Bảo tàng Mỹ thuật xây dựng nhiều hoạt động giáo dục nghệ thuật

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau ba năm triển khai, dự án về giáo dục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng được tám chương trình cho học sinh trải nghiệm, học tập.
Bảo tàng Mỹ thuật xây dựng nhiều hoạt động giáo dục nghệ thuật
Học sinh THCS - THPT Nguyễn Tất Thành học lịch sử qua các tác phẩm gốm ở bảo tàng.

Dự án "Phát triển chương trình giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Wallonie - Bruxelles.

Bà Minh Nguyệt hướng dẫn học sinh trải nghiệm tác phẩm ký họa Trần Văn Cẩn.

Các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp triển khai dự án dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Marie - Aude Laoreux (Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Bỉ - bảo tàng được xếp hạng đầu về công tác giáo dục tại châu Âu). Ba năm qua, bà Marie - Aude Laoreux đã thực hiện những chuyến công tác sang Việt Nam, làm việc trực tiếp hoặc liên tục trao đổi qua internet nhằm cung cấp lý thuyết, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Sau thời gian triển khai, dự án thử nghiệm được tám chương trình dành cho học sinh trong nhà trường và ba chương trình cho đối tượng gia đình. Bà Minh Nguyệt - người phụ trách hoạt động giáo dục của Bảo tàng Mỹ thuật - cho biết, tám chương trình dành cho học sinh đều được tích hợp với các tiết học trong trường. Ví dụ, chương trình "Tinh thần lạc quan trong lao động sản xuất qua sưu tập tranh khắc gỗ" dành cho học sinh lớp 8, kết hợp với môn Giáo dục Công dân và môn học Mỹ thuật. Chương trình "Âm vang hào khí Điện Biên" được xây dựng cho học sinh lớp 9, gắn với tiết học Lịch sử và Mỹ thuật....

Hầu hết các chương trình đều có tính giáo dục thẩm mỹ dựa trên các tác phẩm, hiện vật sưu tầm của bảo tàng. Bên cạnh đó, học sinh còn được trải nghiệm, tự làm tranh khắc theo phương pháp dân gian, gấp hình, vẽ tranh... nhằm khuyến khích sự quan sát, tính kiên trì, óc tưởng tượng, sáng tạo.

Từng đưa học sinh trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành tham gia chương trình giáo dục tại bảo tàng, giáo viên Thu Anh nhận xét: "Các em đều cảm thấy hào hứng khi khám phá, hiểu biết thêm về mỹ thuật Việt Nam. Thông qua nghệ thuật, các em có thể hiểu thêm về kiến thức khác".

Tiến sĩ Bùi Thanh Mai - Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - đánh giá để xây dựng được tám chương trình giáo dục trong ba năm là một cố gắng lớn của những người thực hiện. "Các chương trình phong phú, không lặp lại nhàm chán. Đó là một nỗ lực lớn khi trước đây chúng ta chưa có nền tảng về hoạt động giáo dục" - tiến sĩ nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật