Ấn Độ - Trung Quốc “so găng“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Châu Á quá nhỏ hẹp, không đủ sức cho hai “hổ“ cùng “chuồng“, khiến quyền lợi Trung - Ấn va chạm, quan hệ song phương nổi lên nhiều khúc mắc với hàng loạt điểmnóng sẵn sàng bùng nổ.
Ấn Độ - Trung Quốc “so găng“
Ấn Độ - Trung Quốc "so găng".

Sau một thời gian phát triển kinh tế “nhanh chóng mặt”, thực lực của Ấn Độ và Trung Quốc được nâng cao đáng kể. Và để tương xứng với sức mạnh kinh tế đó, hai nước đều muốn tìm kiếm vị thế mới, thị trường mới, nguồn năng lượng mới... và mở rộng ảnh hưởng của mình.

Điểm nóng kinh tế và an ninh quốc gia

Hai nước có nhiều va chạm nhưng nổi bật nhất vẫn là những vấn đề liên quan tới kinh tế và an ninh quốc gia. 

Điển hình là tranh chấp biên giới dài hàng nghìn km giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết từ năm 1962 và cái "ung" này thỉnh thoảng lại trở trứng, khiến quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đau tím tái

Tranh chấp biên giới từng khiến hai nước đánh nhau.

Và ngay cả lĩnh vực thương mại song phương, dù có tốc độ phát triển nhanh nhất giữa các nền kinh tế mới nổi, cũng tồn tại việc thiếu tin cậy lẫn nhau. Đã vậy, chúng còn liên tục xuất hiện thêm rạn nứt về các khoản cho vay đa phương, thỏa thuận hạt nhân dân sự Ấn Độ - Mỹ...

Rõ ràng, quan hệ song phương tiềm ẩn  nhiều bất đồng lớn tới mức Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Ấn Độ là Bharat Verma phải cho rằng, Trung Quốc có thể tấn công Ấn Độ trước 2012 để dạy nước này bài học cuối cùng, cũng như đảm bảo vị trí thống lĩnh tại châu Á.

Trung Quốc ra tay trước

Tuy chưa tấn công Ấn Độ như lời tiên đoán của ông Bharat Verma nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đó, Bắc Kinh đã ra tay trước. Và một trong những biện pháp giới cầm quyền nước này đưa ra chính là bao vây Ấn Độ, tạo lập vành đai bao vây trước khi New Delhi kịp lớn mạnh, vượt tầm kiểm soát.  

Đối tác đầu tiên mà Bắc Kinh chọn chính là Sri Lanka  bởi nước này vừa là nơi nắm giữ các tuyến đường vận tải tàu biển quan trọng, vận chuyển dầu của thế giới, vừa coi Ấn Độ là đối thủ.   

Trung Quốc tăng cường bao vây Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Sau khi giúp Chính phủ Sri Lanka trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao và viện trợ hàng tỷ USD để họ đánh bại lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil, Trung Quốc  được lại quả không ít. Đó là việc quốc đảo này cho Bắc Kinh sử dụng cảng nước sâu ở Hambantota, qua đó kiểm soát được nhiều tuyến đường vận chuyển huyết mạch trên biển, có ý nghĩa sống còn với Ấn Độ.

Không dừng lại, Trung Quốc còn dựng lên lá chắn ở phía Tây Nam, ngăn chặn ý định Đông tiến của Ấn Độ bằng cách lôi kéo Myanmar, biến nước này thành đồng minh thân cận nhất. Bằng chứng là Bắc Kinh liên tục thúc đẩy thương mại song phương, trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của Naypyidaw, liên tục bảo vệ nước này tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở thương mại, các căn cứ hải quân...

Đổi lại, Trung Quốc được phép khai thác mỏ khí tự nhiên của Myanmar với giá hữu nghị, cũng như từng bước tiếp cận những nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu lửa, khí đốt, than đá, thiếc, đồng, uranium, gỗ, thủy điện). Điều này vừa có lợi cho Trung Quốc, vừa kết lấy lòng Myanmar và quan trọng hơn, cắt đi một nguồn cung nguyên, nhiên liệu cho nhu cầu kinh tế Ấn Độ; cũng như lấy đi của Ấn Độ một đồng minh trong vùng đệm an ninh.

Myanmar trở thành đồng minh, lá chắn cho Trung Quốc.

Một nước khác cũng được Trung Quốc tận dụng là "kẻ thù" của Ấn Độ: Pakistan. Bằng cách giúp đỡ tài chính, kỹ thuật vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân... cho Islamabad, Bắc Kinh được phép xây dựng một căn cứ hải quân lớn, trạm giám sát ở Gwadar và một bến cảng ở Pasni.

Đã vậy, với việc giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh đã giúp kẻ thù của kẻ thù, khiến Ấn Độ phải chia lửa đối phó Pakistan ở phía Tây, không thể dồn sức cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở phía Bắc, Đông và Nam.

Xét trên bình diện toàn khu vực xung quanh Ấn Độ, Trung Quốc còn âm thầm lôi kéo Nepal, Bangladesh... tạo thế bao vây Ấn Độ trên đất liền. Và với hàng loạt hải cảng, căn cứ hải quân ở các nước thân thiết với Trung Quốc dọc theo Ấn Độ Dương, Bắc Kinh tạo thành vành đai trên biển.

Vành đai (màu đen) bao vây Ấn Độ.


Có thể nói, Trung Quốc đã đi trước một bước, bao vây thành công Ấn Độ, hoàn toàn có cơ sở để kìm chế được cường quốc này.

Ấn Độ không ngồi yên

Trước sự uy hiế‌p của Trung Quốc, Ấn Độ cũng không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Ngoài việc tự lực phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác với Mỹ, Nga, ASEAN...tạo thế cân bằng chiến lược, nước này còn tập trung tăng cường sức mạnh quốc phòng. 

Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony từng tuyên bố trước nhiều tướng lĩnh cấp cao: “Chúng tôi sẽ cung cấp bất cứ những gì các bạn muốn, miễn là đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Ấn Độ tích cực đầu tư cho quốc phòng.

Với lập trường như vậy, Ấn Độ mở rộng lực lượng hải quân và tới nay, với 155 tàu chiến, Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới. Nhưng điều này chưa khiến New Delhi yên tâm nên nước này dự tính bổ sung thêm ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, ba tàu sân bay vào kho vũ khí của mình trước năm 2015. Và hôm qua, nước này hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, trở thành nước thứ 6 trên thế giới có thể tự sản xuất loại vũ khí này.

Ngoài ra, theo Trung tâm Phân tích và Công nghệ, Ấn Độ đã đặt mua 90 máy bay Su-30MKI, sắp tới là 126 máy bay đa chức năng trị giá hơn 10 tỷ USD, cũng như cùng Nga thúc đẩy hợp tác quân sự, nổi bật là việc hai nước cùng nhau nghiên cứu máy bay thế hệ thứ 5.

Ấn Độ còn ký với Nga một hợp đồng nâng cấp 70 máy bay MiG-29 đang được triển khai tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ đang mua rất nhiều máy bay hiện đại. Ảnh minh họa.


Chuẩn bị, đầu tư... nhiều như vậy nên Ấn Độ có cơ sở để tự tin hơn. Tháng 6 vừa qua, New Delhi thông báo việc triển khai hai sư đoàn với 50.000 - 60.000 binh sĩ dọc biên giới của bang Arunachal Pradesh, giáp Trung Quốc. Ngoài binh sĩ, Ấn Độ cũng triển khai thêm nhiều khí tài khác tại khu vực tranh chấp như đại bác 155mm, trực thăng, cùng nhiều thiết bị bay không người lái khác. Vài ngày sau, bốn máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MIK cũng đỗ xuống căn cứ không quân tại bang này.

Rõ ràng, sau nhiều thập kỷ thua kém người láng giềng Trung Quốc, một Ấn Độ mạnh hơn về kinh tế, bạo dạn hơn, sẵn sàng chịu chơi hơn với Trung Quốc.

Ấn Độ đạt nhiều tiến bộ về tên lửa.

Theo các nhà các nhà phân tích, không ai trong số hai nước muốn gây chiến tranh bởi họ đều có vũ khí hạt nhân, khi giao chiến thì hậu quả là vô cùng lớn, đôi bên đều bị thương nặng, thậm chí hủy diệt lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng xảy ra những xung đột, va chạm nhỏ lẻ trong sự kiềm chế, đặc biệt  tại vùng biên giới tranh chấp ở bang Arunachal Pradesh.

Dù hai nước ký hiệp ước nhằm chấm dứt chiến tranh dọc biên giới chung dài 3.500km năm 1962, duy trì hòa bình dọc khu vực tranh chấp và cam kết tìm giải pháp chính trị cho vấn đề này nhưng công việc tiến triển rất ít. Tới tháng 5, Không quân Ấn Độ cảnh báo, Trung Quốc là mối nguy lớn hơn cả Pakistan bởi họ không biết gì nhiều về tiềm lực quân sự của Bắc Kinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật