Những kỷ niệm thú vị về Tết Đoan ngọ xưa

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều thú vị nhất trong ngày Tết Đoan ngọ là được cùng bà ngoại đi khảo mít. Bà cầm dao đứng dưới. Tôi leo lên cây nấp trong đám cành lá, đợi bà hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa chặt bỏ để giả giọng cây van xin, hứa sẽ ra thật nhiều quả.
Những kỷ niệm thú vị về Tết Đoan ngọ xưa
Những thứ quả không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ.

Cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ trải qua nhiều ngày Tết, lễ tiết trong năm. Mở đầu là Tết Nguyên đán, sau đó là Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), tháng ba có Tết Thanh minh, đến ngày 5/5 âm lịch thì ăn Tết Đoan ngọ,  còn gọi là Tết Đoan dương.

Thuở thiếu thời, bọn trẻ chúng tôi mong cho chóng đến Tết Đoan ngọ để được cha mẹ nhuộm móng tay, giết sâu bọ và được ăn nhiều hoa quả.

Cuối mùa xuân, khi nghe tiếng chim cuốc kêu dài dằng dặc, cây hoa lựu đầu tường nhà rực rỡ đâm bông, tiết trời nóng nực... là đến Tết Đoan ngọ. Sáng mùng bốn, bọn trẻ theo mẹ đi chợ Phùng để sắm Tết. Mẹ mua nhiều quả mận, quả dứa, quả muỗm và dưa hấu, mua cả bùa bằng chỉ ngũ sắc để đeo vào cổ tay. Mẹ còn mua nhiều đồ cúng lễ tổ tiên. Sau bữa cơm chiều, mẹ hái lá cây móng trồng phía sau bể nước của nhà, đem giã nhỏ rồi đắp vào mười đầu ngón tay của bọn trẻ chúng tôi, lấy lá vông buộc vào các ngón tay cho lá móng khỏi rơi, rồi mới cho đi ngủ.

Sáng sớm mùng 5, chúng tôi dậy sớm, mở bàn tay ra, lá móng đã tuột khỏi các đầu ngón tay lúc nào không biết . Ồ đẹp quá! Cả 10 móng tay đã nhuộm màu đỏ tươi hồng. Mẹ bảo, làm như vậy, móng tay vừa đẹp vừa sạch sẽ. Thích nhất vẫn là bọn con gái, thường thi nhau với bọn bọn trẻ hàng xóm xem móng tay ai đỏ hơn ai.

Rồi cả nhà cùng ăn các loại hoa quả, rượu nếp vào buổi sáng để giết trừ sâu bọ (giun sán) ở trong người. Mẹ còn đeo vào cổ chúng tôi một túi nhỏ bên trong có củ tỏi và đeo chỉ ngũ sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng) vào cổ tay để trừ tà ma. Bọn trẻ thích thú lắm.

Ban ngày, mẹ còn đưa chúng tôi đi hái các loại "lá mùng 5" gồm các lá cối xay, ích mẫu, lá vối, lá muỗm, ngải cứu... đem về ủ rồi phơi khô để uống dần. Mẹ bảo rằng thứ lá đó uống vào được là rất lành, có lợi cho sức khỏe.

Nhưng thú vị nhất đối với tôi trong ngày này là được cùng bà ngoại đi khảo mít. Bà ngọai cầm dao đứng ở dưới, tôi leo lên cây, nấp trong đám cành lá sum suê. Bà gọi: “Mít kia ?”.  Tôi ngồi trên cây giả giọng mít thưa: “Dạ”. Bà tôi hỏi: “Năm sau mày có ra quả không?”. Tôi đáp: “Không ạ”. “Không ra quả thì tao chặt mày đây”, bà tôi nói rồi cầm dao chặt đánh bốp một cái vào gốc mít. Tôi lại giả giọng mít kêu toáng: “Ái đau quá, đau quá”. “Mày không ra quả này”, bà tôi lại chặt tiếp vài nhát nữa. Lúc này tôi nói: “Con xin bà, con xin bà, con chừa rồi ạ. Năm sau con sẽ ra quả”. Bà tôi lại bảo: “Được rồi, năm sau mày không ra quả thì tao chặt. Nghe chưa?”. Tôi đáp: “Dạ. Con sẽ ra nhiều quả ạ”.

Kết thúc cuộc khảo mít, hai bà cháu tôi thường chặt bớt những cành bị sâu, phát quang xung quanh. Năm sau, mít ra quả lúc lỉu từ gốc lên đến lưng chừng cây, cây nào cũng vậy.

Ấn tượng về Tết Đoan Ngọ hằng năm còn mãi trong tâm trí tôi. Có lần tôi tò mò hỏi ông nội, ông bảo rằng: Tết này bắt nguồn từ Trung Quốc, sang đến nước ta đã được bản địa hóa, mang một ý nghĩa thiết thực, gắn với đời sống con người. Mùa hè thường sinh ra nhiều bệnh dịch, tục “giết sâu bọ” của Tết Đoan ngọ có ý nghĩa làm sạch môi trường và thân thể, nâng cao ý thức phòng bệnh của con người. Nhuộm móng tay vừa làm đẹp đôi bàn tay cho trẻ nhỏ vừa sát trùng sạch sẽ, vệ sinh. Những “cây nhà, lá vườn” thật là có ích cho cuộc sống.

Ngày nay, Tết Đoan ngọ vẫn còn duy trì ở khắp các làng quê, cả thành phố. Kinh tế thị trường phát triển, lễ vật dâng cúng tổ tiên phong phú, khả giả hơn. Hoa quả vườn quê cũng nhiều hơn, nhưng ít còn thấy tục dùng lá móng nhuộm đỏ ngón tay trẻ em... Ở thành phố, con gái bây giờ nhuộm móng tay bằng thuốc đắt tiền, không phải để phòng bệnh mà chủ yếu là để làm đẹp.

Trước sự gia tăng các loại bệnh dịch nguy hiểm, môi trường sống bị xâm hại... thì ý nghĩa và tác dụng thiết thực của ngày Tết Đoan ngọ với phong tục dân gian giết trừ sâu bọ càng trở lên cần thiết.

Một số tục của người Việt trong ngày Tết Đoan ngọ:

Tắm nước lá mùi: Người ta đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người thay nhau múc tắm để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn. cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc nam.

Hái thuốc mồng năm: Cây cỏ quanh nhà được hái vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch, lại đúng vào giờ Ngọ để chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu, đau xương...

Treo cây ngải cứu trừ tà ma: Người ta lấy cây ngải cứu buộc gom thành nắm, treo ở đầu nhà, trước cửa để trừ tà ma. Thực tế thì hương thơm lá ngải sẽ giúp con người dễ chịu, khoan khoái, bớt nhức đầu, đầy bụng.

Đeo "bùa tui bùa túi": Bùa làm từ chỉ ngũ sắc, bên trong có hạt mùi, hồng hoàng, quả mận…, đeo cho trẻ em để trừ ma quái, hy vọng sẽ đảm bảo cho thế hệ trẻ được khoẻ mạnh.

Nhuộm móng tay, móng chân: Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, tục này còn có ý nghĩa trừ ma tà lôi kéo làm hại con người.

Khảo cây lấy quả: Dân gian quan niệm cây cũng có linh hồn nên những cây "chây luời" không chịu ra quả phải bị khảo. Một người trèo lên cây, một người cầm dao đứng dưới gốc. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây giả giọng cây van xin được tha, hứa ra thật nhiều quả. Thường thì trong dịp này, các cành rườm rà được phát bớt và mùa tới cây sẽ ra quả. Việc này khó giải thích, nhưng có thể do việc đánh mạnh vào cây, làm cỏ, phát bớt cành đã kích thích sự ra quả cho cây. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật