Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi phải cải tiến nhiều mới có thể tồn tại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi gia nhập TPP, những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, giá rẻ như dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ bùng nổ. Trong khi đó, những ngành được bảo hộ như chăn nuôi, thép, ô tô… là những ngành sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi phải cải tiến nhiều mới có thể tồn tại
Ảnh minh họa
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại tọa đàm “Sẵn sàng hội nhập – Các thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức vào ngày 9.10.
Ngành chăn nuôi chết yểu?
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, khi gia nhập TPP, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt nhiều hơn trước. Các biện pháp bảo hộ sẽ giảm mạnh, thị trường mở cửa ở nhiều quốc gia.
Những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, giá rẻ như dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ bùng nổ. Lợi thế cũng nghiêng về trồng trọt, thủy sản…Trong khi đó, những ngành được bảo hộ, thường xuyên “kêu gào” Chính phủ như chăn nuôi, thép, ô tô… là những ngành sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi gia nhập TPP.
Theo ông Thành, không phải tới khi TPP được đàm phán chung cuộc xong thì việc gặp khó của ngành chăn nuôi mới được đề cập tới. Câu chuyện đùi gà Mỹ qua nửa vòng trái đất, với thuế như hiện nay mà vẫn bán rẻ và bằng một nửa giá thành trong nước. Kể cả thịt bò cũng vậy, Việt Nam đã nhập khẩu về rất nhiều từ năm 2012 chứ không phải chờ TPP.
Hiện mặt hàng này dù áp thuế nhưng không thể cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu từ các nước như Úc, Mỹ... Cụ thể, năm 2013, Việt Nam đã nhập khoảng 60.000 con bò từ Úc, trung bình nhập 5.000 con/tháng.
Trong khi đó, chăn nuôi Việt Nam hiện vẫn hoạt động dưới quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Cả nước chỉ mới có khoảng 23.000 trang trại (tức là đơn vị chăn nuôi đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên). Con số này ít hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Do đó, chăn nuôi phải cải tiến rất nhiều mới có thể tồn tại được. Chăn nuôi sẽ là một ngành có thay đổi rất lớn khi gia nhập TPP.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, ngay cả trong thách thức cũng ẩn chứa không ít cơ hội.
“Chăn nuôi cạnh tranh là vẫn con bò Úc, nhưng mình chọn phân khúc không cạnh tranh mà chơi. Thay vì nhập bò đông lạnh, bò thịt thì mình có thể nhập bê về nuôi. Khi bán ra thị trường thì thịt vẫn Úc, nhưng lao động Việt. Ngay trong khó khăn vẫn có những thuận lợi”, ông Thành nhận định.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ảnh: Internet)
Hội nhập là giảm “ổ voi”, “ổ gà”
Ngoài vấn đề gặp khó của ngành chăn nuôi, viện phó viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu nhìn tổng thể, TPP có rất nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam. TPP sẽ tác động tích cực tới xuất khẩu, tăng trưởng GDP, đầu tư. Đáng chú ý, Hiệp định này còn tác động đến quá trình cải cách mà Việt Nam đang thực hiện.
Cụ thể, sự độc quyền và chi phối thị trường của doanh nghiệp rất khó để duy trì trong dài hạn. Trong khi đó, các biện pháp can thiệp truyền thống của Nhà nước cũng bị hạn chế đáng kể. Do đó, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài việc bán cái thị trường cần, còn phải biết cả tạo dựng thị trường.
Đồng thời, TPP còn giúp giao thương và logistic bùng nổ. Theo ông Thành, không phải ngẫu nhiên mà các đại gia Việt Nam thích sân bay, thích hải cảng, thích kho bãi.
“Làm không phải chỉ để to mà còn nhiều lợi nhuận”, ông Thành nói.
Phó viện trưởng này ví rằng, gia nhập, hội nhập tức là giảm “ổ gà, “ổ voi” trên dòng chảy hàng hóa. Hiệp định TPP là xóa bỏ hàng rào với nhiều ổ gà, ổ voi nhất.
“Việt Nam là một nước nhỏ, một nước yếu. Muốn mạnh thì bây giờ chúng ta cần chơi với những người tốt nhất, những đối tác mạnh nhất, thông minh, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Mà những người lớn mạnh này đều nằm trong TPP. Chúng ta đã chơi, đã học, đã tham gia thì nên chọn những đối tác tốt nhất”, ông Thành cho biết.
Bên cạnh những cơ hội trên thì hội nhập TPP cũng mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam.
Đơn cử, khi gia nhập TPP, bản chất của doanh nghiệp Việt sẽ lộ rõ là rất kém linh hoạt. Các doanh nghiệp này chỉ linh hoạt ở chỗ kiểu gì cũng “sống” nhưng sống như thế nào mới là vấn đề. Như vậy, gia nhập TPP không chỉ cần linh hoạt mà còn cần khôn ngoan, hoạt động phải bài bản.
Thế nhưng, ngay cả trong thách thức cũng ẩn chứa không ít cơ hội. Tiến sĩ Thành nhận định, người Việt Nam có khả năng sáng tạo rất lớn. Do đó, nếu biết vận dụng sự sáng tạo của mình vào kinh doanh, sẽ là cơ hội thành công cho các doanh nghiệp Việt.
Ngành dệt may là một ví dụ cụ thể. Việt Nam đang có lợi thế khi giải quyết khoảng 2,5 triệu lao động. Năm 2014, dệt may Việt Nam xuất khẩu 21 tỉ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 9,8 tỉ với thuế suất 17,3%. Khi gia nhập TPP, thuế suất này được giảm xuống còn 0%, doanh nghiệp hưởng lợi lớn, xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể đạt 20 tỉ trong năm 2025.
Chính vì thế, Việt Nam cần phải chỉn chu hơn về xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, tỷ giá, nhu cầu thị trường, kênh phân phối thì mới có thể đáp ứng được lợi thế lớn này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật