Về nơi cả bản chỉ có 1 học sinh học đến lớp 12

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi việc học đến lớp 12 là một điều quá bình thường với các học sinh trên khắp mọi miền đất nước, thì ở bản Eo Bù – Chút Mút lại chỉ có một học sinh học đến lớp 12.
Về nơi cả bản chỉ có 1 học sinh học đến lớp 12
Một số đoạn đường đến bản Eo Bù - Chút Mút đang còn trong gia đoạn thi công nên rất khó đi

Cả bản chỉ có một học sinh học đên lớp 12?

Bản Eo Bù – Chút Mút, thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nằm sâu trong dãy Trường Sơn hùng vỹ, chỉ cách biên giới Việt Nam – Lào khoảng 5km.

Ngày chúng tôi đến, con đường dẫn vào bản vẫn còn một đoạn dài đang trong giai đoạn thi công. Những đoạn đường này lởm chởm đầy đất và đá cuội, vì vậy, nếu người lái yếu tay đều có thể ngã xe bất cứ lúc nào.

Qua tìm hiểu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết được thông tin, đến nay cả bản Eo Bù – Chút Mút chỉ có 1 học sinh học đến lớp 12, 2 học sinh đang học lớp 10 kết hợp học thêm lớp trung cấp để về làm tại địa phương.

Được biết, gia đình anh Hồ Văn Via có 4 người con, trong đó Hồ Nhàn là con đầu hiện đang học lớp 12 tại trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, người con gái thứ hai là cháu Hồ Thị Nan cũng đang học lớp 10.

Nói về người con trai của mình, anh Hồ Văn Via không dấu được niềm tự hào: “Mình hạnh phúc lắm, vui lắm khi con trai là người đầu tiên học lớp 12. Ở bản của mình, từ trước đến nay trẻ em lớn lên thường chỉ học hết lớp 5, lớp 6 (rất ít học sinh theo học đến lớp 9) là ở nhà đi làm rồi lấy vợ, lấy chồng. Không có đứa mô (PV – nào) thích đi học cả. Nếu con học hết lớp 12, thi đậu Đại học thì tui mừng hơn nữa”.

Nếu như ở các địa phương khác trên cả nước, việc học đến lớp 12 là một điều quá đổi bình thường, thì ở Eo Bù – Chút Mút, việc có 1 học sinh học đến lớp 12 lại là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tiến bộ “vượt bậc” trong nền giáo dục ở đây.

 

Anh Hồ Văn Via tự hào khi con trai là người đầu tiên học đến lớp 12 tại bản Eo Bù – Chút Mút

Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, vậy tại sao đến nay, ở Eo Bù – Chút Mút lại chỉ có 1 học sinh học đến lớp 12?.

Tại bản Eo Bù – Chút Mút có một điểm trường mầm non và một điểm trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy dành cho học sinh lớp 1 và học sinh lớp 2.

Còn lại học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 phải ra học tại trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy nằm ở trung tâm xã. Vì vậy, để tìm đến con chữ, tất cả các em ở đây đều phải đi bộ, lội suối khoảng 17 km mới tới trường.

Một người dân có hai người con đang học lớp 7 và lớp 5 chia sẻ: “Hai đứa đi học, ở lại trường từ thứ 2 tới thứ 6. Đến trưa thứ 6 tôi đến trường chở con về. Trong bản này, trẻ em đến trường học cái chữ đa số đều phải đi bộ, chỉ có một số ít gia đình có điều kiện thì mới có xe đến đón con về”.

Đi bộ khoảng 17km, nhiều em học sinh đi nhanh thì mất 6 tiếng đồng hồ, những em đi chậm phải mất gần chục tiếng mới về đến nhà. Đó là chưa kể vào mùa mưa lũ, đường trơn trượt, các con suối chảy xiết không thể đi học.

Chính vì địa hình khó khăn, hiểm trở, xa trung tâm xã, huyện nên việc học của trẻ em ở đây vô cùng gian nan và trắc trở. Đó là chưa kể đến ý thức của các bậc phụ huynh ở đây chưa chú trọng đến việc học của con cái.

“Đa số phụ huynh chưa hiểu được ý nghĩa của việc học, nhiều khi đến nhà vận động con em đi học, họ nói lại, ở nhà đi vào rừng hái củi, hái măng, đánh bẫy thú rừng còn có cái mà ăn chứ học con chữ có ra cơm, gạo mô. Mỗi lần họ nói như vậy, mình phải kiên trì, giải thích cho họ ý nghĩa của việc học cái chữ thì họ mới chịu”, một giáo viên chia sẻ.

Chính vì số học sinh học theo học ở bậc học cao “hiếm hoi” mà gia đình Hồ Văn Via được xem là “hình mẫu” để những gia đình khác trong bản noi theo.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lạc, Tổ trưởng tổ Biên phòng Chút Mút cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng công tác vận động cho con em tại địa phương đi học. Tuy nhiên, việc học của trẻ em ở đây vẫn còn nhiều khó khăn nên số trẻ em học lên cao vẫn chưa nhiều.

Năm học này, đánh dấu mốc quan trọng cho bản khi có 1 học sinh theo học lớp 12, 2 học sinh học lớp 10. Hy vọng, từ năm sau trở đi, số em học sinh học lên cấp PTTH sẽ ngày càng cao hơn nữa”.

Lớp học ghép đặc biệt

Từ tổ biên phòng Chút Mút, chúng tôi đi vào khoảng 4km thì tới điểm trường lẻ PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy. Dừng xe ở cổng trường, đã nghe tiếng thầy giáo dạy nhạc bắt nhịp, sau đó là tiếng của lũ trẻ con trong lớp hát theo làm vang một góc trời: “Nghe véo von, trong vòm cây... li lí li lí lì li...”.

Khi mới đến, chúng tôi gọi đây là một lớp học ghép đặc biệt bởi cả lớp chỉ có 11 em học sinh, trong đó có 3 em học sinh lớp 1 và 8 em học sinh lớp 2. Vì vậy, lớp học có một thầy thay nhau dạy trên hai bảng được chia làm hai hướng.

 

Vì học ghép nên lớp học được chia làm hai hướng, và hai chiếc bảng khác nhau

Nhìn lũ học trò với ánh mắt ngơ ngác, thầy Nguyễn Ánh Văn, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và 2 điểm trường lẻ PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy tâm sự: “Trước thềm năm học mới, các thầy giáo phải đến từng nhà để vận động các em tiếp tục đến trường học tập. Tâm lý các em học sinh ở đây vẫn còn thích ở nhà rồi vào rừng kiếm củi, hái măng, bẫy chim... hơn là đi học. Vì vậy, mỗi lần nghỉ hè xong, các thầy giáo phải vất vả hơn trong việc vận động các em đi học trở lại”.

Thầy Văn quê ở xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) lên xã miền núi Lâm Thủy dạy học đến nay đã được 8 năm. 8 năm về với đồng bào Vân Kiều là 8 năm lưu giữ nhiều kỷ niệm khó phai trong sự nghiệp cầm bút của thầy.

“Còn nhớ những năm đầu, đường từ bản ra trung tâm xã chưa được làm như bây giờ, thầy cô giáo mỗi khi đi vào bản dạy học hết sức khó khăn, phải mang theo lương thực, thực phẩm dự trữ ăn cả tháng. Nhiều hôm trời mưa, thầy cô giáo phải đi bộ nguyên ngày mới vào tới bản”.

Khó khăn là vậy nhưng chưa khi nào thầy Văn có ý định về xuôi, thầy nói đã thuộc lòng địa bàn, nhớ hết tên từng người trong bản và thương lũ học trò như người thân của mình rồi nên không nỡ xa các em.

 

Sau giờ tan học, lũ trẻ dắt tay nhau đi bộ về nhà

Em Hồ Văn Bình (học sinh lớp 2) bẽn lẽn nói: “Mỗi lần đi học, em được thầy giáo dạy đếm, dạy đọc và dạy hát thích lắm”.

Ngoài thầy Anh là giáo viên cắm bản, mỗi tuần còn có hai thầy giáo từ trường trung tâm về bản dạy thêm các môn học khác. Thấy các học sinh của mình ngày càng chăm chỉ, ham học, các thầy đều cảm thấy vui và hạnh phúc....

Chúng tôi ra về khi sương mù ẩn hiện trên các ngọn núi cao của dãy Trường Sơn, khi tiếng những đứa trẻ lấm lem bùn đất đang học đếm từ xa vọng lại. Hy vọng “con đường” đến với cái chữ của các em sẽ ngày càng gần lại....

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật