Sa thải 185 giáo viên: Huyện Sóc Sơn đã vi phạm gì?

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nối tiếp loạt bài phản ánh huyện Sóc Sơn, Hà Nội sa thải cùng lúc 185 giáo viên mầm non sau khi họ đã có 34 tháng giảng dạy tại trường gây bức xúc và nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Sa thải 185 giáo viên: Huyện Sóc Sơn đã vi phạm gì?
Ảnh minh họa

Vì sao huyện Sóc Sơn, Hà Nội sa thải đồng loạt 185 giáo viên?

Báo đã có cuộc gặp gỡ với luật sư Trần Anh Dũng - đại diện văn phòng luật sư Báo để có thể hiểu hơn về những quyết định cũng như những sai phạm mà huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã và đang thực hiện.

Theo như đơn thư phản ánh của 185 giáo viên gửi tới tòa soạn báo và qua tìm hiểu, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy tại các trường Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn, năm 2012, UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội tổ chức một kỳ thi tuyển. Những giáo viên đã dạy hợp đồng trước đó với huyện sẽ tham gia kỳ thi tuyển viên chức nếu có bằng tốt nghiệp loại giỏi hoặc khá. Các giáo viên không thi đỗ hoặc không được thi sẽ không được nhận hoặc ký hợp đồng tiếp tục với huyện nữa. Nhưng sau khi kỳ thi diễn ra, các giáo viên vẫn tiếp tục được huyện ký hợp đồng lao động ngoài biên chế và được giữ lại dạy như bình thường. Đến năm 2014, một kỳ thi nữa lại được diễn ra và tình trạng trên vẫn lặp lại. Trong cả hai năm 2013 và năm 2014 UBND huyện Sóc Sơn đã có 2 lần tổ chức kỳ thi tuyển viên chức làm giáo viên mầm non trong địa bàn huyện, tuy nhiên dù không đỗ hay không thi các giáo viên đều được giữ lại mà không có bất kỳ lý do gì cũng không làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho đến hết năm 2014.

Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về chỉ tiêu tuyển dụng ngành giáo dục từ bậc mầm non đến THCS.

Tháng 6.2015, Phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn gửi thông báo tới các trường Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn với nội dung thông báo như sau: “Thực hiện đúng thông báo của UBND huyện quy định kéo dài thời gian hợp đồng đối với Giáo viên đến hết tháng 06/2015.… Đề nghị kế toán các trường tạm thời không cho các Giáo viên hợp đồng vào bảng lương quý 03 năm 2015 …”.

Điều này ngay lập tức đã gây chấn động và có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống các cán bộ nhân viên, các giáo viên đang dạy và chăm sóc trẻ trong trường mầm non. Điều đáng nói, trong suốt 3-4 năm đi dạy, 185 giáo viên này đều là giáo viên dạy giỏi và không vi phạm bất kỳ một quy chế nào của trường hay huyện đề ra. Thậm chí, có nhiều giáo viên còn được các gia đình yêu quý vì nhiệt tình trong công việc và chăm sóc các trẻ em trong trường, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, trách nhiệm của một giáo viên.

Lý giải về điều này khi gặp gỡ các giáo viên đã bị sa thải một cách bất ngờ, ông Lê Hữu Mạnh - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Năm 2014 là năm thi cuối cùng để các giáo viên được xét đặc cách vì có thâm niên trên 3 năm công tác tại trường mầm non. Tuy nhiên, huyện vẫn phải ký quyết định thôi việc với các cô vì ... nếu tiếp tục ký hợp đồng với các cô thì huyện sẽ sai. Còn các cô khi chấm dứt hợp đồng cũng được giải quyết chế độ chính sách" (chế độ giáo viên dạy trên 3 năm sẽ được xét đặc cách vào thẳng viên chức mà không cần qua thi tuyển)." "Tôi vẫn lấy làm tiếc 1 việc, lẽ ra cái việc này (chấm dứt hợp đồng). Huyện phải làm cương quyết từ năm 2013, khi bắt đầu thi tuyển tất cả các hợp đồng. Sau khi thi xong không đỗ, chúng tôi ra quyết định cắt hợp đồng, nhưng ký lại hay không là do nhu cầu công việc.” - ông Mạnh quả quyết.

Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên cụ thể của huyện Sóc Sơn, Hà Nội tại các trường mầm non trong năm 2015

Cắt hợp đồng 185 giáo viên: huyện Sóc Sơn đã sai phạm gì?

Theo như Quyết Định số: 4210/QĐ-UBND “V/v phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UNND quận, huyện, Thị xã của TP Hà Nội năm 2013", huyện Sóc Sơn có gần 28 trường mầm non công lập chỉ tiêu đưa ra khi ấy là 250 người nhưng trong đó có 187 trường hợp giáo viên được đặc cách. 185 giáo viên kia, dù thi hay không thi vẫn được giảng dạy tại trường theo như lý giải của UBND thì lý do giữ lại là "vì nhu cầu công việc, vì thiếu giáo viên".

Tiếp theo, ngày 23.7.2015, theo Quyết Định số 3446/QĐ – UBND “V/v phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, Thị xã của TP Hà Nội năm 2015” - toàn Hà Nội tuyển 2.437 giáo viên mầm non, số viên chức mầm non của huyện Sóc Sơn sẽ lấy chỉ tiêu 50 giáo viên cho 28 trường.

Qua đó, có thể thấy rõ, việc huyện Sóc Sơn bỗng dưng đồng loạt dừng ký hợp đồng với 185 giáo viên vào ngày 1.7.2015 và tháng 9 tới đây sẽ tuyển về 50 giáo viên đạt yêu cầu và trúng tuyển trong kỳ thi viên chức 2015 thì chắc chắn 50 giáo viên đó sẽ không đủ để bù đắp cho 28 trường mầm non trên địa bàn huyện. Nhất là khi 185 giáo viên này bị sa thải và các cô đều cho biết, trong quá trình công tác gần 3 năm nay tại trường họ đều phụ trách từ 12-15 cháu/1 giáo viên. Và việc sắp tới đây, huyện Sóc Sơn thiếu trầm trọng giáo viên là điều đương nhiên. Phải chăng, việc "cố tình" sa thải đồng loạt các giáo viên này để phục vụ một lợi ích nào đó hoặc để tránh tình trạng "đặc cách" các giáo viên khi dạy đủ 3 năm ở một ngôi trường?

Luật sư Trần Anh Dũng - đoàn luật sư Hà Nội, đại diện văn phòng luật sư Báo trả lời câu hỏi của báo chí xoay quanh vấn đề sa thải 185 giáo viên của huyện Sóc Sơn

Trả lời câu hỏi của báo sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng như các giấy tờ liên quan, luật sư Trần Anh Dũng - đoàn luật sư Hà Nội, đại diện văn phòng luật sư Báo cho biết: Việc UBND huyện giao cho Hiệu trưởng các trường Mầm Non ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với các Giáo viên Mầm non là trái quy định của Pháp Luật.

Thứ nhất: việc UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội giao cho Hiệu trưởng các trường ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với một số Giáo viên các trường Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn không thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển sau ngày 1.1.2012 là không đúng với quy định của Pháp Luật tuyển dụng, xét tuyển viên chức.  Việc ký hợp đồng ngoài biên chế đối với một số Giáo viên trong thời gian dài vừa qua là chỉ để “chữa cháy” đối với hiện tượng thiếu hụt giáo viên Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Sau đó lại sa thải họ một cách không thương tiếc, đem con bỏ chợ dẫn đến một số giáo viên nhiều năm tâm huyết, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vô cùng bức xúc và gặp muôn vàn khó khăn, không biết đi đâu về đâu.

Thứ hai: việc giao kết hợp đồng lao động đối với Giáo viên Mầm non ngoài biên chế: toàn bộ quá trình giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng các giáo viên đều phải bắt buộc thực hiện theo sự chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn. Trong khi đó, hợp đồng lao động mà các Giáo viên tham gia ký kết là thỏa thuận giữa một bên là Giáo viên với một bên là Trường Mầm non chứ không phải là UBND huyện. Câu hỏi đặt ra là: Trường mầm non hay UBND huyện Sóc Sơn mới là chủ thể của hợp đồng lao động?. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động giữa nhà trường và giáo viên liệu có được tự nguyện hay có sự chỉ đạo, ép buộc từ cấp trên?

Thứ ba: Khi được UBND huyện ra quyết định hợp đồng với các giáo viên và giao cho các trường Mầm non thực hiện ký kết hợp đồng với Giáo viên ngoài biên chế. Sau khi ký kết hầu hết các trường đều thu lại ngay hợp đồng mà không giao cho bất kỳ các giáo viên một bản hợp đồng nào.

Thứ tư: Từ ngày 1.9.2012  đến 31.12.2014, rất nhiều trường hợp Giáo viên ký kết hợp đồng lao động với nhà trường là loại hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn 1 năm. Tuy nhiên có những hợp đồng lao động chưa hết thời hạn đã bị UBND huyện, Hiệu trưởng các trường ép buộc phải thanh lý hợp đồng lao động trước thời hạn và lại tiếp tục bắt Giáo viên ký hợp đồng lao động mới có thời hạn 6 tháng.

Qua những điều trên, các câu hỏi được đặt ra nhưng khi báo chí thông tin với ông Lê Hữu Mạnh thì sau 2 tuần liên lạc, ông Mạnh vẫn chưa sắp xếp được lịch làm việc cụ thể với các cơ quan báo chí để trả lời các câu hỏi trên mà dư luận đã và đang quan tâm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật