Vị “Bồ tát sống“ dưới chân núi Phượng Hoàng

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một ông già, nửa cuối cuộc đời ăn chay niệm Phật, dành hết công sức, tâm huyết nuôi dạy những đứa trẻ bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ. 100 đứa trẻ, trong đó có nhiều đứa từng rất hư đốn, bất hạnh giờ đã thành cán bộ có chức sắc, địa vị trong xã hội. Ông là Nguyễn Văn Mãi ở Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Vị “Bồ tát sống“ dưới chân núi Phượng Hoàng
Cứu một mạng người hơn xây mười tòa tháp.

Đến thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng), hỏi đền thờ Trần Quốc Bảo, không phải ai cũng biết, nhưng hỏi ông Nguyễn Văn Mãi, người giữ đền, thì không ai ở cái thị trấn nhỏ bé, quanh năm ngập chìm trong khói bụi ximăng này là không biết. Với người dân Minh Đức, ông Mãi chính là hiện thân của một ông Bụt, một vị Bồ Tát thời hiện đại.

Đền thờ Trần Quốc Bảo. 

Bao nhiêu năm nay, hễ có đứa trẻ nào quanh vùng gặp hoàn cảnh bất hạnh, éo le, đều được người dân đưa vào đền cho ông Mãi chăm sóc, nuôi dưỡng. Thậm chí, những ông bố bà mẹ không dạy được con, cũng dắt đến phó mặc cho ông. Dưới mái đền thiêng, cùng tấm lòng bao dung độ lượng, ông đã che chở, nuôi dưỡng cho hàng chục số phận bất hạnh và gieo mầm thiện cho những đứa trẻ hư hỏng, càn quấy.

Bước vào ngôi đền khang trang ngay dưới chân núi Phượng Hoàng, tôi hỏi thăm ông Nguyễn Văn Mãi, thì được 3 cụ già trông đền mời vào uống nước. Cụ Cường, người trông giữ ngôi đền bảo: “Cụ Mãi năm nay 83 tuổi, đã già yếu, nên lãnh đạo xã mời cụ về nghỉ ngơi, giao lại cho chúng tôi trông giữ ngôi đền này. Ngôi đền có được như ngày hôm nay là nhờ cụ Mãi đấy, chúng tôi chưa làm được gì cả. Chúng tôi cũng không đủ điều kiện để tiếp tục nuôi dạy các cháu lang thang nữa”. Thế rồi, các cụ chỉ cho tôi đường vào nhà ông Mãi, nằm tít tận phía bên kia của một ngọn núi trong dãy Phượng Hoàng.

Hàng ngày, ông Mãi dậy rất sớm để quét đường, quét ngõ thật sạch. 

Ông cụ Mãi cao lênh khênh, gầy tong teo chậm rãi cầm chiếc chổi cán dài quét lẹt quẹt dọc con đường nhỏ bên bờ mương dẫn vào ngôi làng. Ông bảo, ngày trước, sáng nào cũng dậy từ 3 giờ sáng để quét đền, đến giờ thói quen ấy vẫn giữ. Không quét đền thì ông quét đường, quét ngõ, quét đi quét lại đến sạch bóng mới thôi.

Ông Nguyễn Văn Mãi sinh năm 1927. Ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, ông tham gia bộ đội ở Ký Con Hải Phòng, thuộc Sư 350, đóng ở Đông Triều, Quảng Ninh. Trong một trận đánh ở Thái Bình, ông bị giặc bắt rồi bị tù đày ở Phú Quốc.

Ngôi đền Trần Quốc Bảo khang trang như ngày hôm nay chủ yếu nhờ bàn tay ông Mãi. 

Sau năm 1954, ông được trả tự do, rồi về công tác ở Ủy ban Quân chính, tiếp quản TP. Hải Phòng. Ông được phân công công tác ở Sở Bưu điện Hải Phòng. Hồi giặc Mỹ đánh phá Hải Phòng, cơ quan ông sơ tán về huyện Thủy Nguyên, rồi ông chuyển sang phụ trách bưu điện ở huyện này.

Năm 1982, về hưu, các cụ trong xã Minh Đức đề nghị ông trông nom ngôi đền thờ Trần Quốc Bảo, xây dựng từ thế kỷ 13. Trần Quốc Bảo là cháu vua Trần Nhân Tông, một vị tướng trẻ đời Trần, có nhiều công lao trong trận đánh với quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Trong một trận hỏa công, vị tướng này đã hy sinh và được an táng trên núi Phượng Hoàng.

Ngay khi nhận trông coi ngôi đền này, ông Mãi đã phát tâm nguyện theo Phật, suốt đời ăn chay, làm việc đức. Ông đi khắp huyện, ra tận TP. Hải Phòng tìm những đứa trẻ bất hạnh, lang thang, xin ăn đem về nuôi dưỡng, dạy dỗ. Để nuôi được hàng chục đứa trẻ cùng lúc, đồng lương hưu chẳng thấm vào đâu, ông phải chỉ đạo bọn trẻ, rồi cùng chúng lao động quần quật để có được miếng ăn.

Ông cụ Mãi và một đứa bé lang thang. (Ảnh chụp từ 15 năm trước.) 

Hồi đó, ban ngày, ông đi quay mì sợi cho bà Lập ở thị trấn Minh Đức để kiếm tiền. Xong việc, ông lại vào rừng trên dãy núi Phượng Hoàng hái những cây thuốc như tanh tách (sâm nam), đỗ xương, tang ký sinh đa, tang ký sinh hồng… về phơi khô, xao vàng để bán lại cho cụ Cúc, một thầy thuốc người Trung Quốc sống ở địa phương. Cũng nhờ việc nhiều năm đi lấy thuốc bán, mà ông đã học được nhiều bài thuốc quý để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hoặc bán thuốc kiếm thêm tiền nuôi bọn trẻ.

Từ sáng sớm đến đêm, không lúc nào đôi tay ông Mãi chịu ngơi nghỉ. Ông đi đập đá thuê kiếm tiền, rồi vác gạo cho những ông chủ sà lan trên sông Bạch Đằng để họ cho mót gạo rơi vãi, về sàng sảy lọc sạn, ông cháu nấu cơm cháo cùng ăn.

Mùa hè, không phải đi học, bọn trẻ cùng ông lặn ngụp mò trai, mò hến, mò tôm cá dưới sông, móc cua ngoài đồng làm thức ăn, ăn không hết thì đem bán kiếm tiền. Thời gian còn lại lên núi cắt lá bán cho những người gói bánh gai.

Ông cụ Mãi và cô cháu nuôi. 

Ông Mãi vào một lò bánh mỳ ở thị trấn Minh Đức mua chịu hào tám một cái bánh mỳ, phân phát cho bọn trẻ đi bán rong khắp làng xóm, khu phố. Mỗi cái bánh mỳ bán được hai hào, như vậy lãi hai xu. Chiều tối, bọn trẻ về đền, ông gom tiền đem trả cho chủ lò, rồi lấy phần lãi mua đồ ăn, sắm quần áo cho bọn trẻ, mua sách vở, đóng tiền học cho chúng. Có thời điểm một nách nuôi mười mấy đứa trẻ, song chưa từng có bất cứ một đứa trẻ nào thất học khi sống và lớn lên trong ngôi đền này với ông.

Với ý nghĩ, cứu một mạng người hơn xây 10 tòa tháp, ông Nguyễn Văn Mãi biến ngôi đền thành nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ cho 100 đứa trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Từ mái đền lạ này, 100 đứa trẻ, trong đó có nhiều đứa từng rất hư đốn, rất bất hạnh, giờ đã thành cán bộ có chức sắc, địa vị trong xã hội. Nhiều người dân yêu quý gọi ông là vị "bồ tát sống"...

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 506
  1. Ông gác đền có 100 người con
Video và Bài nổi bật