Lo ngại “máy tính máu”, “điện thoại máu”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Kim cương máu” là thuật ngữ chỉ các loại kim cương được khai thác ở những vùng chiến sự để cung cấp tài chính cho các cuộc chiến tranh đẫm máu, đặc biệt là tại châu Phi. Giờ đây người ta đang nhắc đến những thuật ngữ mới: “máy tính máu”, “điện thoại máu”.
Các nhóm vũ trang Congo bán kim loại để nuôi chiến tranh - Ảnh: Time

Các tỉnh bắc và nam Kivu tại miền đông CHDC Congo rất giàu kim loại quý như cassiterite, wolframite, coltan và vàng... những nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hàng điện tử, từ máy tính, điện thoại di động, đến MP3 và đầu điện tử playstation. Tuy nhiên, miền đông Congo cũng là một vùng chiến sự vô cùng ác liệt giữa quân đội chính phủ và các nhóm vũ trang thuộc Lực lượng dân chủ vì độc lập của Rwanda (FDLR) kể từ năm 1996. Suốt 12 năm qua, cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 triệu người và chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.

Chính phủ và phiến quân bắt tay

Chờ thiện chí của các tập đoàn

Global Witness không cáo buộc các tập đoàn điện tử hoạt động bất hợp pháp, nhưng yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn minh bạch cao hơn để nắm rõ nguồn gốc các loại nguyên liệu sản xuất và kiểm soát các giao dịch thương mại tại những vùng chiến sự như Congo. Nhà nghiên cứu Carina Tersakian của Global Witness khẳng định: “Nếu các tập đoàn nghiêm túc trong việc giao dịch một cách sạch sẽ, họ có đủ công cụ để thực hiện”.

Cuối tuần trước, Global Witness - tổ chức phi chính phủ - đã lật tẩy đường đi của các viên “kim cương máu” đưa ra báo cáo cho biết các kim loại quý trên từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp tiền mặt để nuôi dưỡng cuộc chiến đẫm máu ở Congo.

Các nhóm vũ trang biến thường dân trở thành nô lệ, làm việc quần quật cả ngày đêm tại các khu mỏ mà không được nhận dù chỉ một đồng xu tiền lương. “Chúng tôi chỉ là những miếng thịt thôi, còn bọn chúng là những con thú khát máu”, báo cáo dẫn lời một công nhân mỏ ở tỉnh Nam Kivu.

Theo Global Witness, dù giao tranh ác liệt nhiều năm qua nhưng quân đội Congo và FDLR lại âm thầm bắt tay hợp tác để khai thác kim loại. Global Witness khẳng định quân đội Congo và FDLR thường xuyên cung cấp cho nhau đường đi hoặc sân bay để vận chuyển kim loại, thậm chí còn chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động buôn bán. Mạng lưới buôn bán kim loại rất rộng lớn và đem lại lợi nhuận cao. Một báo cáo chính thức của chính quyền Congo tiết lộ ít nhất 90% lượng vàng xuất khẩu từ Congo không hề được khai báo hải quan.

Từ Congo, các loại kim loại này được buôn qua bán lại qua nhiều công ty, rồi kết thúc cuộc hành trình tại các nhà máy sản xuất hàng điện tử trên toàn thế giới mà không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều này có nghĩa khi một khách hàng đặt chế độ máy điện thoại rung, chức năng có được nhờ wolframite, người đó không thể biết rằng wolframite mà mình đang sử dụng bắt nguồn từ miền đông Congo, nơi diễn ra hàng triệu vụ giết chóc khủng khiếp. Nói cách khác, những chiếc “máy tính máu” hay “điện thoại máu” giờ đang được bán nhan nhản trên thị trường toàn cầu.

Điểm mặt 240 đại gia

Báo cáo của Global Witness điểm tên khoảng 240 công ty đa quốc gia trong các ngành khai thác mỏ, kim loại và phát triển công nghệ có dính líu đến hoạt động buôn bán này. Trong đó, có bốn “đại gia” công khai làm ăn trong lĩnh vực này là Thailand Smelting and Refining Corp. (thuộc Tập đoàn Kim loại tổng hợp Anh - AMC), Afrimex của Anh, Trademet và Traxy của Bỉ. Global Witness cũng đặt câu hỏi về vai trò của các đại gia hàng điện tử như Hewlett-Packard, Nokia, Dell và Motorola... trong mạng lưới tiêu thụ, sản xuất các loại kim loại nhập từ Congo.

Các công ty có tên trong sổ đen của Global Witness đã phản ứng dữ dội. AMC tuyên bố “báo cáo có nhiều sai lệch” và lo ngại “thái độ của Global Witness sẽ dẫn đến một lệnh cấm giao dịch không có lợi cho Congo cả về kinh tế, chính trị, xã hội xét về trước mắt cũng như lâu dài”.

Giám đốc điều hành Traxys Mark Kristoff cho biết Traxys đã ngừng giao dịch với CHDC Congo kể từ tháng 5-2009 và các giao dịch của Traxys với Congo trị giá chỉ khoảng 50 triệu USD, tức chỉ bằng 1% tổng giá trị giao dịch của công ty. Phản ứng lại, người phát ngôn của Global Witness cho biết việc một công ty ngừng giao dịch với Congo không thay đổi một thực tế là họ đã giao dịch vào thời điểm Global Witness khảo sát. “Do đó chúng tôi cho rằng vẫn phải đưa ra các bằng chứng”. Một số công ty khác có phản ứng mềm mỏng hơn. Hewlett-Packard tuyên bố: “Chúng tôi đang hỗ trợ giải quyết vấn đề nghiêm trọng này qua những biện pháp tự nguyện”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật