Đường sắt trên cao chạm tới nhiều đất “vàng“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giảm ùn tắc giao thông đô thị, đi từ Giáp Bát sang Gia Lâm chỉ mất 23 phút…, để làm được điều này, khoảng 1.711 hộ dân sẽ phải di dời.
Đường sắt trên cao chạm tới nhiều đất “vàng“
Mô hình đường sắt trên cao tại thủ đô Bangkok (Thái Lan)

Giải phóng 125 ha mặt bằng

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số  1 đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên, giai đoạn 1 do Tổng công ty đường sắt Việt Nam “chủ trì” đang bắt đầu những phần việc đầu tiên. Khi tiến hành xây dựng dự án này, ga Hà Nội và ga Giáp Bát chỉ còn giữ lại một phần tàu khách, còn lại sẽ chuyển hết về ga Ngọc Hồi.

Được biết, từ năm 2000, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi của dự án. Năm 2004, báo cáo này được Chính phủ phê duyệt với nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Giai đoạn một của dự án sẽ làm 15,36 km đường sắt với tổng mức đầu tư khoảng 19.460 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016 (tính cả việc xây dựng cầu Long Biên mới). Giai đoạn hai của dự án cũng sẽ kết thúc vào năm 2020.

Theo Ban Quản lý các dự án đường sắt, đại diện chủ đầu tư, để phục vụ cho dự án này sẽ có 1.711 hộ với gần 8.000 người nằm trong diện giải phóng mặt bằng và được bố trí tái định cư. Trong đó, các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa là có số hộ dân di dời nhiều nhất (các phường Cửa Nam, Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Mã, Phương Liên, Phương Mai, Khâm Thiên, Trung Phụng, Văn Miếu). Riêng Long Biên sẽ có khoảng 800 hộ phải di dời bởi tuyến đường sắt trên cao chạy qua quận này là dài nhất.

Dự án còn lấy đất “lẻ tẻ” ở các quận, huyện khác như  Hoàng Mai (phường Hoàng Liệt và Thịnh Liệt), Thanh Trì

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc ban quản lý các dự án cho hay, việc giải phóng mặt bằng sẽ men theo tuyến đường sắt cũ và mở rộng phạm vi ra hai bên, đảm bảo bề ngang của tuyến mới sẽ là 17m32.  Tổng diện tích thu hồi (mới) để xây dựng tuyến đường sắt trên cao là khoảng 125 ha, chưa kể những tuyến ga cũ có sẵn (khoảng 146 ha).

Dự án chạm tới nhiều khu đất “vàng”

Theo phương án tái định cư được TP Hà Nội thống nhất, các  quận nội thành gồm Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm sẽ được tái định cư bằng căn hộ chung cư, huyện Thanh Trì được tái định cư bằng đất. Riêng quận Long Biên, ông Tùng cho hay, hiện chưa thống nhất được phương án cụ thể vì số dân giải phóng mặt bằng ở đây lớn (dự tính sẽ có phương án tái định cư bằng cả hai hình thức là đất và căn hộ chung cư).

Để di dời các hộ dân này, dự án sẽ đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến số tiền lên tới 3.180 tỉ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tính toán ban đầu. Tới đây, với mặt bằng giá mới con số này sẽ còn tăng lên.

Theo khảo sát của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, Bộ Giao thông- Vận tải, trong số các hộ thuộc diện giải toả, nhiều nhà đang nằm ở vị trí đất “vàng”.

Trong đó, 52 hộ dân trong khu vực quận Ba Đình có thể được đền bù cao nhất, đặc biệt là ở đoạn đường Điện Biên Phủ: 57 triệu đồng/m2 tại vị trí số một, các vị trí tiếp theo lần lượt có mức giá là hơn 25 triệu đồng, 19 triệu và 17 triệu/m2. Tại vị trí một đường Trần Phú có giá bồi thường là 51 triệu đồng hay đường Tôn Thất Thiệp mức đền bù cao nhất là 32 triệu đồng…

350 hộ dân nằm  ở vị trí 1 trên đường Lê Duẩn, Phùng Hưng, Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm cũng sẽ được bồi thường từ 35 triệu – 46 triệu đồng/m2; các vị trí còn lại dao động từ 12 triệu – 20 triệu đồng/m2.

Các hộ dân  thuộc quận Đống Đa trong dự án gồm: đang sinh sống trên các đường Lê Duẩn (phía có đường tàu và phía đối diện đường tàu); đường Giải Phóng đoạn đi qua đường tàu; đường Nguyễn Khuyến sẽ được bồi thường từ 9 triệu đến 46 triệu đồng/m2…

“Nhằm tránh tình trạng nhà siêu mỏng xuất hiện sau giải phóng mặt bằng, tất cả các trường hợp bị thu hồi đất ở trong dự án này có phần diện tích còn lại quá nhỏ không đảm bảo xây dựng nhà theo quy định sẽ bị thu hồi hết” – ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam khẳng định./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật