Thảm họa do đâu?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi cơn bão số Mirinae đổ vào các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người, các báo Tuổi Trẻ online, Vnexpress.net, Người lao động đã có các bài báo đưa các ý kiến cho rằng nguyên nhân lũ lụt ở Tuy Hòa là do Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ (2), (3), (4), (5), (6). Bài viết này đưa ra một cái nhìn khác, dựa trên những số liệu mà chính các bài viết trên đã đưa và một số hình ảnh trên google maps.
Thảm họa do đâu?
Hình 1: Lưu vực sông Ba (theo Tuổi Trẻ)

Có thể nói cơn lũ vừa qua ở Tuy Hòa là một ví dụ điển hình của “perfect storm” (họa vô đơn chí). 

Bão Mirinae là một cơn bão lớn với vận tốc gió cao, kèm theo mưa lớn trên diện rộng, xuất hiện vào cuối mùa mưa (khi các hồ thủy điện đã tích nước dự trữ cho mùa khô). 

Nhìn vào sơ đồ của lưu vực sông Ba, phải thấy rằng địa hình tự nhiên đã tạo nên thị xã Tuy Hòa như là môt cái miệng phễu hứng toàn bộ lượng mưa, từ địa hình dốc của toàn bộ lưu vực sông Ba và sông Yaun (Hình 1). Hơn nữa cửa sông Ba cũng rất hẹp và không thuận lợi cho việc thoát nước nhanh (Hình 2). 

Có thể trong những ngày mưa bão có triều cường (1) làm cho việc thoát nước càng trở nên khó khăn. Cộng thêm rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề, làm cho lớp phủ thực vật và đất không có khả năng giữ nước khiến lưu lượng nước chảy về hạ lưu lớn hơn. Chưa kể, có khả năng Thủy điện Sông Hinh cũng xả lũ trong dịp này. 

Như vậy, có phải thiên tai và hành động phá rừng của con người đã tạo nên trận lũ lịch sử này hay không? Hay là do việc xây dựng Thủy điện sông Ba Hạ mới đưa vào hoạt động và xả lũ trong dịp này góp phần làm lũ thêm trầm trọng? 

Thủy điện sông Ba ở đâu, và có khả năng cắt lũ hay không? 

Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ thu‌ộc đị‌a bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, rộng 54,66 km2, mực nước dâng bình thường 105m với dung tích toàn bộ 349,7 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích gần 166 triệu m3. Lưu lượng qua nhà máy gần 55m3 một giây; lượng nước về hồ mỗi năm 5-7 tỷ m3. (theo Vnexpress)

Hình 2: Cửa sông Ba (Google maps)

Bỏ qua những sai sót dễ thấy trong sơ đồ hình 1 (vòng tròn màu đỏ đánh dấu sai vị trí thủy điện An Khê- Kanak, thủy điện sông Hinh, và không tìm thấy Thủy điện Ayun Hạ như vị trí trong hình), thì trong trường hợp các thuỷ điện đầu nguồn không xả lũ, hồ sông Ba Hạ phải chịu trách nhiệm điều tiết cho gần 2/3 lưu vực sông Ba (đường khoanh vùng màu xanh lá cây). 

Để dễ hình dung, hãy so sánh quy mô của hồ thủy điện sông Ba Hạ (ô màu đỏ) với thủy điện sông Hinh (ô màu xanh) như trong hình 3, và phóng to trên hình 4. Lưu ý rằng hai dải trắng bên bờ sông là mức nước dâng cao của lòng hồ. Với bề rộng lòng hồ khoảng 250m, mực nước dâng bình thường là 105m thì chúng ta có thể thấy dung tích của hồ chứa thủy điện sông Ba Hạ là nhỏ. Theo tính toán của chúng tôi, với lưu lượng thực tế 10.000 m3/giây như nêu trong bài (2) thì chỉ trong khoảng 4 tiếng rưỡi, dung tích hữu ích của hồ sẽ đầy. Như vậy có thể khẳng định hồ chứa thủy điện sông Ba Hạ không có khả năng điều tiết và cắt những con lũ lớn như vừa rồi, đúng như ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ Võ Văn Tri đã nói.

Hình 3: Hồ thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh (Google maps)
Hình 4: Hồ thủy điện sông Ba Hạ (Google maps)


Việc xả lũ có phải là nguyên nhân gây ngập lụt của thị xã Tuy Hòa không? 

Trước tiên cần phải thấy rằng việc xả lũ cũng như tích nước của hồ thủy điện phải theo quy trình quản lý của Bộ Công thương. Nếu lưu lượng xả lũ lớn hơn lưu lượng đến thì có thể nói thủy điện góp phần làm cơn lũ thêm trầm trọng. 

Nhưng theo Vnexpress (2), trong ngày lũ, lưu lượng nước trên Sông Ba là 20.000 m3/giây và lưu lượng xả lũ là 10.000 m3/giây thì có thể nói thủy điện sông Ba Hạ đã tích nước, góp phần giảm nhẹ cơn lũ lịch sử. 

Như trên đã phân tích, điều kiện tự nhiên, mưa lớn bất thường, gây lũ lớn là thiên tai bất khả kháng. Bằng các số liệu trên các bài báo nêu trên, khó có thể kết luận việc xây dựng thủy điện cũng như việc xả lũ của hồ chứa sông Ba Hạ gây nên thảm họa. 

Hơn một lần, trong các bài báo, người dân nói đây là cơn lũ “chưa từng có” hay “hàng trăm năm mới có một lần”. 

Thật vậy, khí hậu toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng. Hậu quả của nó là các thiên tai nghiêm trọng xuất hiện với tần suất dày hơn, nghiêm trọng hơn. (Hình 5). Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu toàn cầu. Phải chăng trận lũ lịch sử ở Tuy Hòa là một trong những thiên tai nghiêm trọng đó.

Vậy làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai? 

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền, và nâng cao nhận thức cộng đồng đối với thiên tai là những mục tiêu thế kỷ của Ủy ban Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. 

Các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở cần nhận thức được biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó, cần được chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, để đối phó với thiên tai ngày càng nhiều và khốc liệt. Ở cấp Trung ương, cần thành lập ủy ban khẩn cấp đối phó với các thảm họa, trang bị phương tiện hiện đại, nhân lực được huấn luyện thường xuyên, chuyên nghiệp, sẵn sàng đối phó với thiên tai, thảm họa. Nhận thức đúng và đầy đủ về biến đổi khí hậu và hậu quả của nó còn giúp cho các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch thành phố có tầm nhìn trong dài hạn. Chẳng hạn, trong tương lai không xa, TP.HCM sẽ phải đối phó với triều cường cao xuất hiện ngày càng nhiều (1).
 
Riêng với thiệt hại nghiêm trọng về người do bão Mirinae, cần có ủy ban điều tra để làm rõ và khắc phục những điểm yếu (nếu có) trong quy trình ứng phó thiên tai hiện tại, cũng như quy trình quản lý hồ chứa, liên hồ, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. 

Chính quyền cần giúp cho người dân nâng cao nhận thức của dân đối với thiên tai và cách đối phó trong những trường hợp khẩn cấp. Nâng cao nhận thức cộng đồng là một việc làm rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, chứ không hề dễ dàng. Nên chăng cần đưa các kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu vào các chương trình ngoại khóa trong nhà trường. Và nhất là phổ cập bơi lội cho các cháu học sinh cấp I tại TP.HCM.

(Một ví dụ về khó nâng cao nhận thức cộng đồng là việc tham gia giao thông, chấp hành Luật Giao thông hằng ngày. Nếu cộng đồng nhận thức được lợi ích của việc này cho xã hội và cho bản thân người tham gia thì chắc là mỗi năm cũng cứu được rất nhiều người.) 

Hình 5. Biến đổi khí hậu và khả năng xuất hiện các thiên tai nghiêm trọng
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật