“Việt Nam quả thật là trung tâm của cộng đồng TPP, nhưng......”

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều ngày qua, cụm từ TPP luôn là tâm điểm của dư luận. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có những chia sẻ xoay quanh việc Việt Nam gia nhập TPP với những cơ hội và thách thức mà chúng ta phải đối mặt.
“Việt Nam quả thật là trung tâm của cộng đồng TPP, nhưng......”
Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Trong 12 quốc gia thành viên TPP, Việt Nam đứng thứ 3 về dân số, chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật. Ngoài ra, với địa thế chính trị là quốc gia trung tâm vùng Châu Á, từ Nhật ở Bắc Á đến Ấn Độ ở Nam Á, Việt Nam có một bờ biển trải dài hơn 3.000km mà 40% tuyến vận tải hàng hải quốc tế phải đi qua. Như vậy, Việt Nam quả thật là trung tâm của cộng đồng TPP, mà sau này còn mở rộng thêm ra để tiếp nhận các quốc gia khác trong khối ASEAN. Nhưng chúng ta dường như chưa nhận thức được vị thế chiến lược của mình và xây dựng lên những chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp”.

Mặc dù có sẵn trong mình những ưu thế như ông đã nói nhưng khi tham gia TPP, điểm yếu nhất của Việt Nam là gì và chúng ta cần làm gì để khắc phục được điểm yếu đó?

Ông Bùi Kiến Thành: Chúng ta xuất phát từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung, chập chững bước vào nền kinh tế thị trường, chưa có đủ những cơ chế cần thiết để hội nhập nhịp nhàng với 11 nền kinh tế kia. Tư duy của ta cũng chưa được rõ ràng, còn mù mờ đi tìm “định hướng” thay vì quyết tâm đổi mới, học hỏi và ứng dụng những phương pháp quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp hiện đại để nhanh chóng tiến lên bắt kịp và vượt qua các nền kinh tế nhỏ bé hơn ta. 

Vì Việt Nam là một nền kinh tế kém phát triển nhất trong số 12 thành viên của TPP, với các cơ chế quản lý nhà nước gập ghềnh, chưa đồng bộ và phù hợp với cộng đồng kinh tế thị trường của 11 nước thành viên kia, nên Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng các thể chế, cơ chế cần thiết.

Với điểm yếu như vậy thì những khó khăn mà Việt Nam sẽ gặp phải khi gia nhập TPP là gì, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Xuất phát từ một nền kinh tế với công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, giá thành sản xuất kém sức cạnh tranh, Việt Nam sẽ phải chịu sức ép hàng hóa từ 11 thành viên kia và cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần phải có biện pháp giảm thiểu rủi ro bị mất thế ngay trên sân nhà.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, chưa sản xuất ra các mặt hàng xuất khẩu với tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong những năm 2013 và 2014, 70% kim ngạch xuất khẩu là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khống chế. Tình trạng này cần sớm được điều chỉnh bằng những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh từ khâu sản xuất kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, đến phát triển khả năng tiếp cận thị trường, bán hàng trực tiếp cho các tập đoàn nhập khẩu và phân phối lớn trên thị trường quốc tế thay vì qua trung gian của các tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Hong Kong hay Singapore như hiện nay. Nhìn thấy những điểm yếu và khó khăn trước mắt cũng như trên tinh thần “bàn vô chứ đừng bàn ra” của TS Trần Du Lịch, theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để không bị sốc khi gia nhập TPP?

Ông Bùi Kiến Thành: Chúng ta phải quyết tâm xây dựng một nền kinh tế hiện đại.

Về mặt tiền tệ tín dụng, “không để bất kỳ một dự án nào khả thi mà không tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để triển khai hiệu quả”.

Về chính sách tài khoản: tạo điều kiện cho tất các loại hình doanh nghiệp được hưởng cơ chế ưu đãi hợp lí cho phát triển, “nuôi con gà đẻ trứng vàng” tạo nguồn thu thuế cho mai sau.

Về nhân sự, cần phải đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước có công tâm phục vụ “Cần kiệm, Liêm chính, Chí công, Vô tư”. Những gì ông cha ta ngày trước thực hiện được, ngày nay chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được.

Về quan hệ với các nước trên thế giới, Việt Nam ta có một tài sản nhân sự vô cùng đặc biệt mà không có quốc gia nào sánh kịp. Chúng ta có hơn 4,5 triệu Việt kiều rải khắp trên hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Trong số này có hơn 500.000 người được đào tạo Đại Học và trên Đại Học, có khả năng làm cầu nối cho Việt Nam vươn ra và thâm nhập các thị trường lớn nhỏ trên mọi châu lục. Tất cả là quyết tâm và chính sách phù hợp để tạo tinh thần đoàn kết nhất trí, “xóa bỏ cách biệt, hướng đến tương lai”.

“Chủ động để phát triển”

Khi Việt Nam gia nhập TPP, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Chăn nuôi sẽ chịu ảnh hưởng xấu nhất”. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Nếu đã biết yếu điểm của ta thì đã là bước đầu để tìm giải pháp. Ngành chăn nuôi cũng như nhiều ngành khác, nếu còn yếu kếm thì phải đi học, ứng dụng những phương pháp quản lý hợp lý và tối ưu trên thế giới cho hoàn cảnh thực chất của ta. Không nên mò mẫm, “sáng tạo lại bánh xe” mà nên nắm bắt công nghệ cao nhất phù hợp với điều kiện địa dư, thổ nhưỡng của mình để “đi trước đón đầu” đem lại kết quả cao nhất. Đối với nông dân cũng như đối với doanh nghiệp, không để bất kỳ một dự án khả thi nào mà không tiếp cận được nguồn vốn và công nghệ cần thiết để phát triển. Chủ yếu là tính chất khả thi của từng dự án, nguồn vốn là trong tầm tay của mọi quốc gia có chủ quyền tiền tệ, là trách nhiệm của nhà nước, của Ngân hàng Trung ương, với quyền hạn do luật định.

Vì thế, trước tiên là phải nghiên cứu và khẳng định vị trí của mình trên thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu. Ta chỉ làm những việc vì mà ta có “ưu thế tương đối”. Không nên ỷ lại vào khả năng “bao cấp”của các chính sách “bảo hộ”.

Vậy những thành phần ỷ lại sẽ bị ảnh hưởng xấu nhiều nhất đúng không, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Đúng vậy, tiếp đến là những thành phần doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh với chỉ số ICOR (Incremental Output Ratio) cao, hoạt động không có hiệu quả kinh tế, dựa vào bao cấp hay thế độc quyền. Sau đó là thành phần nông nghiệp manh mún, kém chất lượng và kém tổ chức, không có khả năng thích ứng với môi trường cạnh tranh của các nền kinh tế mở, “thế giới phẳng”.

Theo ông, những bài học trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, WTO có giúp ích được gì cho lần gia nhập TPP?

Ông Bùi Kiến Thành: Các bài học gia nhập ASEAN, WTO cho thấy tác hại của sự thiếu chuẩn bị, và thiếu quyết tâm xây dựng nội lực, dẫn đến nguy cơ mất thị trường nội địa và không có hàng để xuất khẩu qua những thị trường được khai mở. Ta chỉ ngồi xem thiên hạ mua bán với nhau, vì ta không sản xuất được hàng để bán, và cũng không có đội ngũ tiếp thị để phát triển thị trường. Hậu quả là trong những năm 2013 và 2014 toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa xuất được 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một phần lớn là nguyên liệu tạm nhập tái xuất.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng chỉ ra: “Chúng ta còn đang vướng mắc trong những tư duy chính trị lỗi thời, chưa thật sự ra khỏi cái kén để lột xác trở thành con bướm. Vì quá khứ lịch sử chúng ta không có cơ hội cọ xát với các nền kinh tế thị trường, chưa thu thập được “trí muôn phương” của các nền dân chủ Pháp quyền “Của dân, Do dân, Vì dân”, nên chúng ta sẽ phải bị chậm trễ phần nào trong tốc độ “canh tân, cải tổ” quản lý hành chính cũng như hiện đại hóa quản lý doanh nghiệp, giải phóng các doanh nghiệp nhà nước, giải phóng năng lực phát triển của toàn dân, kết hợp các thành phần xã hội, nhân tài trong Đảng, ngoài Đảng, trong nước, ngoài nước để phát triển và hội nhập”.

“Với WTO cũng như các hiệp định thương mại khác, nay là TPP chúng ta phải chủ động hơn nữa để khai thác tối đa cơ hội đồng phát triển với các nền kinh tế tân tiến, hiện đại”, một lần nữa chuyên gia nhấn mạnh.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật