Ngân hàng Trung ương Lào muốn ngừng cho Chính phủ vay tiền

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngân hàng Trung ương Lào vừa đề xuất ngừng các khoản vay trực tiếp dành cho các dự án đầu tư mới của Chính phủ.
Ngân hàng Trung ương Lào muốn ngừng cho Chính phủ vay tiền
Ảnh minh họa

Theo hãng tin, Ngân hàng Trung ương Lào vừa đề xuất ngừng các khoản vay trực tiếp dành cho các dự án đầu tư mới của Chính phủ nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính và ngân hàng của nước này.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào, ông Somphao Phaysith cho biết, các ban ngành liên quan nên tìm kiếm nguồn tài chính từ các ngân hàng thương mại để phù hợp với cơ chế thị trường và chính sách của các ngân hàng thương mại.

Tính riêng trong năm tài khóa 2013-2014 (từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014), Ngân hàng Trung ương Lào đã cung cấp cho Bộ Tài chính nước này 20 khoản vay trị giá 2.885 tỷ kíp (tương đương 360 triệu USD), để Bộ này trả nợ cho các công ty xây dựng đã bỏ tiền ra để làm các dự án đầu tư của nhà nước Lào.Những năm qua, Ngân hàng Trung ương Lào đã cung cấp nhiều khoảng vay lớn cho Chính phủ để đầu tư vào một loạt dự án của nhà nước.

Mặc dù ông Somphao không nêu ra các nguy cơ cụ thể nếu Ngân hàng tiếp tục cho Chính phủ vay tiền, tuy nhiên theo tờ Vientiane Times, việc cho Chính phủ và các doanh nghiệp của nhà nước vay tiền không phải là trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương Lào bởi trách nhiệm chính của Ngân hàng này là hành động với tư cách là nguồn tài chính cuối cùng để đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, theo trong trường hợp một ngân hàng thương mại hết tiền, ngân hàng này có thể vay tiền của Ngân hàng Trung ương để tiếp tục cung cấp các dịch ngân hàng của mình.

Báo trên cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế chỉ ra một rủi ro khác nếu Ngân hàng Trung ương Lào tiếp tục cung cấp các khoản vay trực tiếp cho Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, theo đó Ngân hàng này có thể phải đối mặt với các thách thức để duy trì việc cung cấp tiền ở mức phù hợp.

Việc ngân sách nhà nước vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước không phải là chuyện lạ, nó từng xảy ra ở nhiều quốc gia và Việt Nam trong quá khứ. Tại Việt Nam, mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất khoản vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước, khoản vay ngắn hạn thu hút sự chú ý của thị trường vừa qua.

Đại diện Bộ Tài chính nhắc lại đây là nghiệp vụ bình thường của Kho bạc Nhà nước, và sẽ hoàn trả Ngân hàng Nhà nước ngay trong năm nay.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lưu ý,  trước khi thực hiện giao dịch vay mượn giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phải công bố những chi tiết về khoản vay bao gồm mục đích vay, việc sử dụng vốn vay, nguồn hoàn trả, lãi suất vay, phương thức thanh toán, và điều kiện vay. Tất cả cần được công bố công khai, minh bạch để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng vơi nhu cầu của Bộ tài chính, vì cuối cùng những món vay của chính phủ, không kể vay từ ai, đều được trả bằng chính tiền thuế của dân chúng.

Đặc biệt trong bối cảnh nợ công ngày càng tăng cao như hiện nay, Bộ Tài chính cần phải cho dư luận biết khoản nợ này có ảnh hưởng tới nợ công không? Ảnh hưởng như thế nào? Và nguồn trả nợ lấy từ đâu?...

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chỉ rõ: Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm sao cân đối được nguồn thu – chi trong ngân sách. Giải pháp lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt, tăng nguồn thu ổn định để có nguồn trả nợ; hạn chế chi tiêu để không phải đi vay nữa chứ không phải là vay ở đâu. Có như vậy mới xử lý được nợ cũ, không làm phát sinh nợ mới. Nhưng giảm thế nào, giảm ở đâu thì đã nói rất nhiều lần, với vai trò quản lý nhà nước Chính phủ và Bộ Tài chính phải quyết liệt hơn nữa. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật