Rừng - Cao su bi ký

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Ðấy gần như là chân lý. Rừng Tây Nguyên chủ yếu là rừng già, hệ sinh thái rất phong phú...
Rừng - Cao su bi ký
Rừng được phá để trồng cao su.

Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Ðấy gần như là chân lý. Rừng Tây Nguyên chủ yếu là rừng già, hệ sinh thái rất phong phú, nó làm nên một đặc trưng rất riêng của vùng đất cao nguyên Trung phần. Nhưng cũng không biết từ lúc nào, cũng không xa lắm đâu, đã có cái câu rất cay đắng: “Về cơ bản chúng ta đã phá xong rừng.

Rừng trong ký ức

Tôi lên Tây Nguyên từ năm 1981. Khi ấy rừng lan khắp phố, những ngôi nhà ẩn dật trong rừng, những con đường len lỏi trong rừng, chỉ ra khỏi thành phố chừng 3 cây số là đã ngập trong rừng. Không chỉ cây, mà rất nhiều động vật gắn với rừng nhởn nhơ bên đường vào ban đêm. Trên đường từ Kon Tum về Pleiku chỉ hơn 40 cây số, nếu chạy ban đêm, sẽ gặp rất nhiều thỏ rừng, nai, hoẵng... lang thang kiếm ăn bên đường, bị đóng đèn xe, chúng bất động đứng nhìn...

Rừng đã chung thủy, song hành với người Tây Nguyên hàng vạn năm nay. Rừng chở che, nâng đỡ, hòa đồng... con người. Và con người thì nâng niu, quý trọng, cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ... với rừng, tạo nên một văn hóa rừng, một nền văn minh rừng. Con người tồn tại bằng cách hòa vào rừng, là một thành tố của rừng, sống với rừng, chết với rừng, làm nên một văn hóa rừng trong một đời sống cực kỳ nhân văn và vị tha.

Trong luật tục của người Tây Nguyên, có những điều luật rất khắt khe để bảo vệ rừng. Như không được chặt cây con, không bắt những con thú nhỏ hoặc đang chửa, vay nợ của rừng phải trả (những người phụ nữ Tây Nguyên sinh con mà không có sữa chẳng hạn, họ sẽ “vay” sữa của những cây sung). Ngay bắt một tổ ong, thì họ cũng không tận diệt như một số người hiện nay là dùng lửa đốt, mà họ chỉ khéo léo lấy mật, còn vẫn bảo vệ đàn ong để chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở. Gọi là họ du canh du cư đốt rừng làm rẫy, nhưng không bao giờ đốt tràn lan, họ chọn cách đốt để rừng còn tái sinh, và cũng không phải du canh là họ bỏ rẫy, mà sau một chu kỳ, khi đất hết chất nuôi cây thì họ đi, đến khi rẫy có màu trở lại thì họ quay về làm tiếp...

Từ khi chúng ta có những chính sách quyết liệt để bảo vệ rừng thì, có vẻ như rừng càng bị phá một cách triệt để.

Thôi không nói về cái sự mất rừng một cách “tự phát” nữa. Nói tự phát bởi do dân phá, do Nhà nước phá... nhưng không có những chủ trương lớn, cụ thể, mà nó là những vụ nhỏ, lẻ tẻ. Nhỏ, lẻ tẻ nhưng cộng lại nó thành lớn.

Tôi nói về một chủ trương lớn, khiến rừng gần như chính thức bị khai tử.

Nay còn đâu?

Ấy là vào năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý chủ trương phát triển 100.000ha cao su trên các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó riêng tỉnh Gia Lai được chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo để trồng cao su.

Một chiến dịch phá rừng “hoành tráng” và công khai được mở ra.

Ngay từ khi ấy đã có nhiều ý kiến rằng, không thể đổi rừng lấy cao su, dẫu là rừng nghèo. Mà ngay cái quan niệm rừng nghèo cũng rất mù mờ. Cũng có ý kiến đối lại, là cao su cũng là rừng. Mà rừng này lại sinh lợi, những cái lợi thấy ngay, bà con người dân tộc thiểu số có việc làm, sẽ trở thành công nhân cao su, có thu nhập, và tức là sẽ đổi đời.  Ý kiến bảo vệ rừng gay gắt hơn: Rừng là môi trường sống của người Tây Nguyên, mất rừng người Tây Nguyên sẽ bơ vơ ngay trên mảnh đất của mình. Rừng làm nên văn hóa, bản sắc, đời sống Tây Nguyên. Không còn rừng sẽ không còn Tây Nguyên, vân vân...

Công việc vẫn được triển khai. Đến nay người ta đã khai hoang trồng mới được 25.891,9ha cao su. Nhưng cũng đến nay đã kịp có 2.598,8ha cao su đã trồng bị chết hoặc kém phát triển. Khi nhận đất thì rất hăm hở, và báo cáo là cao su trồng trên đất rừng khộp rất hợp, nhưng bây giờ cũng những đơn vị ấy báo cáo là cao su trồng trên rừng khộp không hợp, và xin chuyển đổi mục đích. Những người am hiểu, bảo đây mới chính là mục đích chính của việc họ ồ ạt nhận đất rừng khộp trồng cao su? Khi nhận đất trồng cao su, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển lao động là người dân tộc bản địa... nhưng thực tế, những cam kết này chủ yếu nằm trên... giấy. Các doanh nghiệp chủ yếu chỉ đầu tư xây dựng trụ sở, nhà ở công nhân, đường giao thông trong dự án... còn việc hỗ trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội thì phần lớn là... lơ.

Trong dự án đã duyệt thì các doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng 9.379 lao động dài hạn, nhưng mới đây, hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đi giám sát thì các doanh nghiệp mới chỉ tuyển dụng 2.254 lao động dài hạn, gần 4.000 lao động thời vụ, trong đó chỉ có 777 công nhân là người dân tộc bản địa. Rõ ràng là một con số quá ít so với cam kết và so với thực tế...

“Siêu dự án” này 7 năm qua đã bộc lộ rất nhiều những bất cập về nhiều mặt, cả về phát triển kinh tế lẫn phát triển đời sống xã hội, bảo đảm an sinh. Cũng hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai qua giám sát đã chỉ ra, nhiều doanh nghiệp đã tự tiện chuyển đổi mục đích sử dụng, ví dụ trồng cỏ nuôi bò (Trời ạ, rừng của người ta mà phá đi để giờ trồng cỏ nuôi bò. Lại nhớ hồi nào nhiều diện tích rừng cũng bị phá đi để trồng sắn. Nhưng trồng sắn cũng còn khả dĩ bởi nó có mục đích cao đẹp là cứu đói cho dân trong thời kỳ ấy)... Báo cáo của HĐND tỉnh Gia Lai tại kỳ họp mới đây nhất về chất lượng vườn cao su của dự án - sau quá trình đi thực địa khiến ai cũng phải giật mình: 10,2% diện tích cao su đã trồng bị chết và kém phát triển. Diện tích cây có tỷ lệ sống thấp, phát triển quá kém lên đến 65%. Có lô bị chết hoàn toàn, cá biệt có lô cao su chủ dự án trồng lại nhiều lần nhưng cây vẫn không phát triển...

Muộn còn hơn không

Một cán bộ lâm nghiệp rất tâm huyết với rừng Tây Nguyên, nhiều năm qua đã âm thầm khổ sở nhìn rừng bị phá công khai hàng ngày, đã lặn lội vào hầu hết các khu rừng “gọi là nghèo” bị triệt hạ quả quyết rằng, toàn là rừng “xịn” cả đấy. Còn vì sao từ rừng “xịn” thành rừng nghèo thì là cả một “công nghệ” mà ai cũng biết nhưng cũng chả ai nói. Và nay cứ cho là rừng nghèo thì nó vẫn là rừng chứ không thể ngụy biện rằng cao su cũng là rừng được. Ngay một số khu rừng khộp tồn tại trên đá thì nó vẫn có tác dụng rất lớn về môi sinh, giờ phá ra trồng cao su không được lại để trồng cỏ thì vô cùng vô lý. Một cựu Bí thư huyện ủy thì nói: nhẩm thử thì thấy cứ tốc độ giao rừng thế này, so sánh số dân trong làng và số rừng cấp cho doanh nghiệp, có khi dân không còn chỗ... đi tiểu.

Nơi đây ngày xưa từng là rừng già.

Một chuyên gia kỳ cựu về nông nghiệp nông thôn của tỉnh Gia Lai trao đổi với người viết mấy điều rút ra như sau:

Một là không ai làm cái việc đổi tài nguyên rừng lấy nông sản, đây là việc “ngu”.

Hai là trong khi đồng bào Tây Nguyên và không gian sinh tồn của họ bị thu hẹp, không có đất sản xuất cho họ đủ sống thì Nhà nước lại phá hàng ngàn héc-ta rừng. Hiện nay vấn đề đất sản xuất cho người dân tộc Tây Nguyên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi đất của họ, hoặc đã bán, hoặc đã thu hồi. Họ lùi vào rừng sâu, nhưng rừng lại là tài sản quốc gia, là thứ quốc cấm. Thế là họ trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất của cha ông họ. Nhưng làm thuê cũng không có việc. Ngay các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tuyển dụng mà họ cũng cố trốn tránh, để ra miền Bắc hoặc Trung tuyển người. Đây là một trong những vấn đề rất gay gắt ở Tây Nguyên hiện nay.

Ba là giao đất cho các đại gia sẽ không thu được bao nhiêu tiền, nói chính xác là Nhà nước không thu được bao nhiêu, họ chỉ hứa hão. Mục đích chính, tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận, không bao giờ có từ thiện. Nếu có từ thiện cũng là để phục vụ lợi nhuận.

Bốn là đã có ai thống kê việc các doanh nghiệp tuyển nhân công là người dân tộc được bao nhiêu, xây dựng hạ tầng cơ sở được bao nhiêu... Theo anh này, sau khi đã lặn lội khảo sát thì chưa được bao nhiêu.

Một lãnh đạo HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu ngay trên nghị trường: “Việc tổ chức, triển khai dự án này quá chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích để đạt về số lượng, diện tích”.

Được biết tỉnh Gia Lai đã có đề nghị gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quyết định kết thúc việc phát triển cây cao su trên đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án trồng rừng thay thế, phục hồi lại rừng nghèo. Nếu chủ trương này thực hiện, thì hơn trăm năm hoặc là lâu hơn nữa, chúng ta lại sẽ có rừng như cách đây 7 năm. Và lại sẽ có tiền tỉ đổ vào các dự án trồng lại rừng này?

Muộn còn hơn không. Nhưng nói gì thì nói, cái “siêu dự án” này đã phải trả giá quá đắt, mà người chịu giá ấy, cụ thể và gần gũi nhất, không ai khác, chính là những người nông dân Tây Nguyên...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật