Chống bão trên giấy

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bão số 9 gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cả về người và của tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Người dân cả nước đều đau buồn về những mất mát, thiệt hại này.
Chống bão trên giấy
Nhiều làng quê miền Trung bị lũ chia cắt (ảnh chụp từ trực thăng).

Nhưng càng buồn hơn khi bão vừa dứt lại phải nghe tranh cãi chuyện “dự báo đúng, dự báo sai” giữa địa phương và cơ quan khí tượng thủy văn.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi - nơi tâm bão đi qua thì các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn chỉ nói địa phương này “trong vùng ảnh hưởng” nên công tác phòng chống “khác với chuyện là tâm bão”.
Vì vậy, địa phương đã bị động, chịu thiệt hại nặng nề. “Không chỉ thiếu chính xác về vị trí mà thời gian bão vào cũng là vấn đề. Trong khi gió bão nổi lên từ 3h sáng và cao điểm đổ bộ từ 12 - 14h; lúc 7h45 ngày 29/9, tốc độ gió đo được tại cảng Dung Quất là 162km/giờ thế mà đến 16h chiều hôm đó, bản tin vẫn dự báo “bão sắp đổ bộ”” - một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dẫn chứng.
Còn lãnh đạo ngành khí tượng thủy văn lập luận, việc dự báo chính xác hoàn toàn về một cơn bão là điều mà khoa học hiện nay chưa làm được. Hơn nữa, đã nhắc tên Quảng Ngãi là vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 trong các bản tin.
“Thực tế khi bão vào một chỗ thì cách đó hàng trăm km cũng bị ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ. Cơn bão này, phạm vi bán kính bão cấp 10 là 150km và ảnh hưởng gió cấp 6 là 350km. Vì vậy, Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 9 là điều tất yếu’’- một lãnh đạo ngành khí tượng thủy văn khẳng định.
 Theo dõi “trao qua đổi lại” giữa lãnh đạo địa phương và cơ quan khí tượng thủy văn, người dân cảm thấy như các nhà chức trách đang “chống bão trên giấy”? Người dân thắc mắc: Vậy hóa ra các tỉnh chống bão cứ nhăm nhăm căn cứ từng câu, từng chữ vào bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bất kể đúng sai, bất kể mưa, gió đã quật ầm ầm từ cách đó hàng chục kilômét? Với phương tiện thông tin liên lạc như hiện nay, chỉ cần biết trước một vài tiếng đồng hồ đã kịp thông báo, giảm thiểu thiệt hại rất nhiều.
Còn cơ quan khí tượng thủy văn chẳng lẽ  cứ “phân tích” xong rồi gửi đi, còn xử lý như thế nào là do địa phương “tự hiểu, vận dụng”. Vậy những trạm quan trắc của ngành khí tượng thủy văn ở các khu vực không thể cảnh báo cho các địa phương khi có tình huống khẩn cấp? Các địa phương đều có cơ quan phòng chống lụt bão sao không chủ động liên lạc, nắm bắt tình hình. Thời đại thông tin liên lạc hiện nay hoàn toàn xử lý được những vấn đề này, sao cứ chỉ chăm chăm vào mỗi bản tin dự báo? Để rồi khi xảy ra chuyện lại tranh cãi về câu chữ.
Là một nước chịu nhiều thiên tai, mỗi năm có hàng chục cơn bão, nhưng đáng buồn là những chuyện như thế này vẫn lặp đi lặp lại. Phải chăng, chưa có sự phối hợp thật tốt giữa cơ quan thủy văn và địa phương trong việc phòng chống lụt bão nên nhiều khi chưa hiệu quả? 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật