ảnh tốt về các tập đoàn Đài Loan.

Formosa là trường hợp cá biệt. Hầu hết người Đài Loan đều thân thiện và muốn trở thành bạn tốt của người Việt. Thật đáng tiếc là chuyện này đã xảy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở nước ngoài.

Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chính phủ Đài Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn.

Formosa Plastics Group thành lập năm 1954, là một tập đoàn kinh doanh đa dạng về nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy Formosa có đóng góp một phần cho sự phát triển kinh tế các vùng nhưng những vụ tàn phá môi trường của Formosa rất nghiêm trọng.

tiết lộ phát hiện ống xả thải ngầm dưới biển từ Formosa Vũng Áng

Năm 2009, Ethecon, một tổ chức vì môi trường của Đức, trao tặng cho tập đoàn này danh hiệu "Hành tinh Đen" - giải thưởng dành cho những tổ chức/cá nhân vì phá hủy môi trường thế giới. Doanh nghiệp này cũng từng chịu phạt nhiều lần tại các nước mà họ đầu tư, từ Campuchia, Mỹ đến chính tại quê nhà Đài Loan.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 6880
  1. Công bố đánh giá môi trường biển sau sự cố Formosa
  2. “Chưa thấy đại biểu ở miền Trung có ý kiến gì về Formosa”
  3. Sự cố Formosa xả chất độc: ‘Phải quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan’
  4. Cận cảnh rác chất đống, cá chết trong Formosa
  5. Cận cảnh nhà máy xử lý rác thải cho Formosa khiến dân phải bỏ đi
  6. Không khởi tố vụ án thợ lặn ở Formosa bị chết
  7. Cận cảnh bãi rác ở Thiên Cầm - nơi chứa rác thải của Formosa
  8. ‘Đổ 100 tấn chất thải của Formosa để trồng cỏ chăn dê, bò’
  9. Chấn động: Formosa lén lút chôn chất thải ở trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường
  10. ‘Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng - an ninh’
  11. Ngoài sự cố làm cá chết, Formosa còn có 53 hành vi vi phạm khác
  12. Cá chết do Formosa làm giảm GDP 6 tháng đầu năm
  13. ​Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc từ khô sang ướt
  14. Biển miền Trung hậu vụ cá chết: Biển sẽ “ngộ độc mãn tính”?
  15. Những thợ lặn biển ở KCN Formosa bây giờ ra sao?
  16. Formosa Hà Tĩnh có thể bị truy thu thêm 1.555 tỷ đồng tiền thuế
  17. Formosa Hà Tĩnh được để xuất ngừng hoạt động
  18. Formosa ‘tráo’ công nghệ
  19. Hơn 260.000 lao động ảnh hưởng vì sự cố cá chết
  20. Cuối tháng 7 sẽ công bố ‘biển miền Trung an toàn hay chưa’
  21. Khi Formosa mới vào Việt Nam, đã có người cảnh báo về môi trường
  22. Vụ Formosa làm cá chết ở miền Trung: Hỗ trợ dân cho đến khi biển sạch
Video và Bài nổi bật