Bó‌c lộ‌t những người khốn khổ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người tìm việc vừa mất sức vừa mất tiền vì tin vào lời quảng cáo tuyển công nhân bốc xếp tại cảng Sài Gòn với thu nhập khá cao trong tờ rơi dán đầy trên các cột điện.

Ông C. (đám đông che khuất) và bà B. (đeo túi) phát chứng minh nhân dân cho mọi người trước cổng số 13, cảng Sài Gòn - Ảnh: Đình Dân

“Cần tuyển gấp 30 nam làm bốc xếp tại cảng quận 4 và quận 7, lương 150.000-250.000 đồng/ngày. Có chỗ ăn, ở. Khi đi nhớ mang theo chứng minh nhân dân (CMND) và quần áo để ở lại...”. Từ nội dung quảng cáo và số điện thoại trong tờ rơi dán trên cột điện gần ngã tư An Sương, tôi được người đàn ông tên H. hướng dẫn đường đến chợ Tân Hương, quận Tân Phú để liên hệ xin việc.

Thay tên, đổi họ

Những tờ tiếp thị lừa đảo dán đầy trên các cột điện - Ảnh: Đình Dân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông C. và bà B. là những người có “số má” trong giới bốc vác tại cảng Sài Gòn. Ông C. không trực thuộc một công ty nào mà chỉ đứng ra liên kết với các tay môi giới việc làm nhận người về rồi chờ công ty nào thuê thì ông đưa nhân công đi làm.

Công ty PV là một trong số những công ty mướn người của ông C. và là công ty mới ký hợp đồng với cảng Sài Gòn.

Tại đây, sau vài câu thỏa thuận sơ sài về công việc sắp tới và hướng dẫn đường đến cảng Sài Gòn cho tôi, H. nói: “Bây giờ em cho anh xin 150.000 đồng tiền giới thiệu việc làm...”. Gần 7g sáng hôm sau, tôi cùng một số người được “cò” giới thiệu việc làm bảo ngồi chờ ông chủ ở cổng 13, cảng Sài Gòn.

Khoảng 30 phút sau, ông chủ tên C. và một bà “phụ tá” tên B. đến. Ngay lập tức, hơn 20 người đang ngồi chồm hổm ở cổng xúm lại. “Bọn mày, đứa nào có hình thẻ đưa cho tao” - ông C. vừa nói vừa rút một xấp vài chục CMND và một tờ giấy ghi danh sách.

Lập tức nhiều người lục tục nộp hình. Ông C. săm soi ảnh của từng người rồi bóc ảnh từ CMND ra để dán thế hình của những người vừa nộp vào. Cứ xong một cái ông lại dặn: “Đây, giờ tên tuổi, quê quán của mày là trong cái CMND này. Nhớ cho kỹ mà vào cổng...”.

Đến lượt tôi, vì không mang theo hình thẻ nên ông C. đành đưa cho tôi một CMND có tên Nguyễn Văn A, sinh năm 1982, quê ở Phong Tân, Giá Rai, Bạc Liêu cùng chiếc áo của Công ty TNHH TM-DV PV. Ông dặn dò: “Nhớ đọc thuộc tên tuổi, quê quán, khoác chiếc áo này để vào cổng, vào xong thì lột ra để tụi nó đưa ra cho đứa khác vào”.

Tại cổng 13 của cảng, mấy anh bảo vệ hỏi từng người: “Sinh năm bao nhiêu? Quê ở đâu?”... Có một số người mặt quá trẻ so với năm sinh hoặc đọc sai tên tuổi, quê quán... trong CMND mà ông C. phát nên không được vào.

Anh Q. cho biết: “Tôi vào đây làm hai ngày rồi. Ngày đầu tiên tui có tên là Nguyễn Thanh, sinh năm 1984, quê ở Bình Thuận. Ngày thứ hai tôi lại có tên Nguyễn Nhật Phi, sinh năm 1990, quê ở Ninh Phước, Ninh Thuận. Cả hai ngày tôi đều vào cổng bằng hai cái CMND của người khác. Tôi vừa làm vừa lo, nếu không may mình đang làm mà bị tai nạn chết chắc cũng không ai biết mình là ai, vì người trong CMND đâu phải là mình...”.

Bỏ cuộc nửa chừng

Vào cảng, bà B. dẫn chúng tôi đến trước cửa một kho hàng rồi nói: “Tụi mày ngồi đây chờ, lúc nào làm tao kêu”. Hơn một giờ trôi qua vẫn không thấy bà B. quay vào. Một số người nằm vật vờ ngủ. Khoảng 9g, một xe tải trờ tới, cả nhóm bốc vác bắt đầu công việc sau cái ngoắc tay của bà B.. Trong chuyến vác hàng đầu tiên này, chúng tôi phải vác 27 tấn phân D.A.P, mỗi bao nặng 50kg. Trong kho, bụi phân đạm mịt mù, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Hàng chục con người không một dụng cụ bảo hộ, chỉ lác đác vài người được phát mấy chiếc áo của Công ty PV quần quật với công việc.

Thỉnh thoảng lại có người ôm đầu đau đớn vì bị những bao phân kết cứng như đá va vào đầu. Anh D., một người làm bốc vác thâm niên ở đây, nói: “Có nhiều thằng vừa mới vào vác được mấy bao, do không quen gặp bao phân kết cứng đập cho u đầu, chảy máu đành bỏ về luôn. Có nhiều thằng trẹo vai, trẹo cột sống cũng ráng làm hết ngày để mong được nhận ít tiền nhưng rồi đành bỏ cuộc...”.

Bốc được hơn nửa xe, bà chủ gọi tôi và sáu người nữa qua một kho khác. Tại đây, bảy người chúng tôi phải bốc đủ 14 tấn phân, tương đương với 280 bao phân đạm D.A.P từ trong kho lên xe tải. Khoảng 16g, nhóm bốc xếp chúng tôi được nghỉ sau khi đã bốc được hơn 130 tấn phân. Tôi xin nghỉ luôn vì không làm nổi nữa và xin tiền công sau bmột ngày ốc vác thì ông C. phán: “Làm ở đây mỗi tuần lãnh tiền một lần. Hôm nay mày bốc 130 tấn chứ 300 tấn cũng không có tiền. Cứ làm đủ bảy ngày mày mới được lãnh tiền, cho dù mày làm sáu ngày rồi nghỉ tao cũng không trả một cắc”.

Thực tế, cả tôi và những nhân công mới xin việc đều không nghe ông C. hay những người “môi giới” nói rõ về thỏa thuận tiền công trước khi vào làm. Chính sự thỏa thuận ban đầu không rõ ràng này mà suốt mấy năm nay, có rất nhiều người vào cảng làm không công vài ngày rồi đành bỏ cuộc.

Tiền công uất ức

H.N.H., sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể: “Một lần đi trên đường Quang Trung, quận 9, tôi đọc được tờ rơi trên cột điện thấy làm ở đây lương một ngày được 150.000-250.000 đồng. Tôi tính vào làm tạm vài ngày thì cũng kiếm được ít tiền lo việc học, ai ngờ vào đây mới biết thực tế tiền công không cao như trên, thậm chí ngày chỉ được hơn 40.000 đồng”.

H. kể sau khi đọc quảng cáo, anh gọi đến số điện thoại ghi trên tờ rơi và gặp một người đàn ông tên Đức. Người này chỉ dẫn H. tới chợ Tân Hương để nhận việc. Lúc đến nhận việc H. chỉ mang theo 100.000 đồng và mấy bộ quần áo cũ. “Vì thấy giới thiệu là bao ăn, ở miễn phí mà” - H. ngậm ngùi kể.

Đến chợ Tân Hương, Đức dẫn H. vào quán cà phê và chỉ đường đến cảng Sài Gòn cũng như cách thức nhận việc rồi đòi anh trả 150.000 đồng tiền quần áo, thẻ... vào cảng. “Mình nghĩ cũng có lý, vào cảng thì phải được trang bị áo, mũ, thẻ nhân viên chứ. Nhưng mình lúc đó chỉ còn không đủ 100.000 đồng. Ông Đức cứ liên tục gợi ý, em đưa cho anh 50.000 đồng và chiếc điện thoại di động anh cầm cho, bao giờ có tiền đến chuộc lại”.

Người đàn ông này còn hứa sẽ trả lại tiền và điện thoại khi kết thúc công việc, H. đành nghe theo. Đi làm được vài ngày, H. đã tính xin nghỉ việc vì làm không nổi. “Tôi hỏi tiền công hai ngày làm thì bà B. quát không làm được thì biến đi, không trả tiền. Trong người cũng không còn tiền về xe buýt nên mình đành ráng ở lại làm” - H. kể.

Cũng như H., N., sinh viên năm 2 Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM, ôm hi vọng kiếm tiền đóng học phí như lời giới thiệu trong mấy tờ giấy dán ở cột điện nên lao thân vào cảng để tìm việc. “Quảng cáo kêu là bao ăn ở nhưng tiền cơm thì bị trừ vào tiền công, tiền nhà trọ hằng tuần là 30.000 đồng/người. Phòng chỉ rộng khoảng 16m2 và một cái gác mà đến hơn 20 người chen nhau nằm. Tình trạng mất cắp, đánh lộn... trong phòng là chuyện xảy ra như cơm bữa” - N. nói.

Chỉ trong vòng hai tuần mà H. và N. đã chứng kiến có gần chục người đến làm được 3-4 ngày, không làm nổi nữa đành ra về tay không. Coi như mất 150.000 đồng cho “cò” và bỏ công cả mấy ngày đau thân xác vì bốc vác hàng trăm tấn hàng hóa. Trong số đó có ba người bạn của H. là L., T. và D. cùng là sinh viên năm 4 khoa cơ khí máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phải bỏ cuộc nửa chừng vì kiệt sức. Còn H., dù ráng bám trụ lại nhưng: “Tiền thì khoảng hai tuần mới trả một lần, mỗi ngày ông chủ cho ứng nhiều nhất là 50.000 đồng. Sau hai tuần, trừ hết chi phí, tôi chỉ còn nhận được 400.000 đồng”.

Xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng CMND giả mạo

Ông Lý Đức Hiếu - phó trưởng phòng hành chính tổng hợp, Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn - cho biết ở cảng Sài Gòn có ba loại công nhân bốc xếp chính:

- Loại thứ nhất: ký hợp đồng thời hạn hoặc không thời hạn với tổng giám đốc cảng Sài Gòn. Đây là những công nhân làm thường xuyên ở cảng, họ có tay nghề.

- Loại thứ hai: tổng giám đốc cảng ủy quyền cho giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ và dịch vụ ký hợp đồng thời vụ để giải quyết trong thời gian ngắn.

- Loại thứ ba: khi cảng không đủ người để làm, nghĩa là công nhân hai dạng trên không đủ để đáp ứng khối lượng công việc, cảng sẽ thuê các công ty xếp dỡ hoặc hợp tác xã xếp dỡ ở bên ngoài đem công nhân của họ đến để làm. Còn một loại nữa là hàng hóa đặc biệt mà chủ hàng yêu cầu công nhân riêng của họ.

Đối với công nhân loại một và loại hai, cảng trả lương một tháng hai lần (một lần tạm ứng và một lần trả trọn). Còn loại ba, cảng chỉ ký hợp đồng với công ty bốc xếp, công ty hợp đồng với công nhân như thế nào là chuyện của họ, cảng không chịu trách nhiệm. Công nhân của Công ty PV là công nhân loại ba, cảng chỉ ký hợp đồng với phía công ty chứ không ký hợp đồng với công nhân.

Còn việc sử dụng CMND giả để vào cảng là có. Hiện mỗi ngày có cả mấy ngàn người vào cảng nên rất khó kiểm soát. Mỗi người khi vào cảng đều phải để giấy tờ tùy thân lại ở cổng, bởi cảng là nơi cửa khẩu có thể có những người vào cảng leo lên các tàu nước ngoài để vượt biên, ăn cắp tài sản hoặc làm những việc đen tối khác..., nếu không giữ giấy tờ họ lại thì rất nguy hiểm. Ngay sau khi biết thông tin này, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra CMND của công nhân ở cổng và cương quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp sử dụng CMND giả mạo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật