Ông chủ tập đoàn thực hiện siêu dự án dọc sông Hồng mạnh đến cỡ nào?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày qua, dư luận đang sôi sùng sục với thông tin Tập đoàn Xuân Thành kiến nghị Chính phủ cho đầu tư khai thác tuyến đường thủy dọc sông Hồng.
Ông chủ tập đoàn thực hiện siêu dự án dọc sông Hồng mạnh đến cỡ nào?
Ông Nguyễn Xuân Thành (trái) đang bắt tay đối tác nước ngoài trong Lễ ký kết một hợp đồng cho Xi măng Xuân Thành.

Tập đoàn kinh tế tư nhân Xuân Thành vốn đã quá nổi tiếng cùng vị chủ tịch trẻ tuổi chịu chơi là Nguyễn Xuân Thụy, hay còn gọi là “bầu” Thụy kể từ khi ông bầu này nhảy vào làm bóng đá vào năm 2012.

Tuy nhiên, ít ai biết được ông chủ thực sự, người sáng lập và phát triển Tập đoàn Xuân Thành chính là cha đẻ của “bầu” Thụy, ông Nguyễn Xuân Thành. Mặc dù rút lui về làm “Thái Thượng hoàng” từ năm 2007 để nhường lại vị trí Chủ tịch cho con trai cả là Nguyễn Đức Thụy (sinh năm 1976), nhưng “bộ não” thực sự của tập đoàn kinh tế tư nhân này vẫn thuộc về người khai sinh ra nó. Thậm chí, ngay trong nội bộ tập đoàn Xuân Thành, người ta vẫn quen gọi ông với chức danh Chủ tịch.

Khác với hai người con trai khá ồn ào là Nguyễn Đức Thụy và Nguyễn Xuân Thủy (em trai ông Thụy), ông Nguyễn Xuân Thành là người khá kín tiếng và hầu như không có thông tin nào về ông trên mặt báo. Người dân thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình quen gọi ông “Cai Thành”. Họ gắn cho ông biệt danh này là bởi trước đây ông Thành làm cai thầu các công trình xây dựng. Đó là năm 1976, chàng trai mới ngoài 20 tuổi Nguyễn Xuân Thành là chủ nhiệm HTX xây dựng Bình Minh, chuyên xây dựng các công trình dân dụng.

Đến năm 1992, hợp tác xã này chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành Xí nghiệp Xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành, tiền thân của Tập đoàn Xuân Thành hoạt động đa ngành ngày nay, và chính thức đổi sang một cái tên nghe “Tây” hơn là Thai Group từ tháng 7/2015.

Ở Ninh Bình không thiếu những đại gia trong lĩnh vực xây dựng, nhưng nhờ mối quan hệ và kinh nghiệm của mình, “Cai Thành” đã thâu tóm một loạt dự án khủng của tỉnh như trung tâm thương mại Chợ Rồng, khách sạn Hoa Lư, khu nhà thi đấu đa năng, sân vận động tỉnh, nhà máy xử lý Chất thải, trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay bệnh viện Đa khoa Ninh Bình...

Sau đó, Xuân Thành còn tiến vào các tỉnh miền Trung với các dự án khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh, Quảng Nam. Xuân Thành chính là nhà thầu đảm nhận việc thi công khu tái định cư và hạ tầng kỹ thuật cho dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương của Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Tập đoàn này lần lượt lấn sân sang các lĩnh vực khác có liên quan mật thiết đến xây dựng như kinh doanh bất động sản, thủy điện với nhiều dự án giá trị lớn. Tiêu biểu là dự án thủy điện tích năng Đông Phù Yên (Sơn La) công suất 1.500 MW, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) hay khu resort Thác Đa tại Ba Vì (Hà Nội).

Năm 2008, một năm sau khi “bầu” Thụy chính thức thay cha trở thành Chủ tịch của Tập đoàn, khoáng sản Xuân Thành tại Lào Cai ra đời. Năm 2010, dự án nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam) có công suất 2 triệu tấn/năm được khởi công. Sau 4 năm xây dựng, nhà máy này đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên vào năm ngoái.

Đến năm 2011, tập đoàn này chi ra 5.200 tỷ đồng để đầu tư thêm nhà máy xi măng Xuân Thành tại Hà Nam với công suất 3,6 triệu tấn/năm.

Mặc dù khá thành công về mặt kinh tế, nhưng tên tuổi của “bầu” Thụy chỉ được biết đến khi vị doanh nhân trẻ này có một loạt động thái gây tiếng vang trên thương trường vào năm 2011 và 2012. Đó là mua lại Công ty Bảo hiểm Thái Sơn (nay là Bảo hiểm Xuân Thành), công ty có chức năng chính là bảo hiểm cho các dự án do chính tập đoàn này triển khai. Liên tục thua lỗ, cuối năm 2014, công ty bảo hiểm này còn lọt vào danh sách đen các doanh nghiệp bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính do Bộ Tài chính công bố.

Mặc dù sở hữu hàng loạt biệt thự khủng, hiện đại, nhưng ngôi nhà ốp gạch nâu ngay cạnh chợ Rồng (Ninh Bình) vẫn được xem là nhà riêng của "Cai Thành" và là đại bản doanh của tập đoàn.

Năm 2012, Xuân Thành mua lại Công ty Chứng khoán Vincom từ Tập đoàn Vincom và đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành, nhưng chỉ sau đó 2 năm đã phải bán đi do thua lỗ (nay là Công ty Chứng khoán IB).

Nổi tiếng hơn cả là việc ông bầu chịu chơi này đầu tư vào bóng đá với hai đội bóng Xuân Thành Sài Gòn và Thái Sơn Quảng Nam vào năm 2012. Tuy nhiên, cũng như cuộc chơi với chứng khoán, có lẽ vị doanh nhân này xem bóng đá như một cuộc chơi hơn là đam mê và đầu tư, do vậy mà các đội bóng này cũng sớm rơi vào quên lãng khi bị giải tán sau đó 2 năm.

Cuối năm 2015, tập đoàn này lại một lần nữa khiến giới đầu tư phải ngả mũ khi "một mình một ngựa" trở thành người thắng cuộc trong cuộc đua thâu tóm khách sạn Kim Liên (Hà Nội).

Những ngày gần đây, tập đoàn này trở thành tâm điểm của dư luận, hầu hết là phản đối, khi công bố đang chờ Chính phủ phê duyệt siêu dự án dọc sông Hồng. Dự án bao gồm 6 nhà máy thủy điện thuộc dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Đáng nói, dự án này được chủ đầu tư đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật