Sẽ không chấm điểm một số môn ở tiểu học

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không tạo áp lực cho cả HS và giáo viên trong quá trình đánh giá và xếp loại. Ở một số môn học sẽ không đánh giá bằng điểm số. Khi nhận xét, giáo viên không được dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh.
Sẽ không chấm điểm một số môn ở tiểu học
HS lớp 1 Trường tiểu học Đông Ngạc, Hà Nội trong ngày khai giảng năm 2008. Ảnh: Bích Ngọc

Theo dự thảo Thông tư Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học vừa được Bộ GD-ĐT giới thiệu, các môn học không phải chấm điểm số mà được đánh giá bằng nhận xét gồm: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công (lớp 1, 2, 3), Kĩ thuật (lớp 4, 5) và Thể dục.

Kết quả học tập của học sinh không ghi nhận bằng điểm mà bằng các nhận xét theo nội dung của từng môn học. Các nhận xét được ghi nhận bằng việc thu thập các chứng cứ trong quá trình học tập và hoạt động của học sinh.

Các môn học sẽ được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét gồm: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học.

Nhận xét của giáo viên sẽ đánh giá về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng. Không dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh.

Số lần kiểm tra thường xuyên (KTTX) tối thiểu trong một tháng, cụ thể: Môn Tiếng Việt: 4 lần; môn Toán: 2 lần; môn Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Tiếng nước ngoài, Tiếng Dân tộc, Tin học: 1 lần/môn.

Số lần kiểm tra định kì (KTĐK) được quy định: Môn Tiếng Việt, môn Toán mỗi năm học có 4 lần KTĐK vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học; mỗi lần KTĐK môn Tiếng Việt có 2 bài kiểm tra: Đọc, Viết; điểm KTĐK là trung bình cộng của 2 bài (làm tròn 0,5 thành 1);

Môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học mỗi năm học có 2 lần KTĐK vào cuối kỳ I và cuối năm.

Học sinh có điểm KTĐK bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ số điểm KTĐK đều được kiểm tra lại.

Thông tư này quy định việc đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, bao gồm: đánh giá và xếp loại hạnh kiểm; đánh giá và xếp loại học lực; sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại; tổ chức thực hiện.

Mục đích của việc thực hiện đánh giá và xếp loại là phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự tin của học sinh, góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích học sinh học tập chuyên cần, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục đối với tất cả trẻ em trong độ tuổi giáo dục tiểu học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật