Ông gác đền có 100 người con

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Mãi nhìn thằng bé hơn 10 tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, có độc cái quần rách tơi tả mà không cầm nổi nước mắt...
Ông gác đền có 100 người con
Ông Mãi và những người con nuôi, cháu nuôi hiện đang ở cùng.

Hồi ông Nguyễn Văn Mãi trông nom ngôi đền Trần Quốc Bảo, ngôi đền bé xíu, nằm giữa một bãi đất, dưới chân núi. Để khách đến thăm có nơi nghỉ chân và để ông cháu có chỗ ở đàng hoàng, ông cùng bọn trẻ "cải tạo" lại ngôi đền liên tục nhiều năm liền. Ông san đất, xây dựng thêm một số công trình bên cạnh như nhà ở, phòng học, nhà ăn, nhà bếp…

Ông Nguyễn Văn Mãi. 

Ngày bọn trẻ đến trường học thì ông đi làm thuê, tối ông lại chong đèn dạy học thêm cho chúng. Kiến thức ông dạy chủ yếu là giáo lý nhà Phật, để bọn trẻ rèn tâm đức. Đứa nào sáng dạ, ông dạy thêm chữ Hán. Với tình thương và sự tận tình bền bỉ của ông, bọn trẻ đều nghe lời ông, sửa dần tính nết và trở thành người có ích.

Không ít con nuôi, cháu nuôi của ông giờ rất thành đạt. Anh Hoàng Văn Sơn là giám đốc một ngân hàng ở Hải Phòng, anh Nguyễn Văn Dũng là Phó phòng Vật tư nhà máy đóng tàu Nam Triệu (thuộc Tập đoàn Vinashin). Rồi anh Thanh, Minh, Nghĩa, Tình, Ba, Lý… đều được ông nuôi ăn học, đỗ vào các trường đại học ở Hải Phòng, Hà Nội, giờ đều thành đạt, có địa vị xã hội.

Tất cả những người  được ông nuôi dạy, nếu thi không đỗ đạt, ông đều tạo điều kiện cho đi học nghề, rồi ông xin cho làm công nhân ở các nhà máy lớn quanh vùng như nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Phà Rừng, nhà máy ximăng Chinfon Hải Phòng, nhà máy Đất đèn hóa chất Minh Đức…

Lãnh đạo của những nhà máy này đều biết rõ việc làm  không chút vụ lợi của ông Mãi với trẻ lang thang, bất hạnh, nên khi ông đưa người đến xin việc, họ đều sắp xếp cho một công việc phù hợp.

Ông Mãi và người con nuôi Bùi Văn Dũng. 

Còn nhớ ngày bố mẹ hai anh em Bùi Văn Mạnh, Bùi Văn Minh đều chết vì AIDS khi hai em còn rất nhỏ.

Mọi người trong gia đình, làng xóm đều lánh xa, vì nghĩ hai đứa trẻ này cũng có thể mắc căn bệnh thế kỷ từ bố mẹ.

Biết chuyện, ông Mãi đã đưa Mạnh và Minh về nuôi dưỡng, dạy dỗ rồi xin cho làm công nhân ở nhà máy Chinfon Hải Phòng.

Rồi em Lưu Văn Trường, cũng có hoàn cảnh éo le, bố Trường  bỏ  hai mẹ con em đi lấy vợ mới, rồi  đến lượt mẹ Trường cũng bỏ em đi lấy chồng khi em mới chập chững biết đi. Trường phải ở với ông bà ngoại. Thế nhưng, vài năm sau, ông bà đều chết vì bạo bệnh. Trường lại về ở với người bá cô độc. Nhưng rồi, bi kịch lại giáng xuống đầu em lần nữa khi người bá qua đời vì bệnh ung thư.

Không còn ai nuôi dưỡng, một người trong xóm bế em đến đền giao cho ông Mãi. Ông Mãi nhìn thằng bé hơn 10 tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, có độc cái quần rách mà không cầm được nước mắt. Từ đó Trường về ở bên ông Mãi, ngày ngày ông cho Trường đến lớp học.

... và người cháu nuôi Trần Văn Dũng. 

Ông Mãi nuôi Trường ăn học hết phổ thông, hướng dẫn Trường đi học nghề, rồi xin cho vào nhà máy đóng tàu Phà Rừng làm công nhân có thu nhập ổn định.

Sau khi tổ chức cưới vợ cho Trường, ông Mãi lại bỏ tiền tu sửa căn nhà bỏ hoang của ông bà ngoại để vợ chồng Trường co căn nhà riêng. 

Khi tôi ngồi nói chuyện với những người được ông cưu mang, họ cứ nhắc mãi về chuyện có những ngày ông nhịn cơm để cho đàn con cháu của mình được no bụng vì có hôm không kiếm đủ tiền đong gạo...

Năm nào cũng vậy, ngày Tết ở ngôi đền Trần Quốc Bảo cứ như ngày hội vì con cháu của ông Mãi tính ra cả trăm người khắp tứ phương đổ về quây quần bên ông. Tết này, ông không ở đền nữa, khu xóm nhỏ sau vách núi Phượng Hoàng sẽ là nơi đoàn tụ của những người từng được ông cưu mang dạy dỗ nên người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật