Được gỡ lệnh cấm, thịt chó vẫn mất khách

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các hộ kinh doanh thịt chó tại Dương Nội (Hà Nội) mất lượng khách quen khá lớn sau một thời gian dài bị cấm. Thị trường thịt chó càng ảm đạm khi người dân vẫn đang dè chừng với món ăn này.
Được gỡ lệnh cấm, thịt chó vẫn mất khách
Từ sáng đến 10 giờ trưa ngày 5/6, chị Hạnh chỉ ngồi ngáp, đuổi ruồi cho 2 con chó thui vàng óng đặt trên bàn. Đến hết ngày 7/6, tình hình vẫn không khá hơn

Vừa bán vừa thăm dò

Từ 5/6 (ngày đầu tiên thịt chó được phép bày bán trở lại tại Dương Nội) đến chiều 7/6, không khí giết mổ, mua bán thịt chó tại Dương Nội vẫn không "ấm lên". Theo quan sát, sáng 5/6, trong số 28 hộ được tái cấp phép kinh doanh chỉ có 4 hộ tiến hành giết mổ và bày bán thịt chó.

Các cửa hàng chỉ thịt từ 1-2 con. Nơi thịt nhiều chó nhất là cửa hàng của chị Bùi Thị Khánh (thôn La Dương): 3 con.

Chị thở dài: “Bình thường, ngoài ngày mùng 10 âm lịch thế này, mỗi ngày tôi bán được từ 10 con trở lên. Vài ngày nay, đến 9h sáng hầu như chưa bán được gì, ngoài mấy cái chân chó”.

Thịt 3 con, nhưng cửa hàng chị Khánh ế khách ngay ngày đầu mở hàng.

Đó là chưa kể trước đây nhà chị còn bán thêm cả thịt chó nấu chín, ăn ngay tại cửa hàng, nhưng bây giờ thì không.

Chị Hạnh - chủ cửa hàng thịt chó Hạnh Thuần cách đó không xa - đã lường trước được tình cảnh ế ẩm. Tuy nhiên, chị vẫn bày ít hàng để “thăm dò” thị trường. "Chắc ít nhất cũng phải hết tháng này may ra mới đông hơn được”, chị nói rồi nhìn vào hơn chục con chó nhập về từ chiều 5/6 vẫn còn nằm im trong chuồng.

Trong khi đó, vì chuyên bán buôn cho các cửa hàng lớn nên anh Phạm Văn Khánh, thôn La Dương, không thịt chó vội.

“Hơn 20 ngày chúng tôi bị cấm cũng đủ thời gian để khách quen mối mới rồi. Mình mất nhiều khách quá”, anh Khánh lo lắng. Đến sáng 7/6, cửa hàng của anh Khánh vẫn im lìm chờ đợi.

Thịt chó tại Dương Nội đang khó tiêu thụ. Các cửa hàng hầu như chưa bắt đầu công việc.

Hiện tại, người dân chưa thể nhập chó từ Thanh Hóa. Vì ngay khi có lệnh cấm, các đầu nậu buôn chó trong Thanh Hóa cũng đã kịp thời thông báo cho những người cung cấp, thu gom chó bên Lào, Thái Lan để không nhập nữa.

“Ít nhất cũng phải hết tháng này, hoặc may ra thì cũng phải đến ngoài 20 âm lịch mới có thể tiếp tục nhập chó từ Thanh Hóa như trước đây”, anh Khánh thông tin.

Số chó có trong chuồng của chị Hạnh, chị Khánh hiện tại là chó mua từ các đầu thu gom trong khu vực gần Hà Nội. Chó này giá đắt hơn 4 ngàn mỗi kg so với chó nhập từ Thanh Hóa.

Vì mục đích tái lập thói quen cho người mua nên những hộ kinh doanh giết mổ chó ở đây đang chấp nhận làm không công hoặc rất ít lãi trong những ngày đầu như thế này.

Người ăn cầm chừng

Cửa hàng thịt chó Anh Tú Béo (Nhật Tân) là cửa hàng duy nhất mở cửa sau lệnh cấm, lượng người ăn quá ít so với trước đây

Tại các cửa hàng bán thịt chó nấu chín, người dân vẫn ăn nhưng cầm chừng. Chủ một quán thịt chó trên phố Pháo Đài Láng cho biết: “Thứ nhất là do thời tiết đang nóng nực, hai nữa là thông tin chính xác về thịt chó sống có vi khuẩn tả cũng khiến người ăn e dè hơn".

Tại các phố như Núi Trúc, Nguyễn Chí Thanh hay khu Nhổn, người dân vẫn chưa mặn mà với thịt chó. 7 nhà hàng thịt chó trên Nhật Tân (Tây Hồ) cũng ở chung tình trạng ế ẩm.

Chủ quán thịt chó Anh Tú Béo cho biết: "Ngày 5/6 cửa hàng bán được nửa con. Hai ngày tiếp sau đều bán được gần một con. Quá ít so với trước đây".

Đây cũng là nhà hàng thịt chó duy nhất trên Nhật Tân mở cửa trở lại sau lệnh cấm. 6 nhà hàng khác vẫn im ỉm đóng cửa.

Chủ nhà hàng Anh Tú Béo phán đoán: "Chỉ ít ngày nữa thôi lại đông như cũ. Kinh nghiệm từ những năm trước là như vậy. Có thể người dân vẫn đang thăm dò xem thịt chó đã thực sự an toàn chưa".

Tại thời điểm này, chị khuyên những hộ kinh doanh chó không nên tiếp tục giết mổ vì chắc chắn sẽ ế. Các mối lấy hàng cũng không nên lo mất vì hầu như cửa hàng nào cũng nghỉ thời gian vừa rồi.

Giấp phép mới, điều kiện cũ?

Chiều ngày 4/6, 28 hộ gia đình kinh doanh giết mổ chó tại Dương Nội đã lên làm việc với trạm y tế xã, trung tâm y tế dự phòng Hà Đông về các vấn đề: tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, ký cam kết đảm bảo các điều kiện giết mổ kinh doanh (sức khỏe người giết mổ, hệ thống nước xả thải,…). Sau đó, các hộ gia đình đã được tái cấp phép kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quan sát, nơi giết mổ của các hộ gia đình, nơi thui chó, hệ thống nước xả thải vẫn như cũ. Các hộ dân phải thải qua hệ thống mương máng, rồi xả thẳng ra cánh đồng mênh mông sau nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật