Khắc phục bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn bài toán nhân lực

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 6/6, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và phòng chống dịch.
Khắc phục bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn bài toán nhân lực
Vấn đề vệ sinh thực phẩm trong các quán ăn đường phố chưa được xem trọng, ngay cả khi xảy ra dịch bệnh. (Ảnh: Chí Cường).

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Ban Tuyên giáo TƯ và lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh,  thành trong cả nước.

Ẩn họa bếp ăn tập thể
Theo Cục ATVSTP (Bộ Y tế), từ năm 2000 đến năm 2008 đã phát hiện và xử lý 1.820 vụ ngộ độc thực phẩm với 49.726 người mắc và 49 trường hợp t‌ử von‌g.
Năm 2008 ghi nhận 205 vụ ngộ độc. 80% số trường hợp ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể của các khu chế xuất và trong cộng đồng. Tỉ lệ các bếp ăn tập thể đạt yêu cầu ATVSTP là 52,6%, phần lớn chưa được cấp phép đủ điều kiện ATVSTP.
Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: “Hiện nay tại 63 tỉnh/thành phố có hàng trăm khu công nghiệp và 13 khu kinh tế mở, khu chế xuất. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh hàng năm, dự báo đến năm 2020, dân số sống tại đô thị chiếm trên 45 triệu người.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, ăn uống chưa phát triển kịp làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Bên cạnh đó, ở nước ta còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán canh tác, chế biến thực phẩm, ăn uống lạc hậu cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến ngộ độc thực phẩm”.

Không ít người tiêu dùng vẫn chủ quan, thường xuyên mua đồ ăn tại các "chợ cóc", chợ tạm. (Ảnh: Chí Cường)

Bộ máy chưa hoàn thiện
Mặc dù Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 12 ngày 30/12/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục ATVSTP thuộc Sở Y tế, nhưng tính đến ngày 31/5, vẫn còn 27 tỉnh chưa thành lập Chi cục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Duy Thăng:
Hiện nay, biên chế cho công tác ATVSTP trên cả nước là 2.267 người, trong đó, ở Trung ương là 81 người, còn lại phân bổ cho các tỉnh, huyện.
Trong 36 tỉnh thành lập Chi cục ATVSTP, chỉ có 15 tỉnh triển khai thành lập Chi cục đúng hướng dẫn của Thông tư, 2 tỉnh thành lập Chi cục nhưng thiếu thanh tra Chi cục, 19 tỉnh có quyết định thành lập nhưng chưa quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Hầu hết các Chi cục ATVSTP mới thành lập chưa có trụ sở riêng biệt mà tạm thời đặt tại một số phòng của các đơn vị y tế khác... nên ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ.
Trung bình mỗi Chi cục có khoảng 8 - 15 người được tuyển từ các trung tâm, bệnh viện, phần lớn chưa được đào tạo chuyên khoa, có Chi cục chỉ có 1 bác sĩ. Trong khi đó, một số cán bộ của Khoa ATVSTP thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh không muốn chuyển sang Chi cục ATVSTP vì nhiệm vụ không thay đổi nhưng không được hưởng 35% phụ cấp đặc thù của hệ y tế dự phòng.
Liên quan tới lực lượng cán bộ làm công tác ATVSTP, ông Đào Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ: “Năng lực của cán bộ ATVSTP còn yếu. Khi thành lập đoàn thanh tra ATVSTP, có xã giao cho trưởng trạm y tế làm trưởng đoàn, như vậy là không được, trưởng đoàn phải là lãnh đạo xã. Cấp thành phố, thanh tra Sở khá mỏng, với một địa bàn rộng lớn như Hà Nội, quả là không đơn giản. Thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân cũng tạo điều kiện cho vi phạm ATVSTP. Nhiều doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh không cạnh tranh nổi với những hộ dân giết mổ nhỏ lẻ, đưa vào thành phố bằng xe máy. Dù những hộ dân này giết mổ không đảm bảo ATVSTP nhưng giá rẻ hơn nên người tiêu dùng thích hơn”.
Sao không đưa ra xét xử?
Ông Nguyễn Đức Chính- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết,hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm ATVSTP. Theo Luật Dân sự, gây vi phạm phải bồi thường, người gây tai nạn giao thông dù cố ý hay vô ý đều phải bồi thường. Thế nhưng, những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gây tổn thất cho nhiều người về kinh tế và sức khỏe nhưng chưa ai bị đưa ra tòa xử và bồi thường. Ông Chính đề nghị cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm ATVSTP.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại Hội nghị giao ban trực tuyến về ATVSTP ngày 6/6.

 Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền các địa phương quan tâm, cùng kết hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác ATVSTP. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “ATVSTP là vấn đề lâu dài, nên cần tuyên truyền để nhiều người dân trở thành người tiêu dùng thông thái, biết cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội làm thí điểm mô hình xây dựng các khu giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh gắn với xử lý bảo vệ môi trường. Mô hình này sẽ quy tập các hộ gia đình giết mổ vào đó hành nghề, vừa dễ quản lý, vừa tạo điều kiện tốt cho người giết mổ gia súc, vừa cho sản phẩm vệ sinh. Phó Thủ tướng cũng đề nghị có kế hoạch xây dựng các chợ vệ sinh và thực hiện tốt cam kết sản xuất sản phẩm đảm bảo ATVSTP của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: UBND tỉnh có thể cân đối biên chế
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chỉ ra những nguyên nhân khiến công tác ATVSTP không dễ thực hiện. Đó là cơ chế, bộ máy chưa ngang tầm, cơ chế phối hợp giữa các ngành ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, nền sản xuất nhỏ lẻ tiểu nông dẫn đến khó quản lý.
Ngoài ra, các bếp ăn công nghiệp, thức ăn đường phố, đám cưới, đám giỗ không đảm bảo vệ sinh cũng là vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để quản lý ATVSTP.
Về vấn đề biên chế cho ngành ATVSTP, Bộ trưởng gợi ý giải pháp: Lãnh đạo UBND tỉnh có thể cân đối biên chế trong tỉnh để chủ động quyết định biên chế cho lực lượng ATVSTP trên địa bàn.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật