Những cái mùng nghĩa tình

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao năm nay tự tay bà cắt, may hàng trăm cái mùng (màn) to, nhỏ để tặng cho người lao động nghèo, người vô gia cư sinh sống quanh khu vực. Từ việc làm này, bà Đoàn Thị Muội (72 tuổi, ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) được nhiều người dân ở đây gọi thân mật là bà Út Muội từ thiện. Không chỉ tặng mùng, bà còn thường xuyên mang gạo tặng những gia đình khó khăn, mang sách vở, quần áo tặng cho trẻ em nghèo trong khu vực mỗi dịp tết đến hay đầu năm học mới.
Những cái mùng nghĩa tình
Bà Út Muội may mùng tặng người nghèo miền Tây

Vừa gấp rút hoàn thành hơn 40 chiếc mùng để kịp đem đi các tỉnh miền Tây tặng cho người nghèo vào đợt cao trào dịch sốt xuất huyết, bà Út Muội vừa tâm sự: “Nghề may đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, nuôi 6 người con khôn lớn. Không những thế, cái nghề này còn mang lại cho tôi niềm vui là giúp đỡ nhiều người nghèo. Những cái mùng này giá trị không cao nhưng ít ra nó cũng giúp trẻ em nghèo đỡ bị muỗi đốt, giảm bệnh sốt xuất huyết. Nghĩ vậy, thế là tôi lại cố gắng làm xong nhanh để sớm mang tặng người nghèo”.

Nghề may mùng đến với gia đình bà khá tình cờ. Nhà đông con, ngủ lại nằm chung một phòng nên cần phải mắc chiếc mùng thật to mới đủ. Thế nhưng, mùng may sẵn thường nhỏ nên muỗi vẫn bò vào được. Sẵn có nghề may, bà mua mấy chục thước vải mùng về may một cái mùng thật to để nhà dùng. Không ngờ sau đó nghề may mùng lại gắn với gia đình bà từ đó đến nay.

Việc làm từ thiện đến với bà cũng tình cờ. Khoảng hơn chục năm trước, thấy con của những công nhân, lao động nghèo thuê trọ xung quanh nhà bà nằm ngủ không có mùng bị muỗi đốt, côn trùng cắn, nhiều cháu phải vào bệnh viện điều trị rất tốn kém. Thương các cháu, bà may một vài chiếc mùng tặng cho mấy hộ xung quanh. Khi đi tặng những cái mùng này bà mới thấy còn rất nhiều người cần giúp đỡ. Bà về nhà vận động các con giúp kinh phí, tiếp tục may mùng tặng người nghèo. Từ đó, mỗi năm gia đình bà may hàng chục chiếc mùng tặng người lao động nghèo tại khu vực và các tỉnh ĐBSCL.

Những gia đình ở miền sông nước như khu vực ĐBSCL càng cần mùng hơn nữa, bởi ở khu nào có nhiều nước, muỗi lại sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Buổi tối đến, trẻ con ăn học, vui chơi nhiều khi chỉ quanh quẩn trong cái mùng tránh muỗi. Nhưng nhiều gia đình khó khăn phải dùng những cái mùng cũ, rách không ngăn được muỗi hoành hành. Từ suy nghĩ đó, mỗi năm bà lại may thêm nhiều mùng hơn. Cho đến nay, những chiếc mùng của bà Út Muội tiếp tục thầm lặng tới tay người nghèo trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành khác. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật