Mệt mỏi với kiến ba khoang

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian gần đây, kiến ba khoang liên tục xuất hiện tấn công sinh viên ở Làng ĐHQG TP HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) khiến sinh viên vô cùng lo lắng. Cùng thời gian, kiến ba khoang cũng xuất hiện ở nhiều khu dân cư trên địa bàn TP.HCM đã gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống đối với người dân.
Mệt mỏi với kiến ba khoang
Ký túc xá ĐHQG TP HCM thời gian gần đây xuất hiện kiến ba khoang dày đặc.

Sinh viên Nguyễn Thị Mai (đang ở tại khu A, ký túc xá ĐHQG TP HCM) cho biết: “Ban ngày thì không sao nhưng đến tối, kiến ba khoang lại ồ ạt xuất hiện. Hầu như vào ban đêm chúng em phải tắt điện đóng kín cửa vì sợ bị kiến ba khoang tấn công. Đã có hàng trăm bạn sinh viên ở cùng khu KTX bị kiến cắn phải xuống trạm xá điều trị, chúng em rất lo lắng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, kiến ba khoang xuất hiện tại khu vực KTX ĐHQG TP HCM từ khoảng thời điểm đầu mùa mưa đến nay. Tuy nhiên khoảng 2 tuần trở lại đây kiến ba khoang có dấu hiệu xuất hiện nhiều hơn.

Trò chuyện với phóng viên, sinh viên Trần Văn Tấn (ở tại khu B - KTX ĐHQG) chia sẻ: “Loài kiến này khá kỳ lạ, chỉ xuất hiện vào ban đêm, khi bị chúng tấn công em hầu như không thấy đau đớn gì. Tuy nhiên, khoảng 2h sau thì thấy da có dấu hiệu bỏng rát, đau nhức không chịu nỗi. Em bị kiến cắn ở lưng cả tuần rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu bớt. Khi ngủ vết thương đau nhức khiến cuộc sống em đảo lộn khá nhiều”.

Bà Phùng Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP HCM cho hay:  “Do ở ký túc xá có nhiều bãi cỏ, bụi rậm. Xung quanh lại có một số mương suối ẩm nên là điều kiện thuận lợi để kiến ba khoang phát triển. Hằng năm, cứ vào mùa mưa là kiến ba khoang lại xuất hiện ở KTX khá nhiều. Năm nay kiến ba khoang xuất hiện rộ từ tháng 6 đến nay làm ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của sinh viên”.

Tại các khu vực KTX, khu A có 103 phòng, khu B có 270 phòng, khu C có 364 phòng xuất hiện kiến 3 khoang. Thời gian gần đây ghi nhận tại Trạm y tế của KTX đã có hơn 500 sinh viên bị kiến tấn công.

“Số lượng sinh viên bị tấn công là khá nhiều, hiện tại chúng tôi đã tổ chức các biện pháp phòng chống kiến ba khoang như: xịt thuốc, tuyên truyền cho sinh viên cũng như là tăng cường cơ số thuốc cho cơ sở y tế của KTX…” - bà Lan cho biết thêm.

Không chỉ xuất hiện ở khu vực Làng ĐHQG TP HCM, kiến ba khoang còn xuất hiện ở nhiều khu dân cư trên địa bàn TP.HCM khiến người dân vô cùng lo lắng. Người dân sống tại khu căn hộ cao cấp Kỷ Nguyên (Era Town) ở Q.7, TP HCM phản ánh, kiến ba khoang xuất hiện dày đặc khiến người dân vô cùng hoang mang. Theo chị Trần Thị Minh Chiến (37 tuổi), sống tại chung cư Era Town: “Cứ đến tối là chúng lại xuất hiện dày đặc trong nhà, gia đình tôi đã có hai người bị kiến tấn công nên những vết thương rất khó chịu. Hiện tại buổi tối chúng tôi hầu như phải đóng cửa tắt đèn để chống kiến. Quần áo cũng bỏ vào tủ cẩn thận chứ chẳng dám để bên ngoài”.

Ghi nhận tại khu căn hộ cao cấp Kỷ Nguyên thì ở khu A3, A4, A5 là nơi kiến 3 khoang xuất hiện nhiều nhất. Ở khu vực này đã có rất nhiều người bị kiến tấn công gây ra thương tích.

Vết thương do kiến ba khoang gây ra.

Theo BS Phạm Đăng Trọng Tường - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da Liễu TP HCM, đa số bệnh viêm da do kiến ba khoang gây ra đều được trị khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Sau khi điều trị khỏi, các vết thâm sẽ mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng mất khoảng 2-3 tháng vết thâm mới mờ dần.

Cho đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp có di chứng để lại do kiến ba khoang gây ra. Hơn nữa, bệnh viêm da do kiến ba khoang gây ra không hề lây lan như người dân xôn xao bàn tán. Việc nhiều người trong một gia đình cùng bị viêm da do kiến ba khoang gây ra là vì cùng tiếp xúc với nọc độc của loại côn trùng này. 

Chia sẻ về cách ngăn ngừa các bệnh viên da do kiến ba khoang gây ra, BS Tường cho biết: “Đối với những khu vực rậm rạp cần phải phát quang để ngăn chặn kiến ba khoang sinh sôi, nảy nở. Để tránh bị kiến ba khoang tấn công, người dân nên ngủ trong mùng. Đặc biệt, khi thấy loại côn trùng này nên tìm cách đuổi đi, chứ không giết hay dùng tay miết”.

“Nếu chẳng may bị kiến ba khoang tấn công thì tránh cào, gãi, tránh tiếp xúc với xà bông. Vì những động tác này sẽ gây viêm da nặng hơn. Ngoài ra, các nhà chuyên môn cần tiến hành nghiên cứu về quy luật sống của kiến ba khoang để có cách ngăn chặn việc sinh sôi, nảy nở của loại côn trùng này” - BS Tường nhấn mạnh.  

Xem Thêm: Hoảng hồn kiến ba khoang lại ồ ạt "tấn công" | VTC
//

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật