Giá nào cũng có!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hàng hiệu” - sản phẩm cao cấp vốn chỉ dành cho một nhóm người nhiều tiền, nay lại trở nên phổ biến. “Thời trang thương hiệu quốc tế” bao gồm vô số thương hiệu lẫy lừng xuất hiện tràn lan ở Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của cả những người ít tiền nhưng thích... sành điệu.
Giá nào cũng có!
Khác với hàng nhái, các thương hiệu nổi tiếng thường chiếm vị trí ở những trung tâm thương mại sang trọng

KHẲNG ĐỊNH ĐẲNG CẤP
Nếu như trước kia, đứng trước các cửa hàng thời trang danh tiếng, nhiều người chỉ dám liếc ngang thì nay nhu cầu tìm đến hàng hiệu biến thành “cơn khát” của không ít người dân Hà Nội. Chuyện sắm hàng hiệu không còn là thói quen của giới nghệ sĩ, doanh nhân hay người mẫu. Dùng hàng hiệu được người ta quan niệm như một cách để khẳng định... đẳng cấp. Nhu cầu xây dựng hình ảnh cá nhân qua vẻ bề ngoài trở thành trào lưu mới của nhiều người Hà Nội khi họ dám bỏ ra vài chục triệu đồng chỉ để trang bị cho mình một món đồ mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Thanh Phương (phường Ngọc Khánh) sẵn sàng vung số tiền mà cô chắt chiu vài tháng “cày” để sắm bằng được một chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton hay chiếc bóp hiệu Gucci. Để phù hợp với những đồ này, Phương lại lên kế hoạch mua các thứ xa xỉ khác như quần áo, giày dép, xe máy, điện thoại. Kết quả, với mức lương trên 1.000 USD/tháng, Phương vẫn phải sống nhờ bố mẹ, tiền kiếm được của cô chỉ đủ đầu tư cho ăn mặc.

Tìm hàng hiệu bây giờ không khó. Nhưng theo Phương, nếu là người “sành”, phải tìm đến những cửa hiệu chuyên hàng xách tay vì ở đây mới có hàng hiệu chính gốc. Hàng hiệu bày bán ở các trung tâm thương mại lớn hầu hết được sản xuất từ Trung Quốc. Theo chỉ dẫn của Phương, tìm đến một shop trên đường Nguyễn Như Đổ, tôi được bà chủ giới thiệu nhiều mặt hàng “xịn” đến chóng mặt. Giá bèo nhất của một chiếc bóp cũng vài “vé”. Túi xách thì vô cùng, chiếc thấp nhất xấp xỉ chục triệu đồng. Thấy tôi hơi ngần ngại, bà chủ trấn an: “Em yên tâm đi, “xịn” 100% đấy! Hàng của chị là do các tiếp viên hàng không xách tay về, không có nhiều đâu”.
Ngoài những mặt hàng trên, cửa hàng này còn nhập cả rượu, bia và một số sản phẩm khác như mỹ phẩm, đồ trang sức, mắt kính... Loại nào cũng gắn với các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Dior, Channel, Lancôme, Gucci... Nếu là khách quen, ngay khi có hàng mới, bà chủ sẽ “alô” thông báo.

“Chơi” hàng hiệu ngày nay dường như là cái thú không phân biệt ngành nghề. Từ những cậu ấm, cô chiêu đến nhân viên văn phòng hay người làm công việc tự do đều muốn thử sức trong cuộc chạy đua này. Mai, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố Hàng Bông, cũng thường tự khẳng định mình bằng những chiếc quần jeans hiệu CK, Levi’s; những chiếc áo thun Lascote, Guess và những đôi giày Calorino, Bonia... Mỗi lần làm ăn “trúng quả”, Mai lại tự “thưởng” cho mình một món hàng hiệu mới, lúc thì chiếc điện thoại giá 10 - 12 triệu đồng, khi thì chiếc đồng hồ hiệu Longines có giá hơn 1.000USD. Lý giải về tốc độ tiêu tiền của mình, Mai cho biết, khoác trên người những sản phẩm này sẽ tự tin hơn và thấy mình được “nể” hơn. Quan niệm ấy biến Mai thành một “tín đồ” của hàng hiệu với các cuộc chạy đua không có điểm dừng.


Đến Hàng Bồ, khách có thể đặt dệt bất cứ loại nhãn mác nổi tiếng nào


MỞ ĐƯỜNG CHO HÀNG NHÁI
“Cơn khát” dùng hàng danh tiếng len lỏi vào ước muốn của cả những người mà khả năng tối đa của túi tiền chỉ cho phép họ dừng lại ở hai chữ... ước mơ. “Bắt mạch” đúng nhịp đập này, các nhà sản xuất hàng nhái đã cho ra đời đủ loại sản phẩm ăn theo các thương hiệu lớn. Từ bóp da, túi xách đến quần áo, điện thoại, khi nhà sản xuất tên tuổi tung ra là ngay lập tức hàng nhái xuất hiện. Thế là cơn say hàng hiệu nhái lại hình thành. Lan Anh - nhân viên một trung tâm ngoại ngữ - thú thật chiếc quần Levi’s mà cô đang mặc chỉ mua với giá 220.000 đồng trong khi hàng chính hãng giá chót cũng phải gần hai triệu đồng.


Những cuộn mác dệt sẵn này có thể tìm mua dễ dàng tại các cửa hàng phụ liệu may mặc trên phố Hàng Bồ


Hàng Đào - con phố đông đúc thuộc trung tâm phố cổ Hà Nội - được rất nhiều người say hàng hiệu nhái tìm đến. Dẫn tôi luồn lách vào ngõ hẹp, Hoài Lâm (quận Hoàn Kiếm) đưa tôi lên gác hai một căn nhà gỗ. Cửa mở, căn phòng chừng 16 mét vuông bày la liệt giày dép, túi xách, bóp, dây lưng, mắt kính mang tên các thương hiệu nổi tiếng như Dunhill, Louis Vuitton, Gucci... Sau một hồi lựa chọn, Lâm quyết định mua chiếc túi hiệu Louis Vuitton với nền da là hình lồng của hai chữ L-V. Khách quen, không cần mặc cả, bà chủ ra ngay giá “mềm” nhất: 2,5 triệu đồng. Tôi tròn mắt vì không nghĩ hàng hiệu giá lại rẻ đến vậy. Tủm tỉm cười, cô nàng dẫn tôi đi khỏi chỗ đông người rồi giải thích rằng chiếc túi này chỉ là hàng nhái thôi.
Như để chứng minh lời nói của mình, Lâm kéo tôi vào ngay một cửa hàng gần đó. Quả thật, so với chiếc túi nhái “xịn” của Lâm, đường may của hàng nhái “đểu” rất cẩu thả, chất liệu da thì chỉ cần sờ cũng biết là hàng dỏm.


Nhiều cửa hàng “Made in Vietnam” tập trung cả những thương hiệu lớn như Gap, Zara...

Lâm giải thích, nhu cầu hàng hiệu lớn quá nên việc xuất hiện hàng nhái cũng giải tỏa cho nhiều người “cơn khát” ghiền hàng hiệu khi mà hầu bao không rủng rỉnh. Thật - giả không quan trọng, chỉ cần dáng dấp “ngon” một chút, khi khoác trên người đồ dỏm cũng có thể lòe được khối người.

Công nghệ làm hàng nhái không khó. Nguồn hàng phần lớn được nhập từ Trung Quốc (quần áo thì có cả hàng gia công của Việt Nam). Dân buôn Hà Nội chỉ cần “luộc” sơ qua, dệt nhãn mác của các thương hiệu tên tuổi gắn vào là “OK”. Đến Hàng Bồ, chỉ cần nói sơ qua là người ta biết ngay mình cần gì. Mẫu nhãn mác nào cũng có, thậm chí họ sẽ cung cấp cả một catalogue nhãn mác để khách lựa chọn. Dunhill, Lascote, Louis Vuitton, Bonia, Longchamp hay Valentino, Versace, Guess, Armani, Clack, Gucci... đều được đáp ứng. Bộ sưu tập các thương hiệu nổi tiếng này có thể được trao giải nếu người ta tính đến độ dày của nó. Tất nhiên, độ tinh xảo của các mác nhái không thể bằng hàng thật. Chẳng hạn, mác chiếc áo thun hiệu Lascote mua chính hãng, cái răng của hàng trăm con cá sấu thêu đều sắc sảo như nhau; còn ở mác chiếc áo dỏm, răng cá sấu không rõ nét, cá biệt có con còn bị... móm! Tương tự, các nếp gấp trên túi xách Dunhill, Louis Vuitton không bao giờ nổi cục như hàng nhái, điện thoại Vertu “xịn” ôtô cán qua vẫn bình yên trong khi hàng dỏm chỉ cần rơi xuống đất là pin đi đằng pin, vỏ đi đằng vỏ.

Thực ra việc dùng hàng hiệu không phải là thói quen xấu, nhất là với những người có tiền. Nhưng hàng hiệu có khẳng định được bản thân hay không thì cần xem lại bởi không một mác thương hiệu nào, dù lẫy lừng đến đâu, gắn được vào đạo đức con người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật