Theo chân những người “vật lộn với lửa“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghe tiếng còi “bí bô“ cứu hỏa, ít ai biết được sự vất vả, hiểm nguy của người lính làm nhiệm vụ đặc biệt này. Không chỉ chứng kiến, họ còn phải vật lộn với sự rát bỏng của lửa, tìm cách cứu người sống, bảo toàn thân xác cho người chết...
Theo chân những người “vật lộn với lửa“
hiện trường tan hoang sau vụ cháy.

Cháy! Gia Lâm! To lắm!

20h30’ tối 11/9/2009, Hà Nội mưa trắng trời. Bỗng tiếng còi xe cứu hỏa rú lên. Ai đó chép miệng: "Lại cháy rồi". Vừa lúc điện thoại reo: "Cháy! Gia Lâm. Từ cầu Thanh Trì là nhìn thấy. To lắm". Cúp máy. Phỏng đoán cháy to rồi nên các đội phải chi viện, nên mới có xe cứu hỏa chạy qua khu vực này, chúng tôi cũng vội vã lên đường.

Đến đoạn rẽ vào đường 5, thấy xe cứu hỏa từ hướng Đông Anh rẽ vào, chúng tôi bảo nhau cứ bám theo cái xe này sẽ tới được địa điểm xảy ra cháy. Mưa nặng hạt, quất vào mặt rát rạt. Chúng tôi rạp người bám theo xe cứu hỏa phía trước. Mục đích là phải chạy theo xe cứu hỏa kia, không thì sẽ mất thời gian tìm địa điểm. Chiếc xe máy mỏng manh, lắc qua lắc lại, run lẩy bẩy như răng bà lão. Khổ thân chúng tôi, chỉ vài phút sau, cái xe cứu hỏa đã chạy vút vào bóng mưa, chả thấy tăm dạng đâu nữa. Tiếng còi xe cứ xa dần rồi mất hẳn. Họ chạy nhanh thế, làm sao mà chúng tôi theo kịp cho được.

May, đến cầu Thanh Trì, đoạn rẽ đi Lạng Sơn, chúng tôi hỏi được một người đi đường, họ bảo cháy ở khu công nghiệp Phú Thị, cách đấy 2km. Thấy cảnh sát giao thông hối hả làm nhiệm vụ, anh bạn đồng nghiệp thở hắt ra: "Đây rồi", rồi rẽ vào. Bụp, bụp,  kèm theo những tiếng nổ rất lớn là lửa bùng lên cao tới hàng chục mét, sau đó là khói đen ngùn ngụt bốc lên.

"Đầu đinh" bất đắc dĩ

Góc ngã ba, mấy anh cảnh sát chạy đôn chạy đáo, miệng hét đến lạc giọng: "Gọn vào đi, bà con cho xe gọn vào, khẩn trương". "Không để xe ở đây được, không đứng tụ tập ở đây. Đề nghị giải tán". Mưa đã ngớt, mình mẩy mấy anh cảnh sát ướt nhẹp.

Tôi năn nỉ thế nào, mấy anh bảo vệ của công ty bò sữa gì đấy cũng nhất quyết không cho gửi xe máy vào khu vực cơ quan. Họ bảo cháy to thế kia, nhỡ lan sang công ty họ, thì họ phải có phương án chữa cháy, cho gửi xe, lúc đấy làm thế nào? Cực chẳng đã, chúng tôi mang xe sang khu vực trống của một công ty đang xây dựng, gửi mấy anh thợ xây đang đứng "hóng hớt".

Cứu hỏa kho sơn, đôi ủng cứu hỏa lấm lem.

Khu vực cháy chỉ có ánh sáng ở cột lửa thỉnh thoảng bùng lên và ánh sáng lập lòe từ đèn hiệu của xe ô tô làm nhiệm vụ trong đó. Chiếc xe ô tô con mang biển xanh của lãnh đạo cơ quan PCCC cũng vun vút lao vào, trực tiếp chỉ đạo chữa cháy. Đây là Công ty TNHH Xuân An, chuyên sản xuất sơn. Phía trong bao gồm nhiều loại hóa chất, nguyên vật liệu sản xuất sơn, máy móc thiết bị để sản xuất, nhà xưởng lại là mái tôn khung thép đã nhanh chóng đổ sập nên việc chữa cháy vô cùng khó khăn.

Lực lượng PCCC đã huy động 19 xe chữa cháy, gần 200 cán bộ chiến sĩ. Phía trước cổng công ty, một số người dân cho biết, lúc trước cột lửa bốc cao phừng phừng, giờ (0h) là dịu đi nhiều rồi. Xe của công ty môi trường hỗ trợ nước cũng sầm sập lao đến, tất cả cuồn cuộn, gấp gáp.

Một chiếc xe con lao vào cổng công ty, lực lượng chức năng nhanh chóng dừng chiếc xe lại. Người đàn bà xuống xe, chiếc xe phải rời khỏi hiện trường theo quy định. Nhiều người chỉ trỏ: "Giám đốc công ty đến", người khác lại bảo: "Không phải đâu, giám đốc công ty này là đàn ông".

Chẳng biết, chỉ thấy nét mặt buồn rười rượi của người phụ nữ. Chị đứng sát cánh cổng công ty. Hướng vào phía trong. Mấy anh em báo chí định tiến lại hỏi han vài câu. Nhưng sau đó, lại chẳng ai hỏi gì. Giờ chỉ còn biết cầu mong lực lượng PCCC sớm thu phục được giặc lửa.

Thượng tá trưởng phòng CS PCCC - CA TPHN Tô Xuân Thiều thổ lộ: Vụ cháy tại Công ty TNHH Xuân An kéo dài nhiều giờ đồng hồ, nhìn anh em chiến sĩ lao vào rồi lại lao ra, rồi lại lao vào, giống như hình ảnh những con chim cốc bị ướt nước biển. Kết thúc vụ cháy, có chiến sĩ bị đinh nóng xuyên vào chân, có chiến sĩ bị ngất, bị ngạt. Bây giờ thì có rất nhiều chiến sĩ có cái đầu đinh bất đắc dĩ. Vì sơn dính vào tóc, không có loại dầu gội đầu nào làm sạch cho được.

Cháy ga Giáp Bát, những chuyện chưa kể

Chúng tôi tìm xuống đội CS PCCC Thanh Trì. Trung tá đội phó Trần Bá Tiến vừa dẫn anh em trở về sau vụ chữa cháy. Tôi hỏi: "Bập bập nói dại, giờ có cháy nữa anh có dẫn anh em đi "chiến" tiếp được không?". Anh trung tá cười: "Cháy là chúng tôi lên đường".

Tôi hỏi Thiếu tá đội trưởng Đỗ Anh Quyến về những vụ cháy các anh đã tham gia giải quyết. Anh Quyến nói cho tôi nghe về vụ cháy ở kho hàng ga Giáp Bát với một giọng chậm và buồn.

Hôm xảy ra cháy ga Giáp Bát là vào thời điểm hết giờ làm việc. Anh em nhiều người đã ra về. Nhận lệnh, tất cả đều quay lại xuất kích cùng các anh em trong tổ trực. Vụ cháy đó đội Thanh Trì phải huy động hơn 50 anh em chiến sỹ của đội, phải nhờ hỗ trợ giúp đỡ của đội CSGT số 4, công an quận Hoàng Mai, công an phường Thịnh Liệt...

Đứng mũi chịu sào, chỉ huy bao giờ cũng phải vào đầu tiên, tìm hiểu xem có hóa chất kị nước không, xem có nguy cơ công trình sụp đổ không. Tất nhiên, chỉ bằng cảm quan, và bằng công tác trinh sát, bằng kinh nghiệm.

"Chúng tôi vào, nhìn thấy những xác chết, nhìn tư thế chết khẳng định ngay những người này không phải tìm cách thoát thân về phía cửa mà là chết tức thì. Sau, viện KHHS BCA giám định có thuốc đạn nổ gây chết ngay. Thuốc phóng này bản thân đã rất nóng. Vừa gây mất oxy, vừa gây bỏng khủng khiếp. Đứng đâu là chết đó ngay lập tức, không thể chạy nổi".

Lúc đó, do sức nóng, thịt chín, xác người chết trương sình, phồng lên to tướng. Khi nào xác nổ mới xẹp xuống. Nếu phun trực tiếp nước vào, sợ da thịt họ sẽ rữa ra, bay đi hết. Theo phong tục tập quán Việt Nam, chết không toàn thây gia đình người chết sẽ không yên tâm. Vậy là anh em chọn giải pháp phun từ trên cao như mưa và tiếp cận dần. Không thể phun nước xối xả như những vụ khác. Bọn mình phải cố làm sao cho đỡ tủi thân người chết".

"Khi khiêng xác, mình thấy xác đã rụng rời khuỷu tay, khuỷu chân vô cùng thương tâm" - thiếu tá Quyến trầm giọng, "còn điều nữa là xác chết cháy này có mùi rất tiêu biểu và đặc biệt, tanh kinh khủng".

Đến 12h đêm mới xong, trở về đơn vị, bất chợt nhìn thấy trên giỏ xe nhiều chiến sĩ, còn lủng lẳng cặp sách của con. Có xe, là mớ rau chưa kịp mang về cho vợ. Lúc này, anh em rất mệt, rất đói. Bụng dạ cồn cào nhưng không ai ăn được. Đến sáng hôm sau, những cậu lính trẻ còn không buồn cười đùa như mọi khi. Nhìn mặt anh em chiến sĩ, mỗi người mỗi tâm trạng. Nhưng đều có một tâm trạng chung là buồn. Rất buồn...".

"Chúng tôi đã tham gia chữa cháy rất nhiều vụ, không phải là chưa bao giờ tiếp xúc với xác chết cháy. Nhưng quả thật, những xác chết cháy ở kho hàng Giáp Bát rất kinh khủng và thương tâm. Đến tận bây giờ hình ảnh những người chết cháy ấy vẫn in đậm trong tâm trí tôi".

Thiếu tá Đỗ Anh Quyến

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật