Nhạc sư 98 tuổi đến tiễn biệt Giáo sư Trần Văn Khê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyễn Vĩnh Bảo - nhạc sư nổi tiếng - chia sẻ tim ông thắt nghẹn vì sự ra đi của người bạn tri âm của mình.
Nhạc sư 98 tuổi đến tiễn biệt Giáo sư Trần Văn Khê
Nhạc sư Vĩnh Bảo và con gái chạm tay lên linh cữu, bày tỏ niềm thương nhớ Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Thoại Hà.

Trưa 26/6, dưới làn mưa đầu mùa của TP HCM, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tóc bạc phơ trầm ngâm đứng trong sân nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh - tư gia và là nơi diễn ra tang lễ của Giáo sư Trần Văn Khê. Ông là một trong những bậc thầy trứ danh của làng nhạc cổ truyền Việt Nam. Không phải lúc nào Nguyễn Vĩnh Bảo cũng xuất hiện ở nơi đông người. Vì thế, việc ông có mặt từ sớm ở đám tang của người bạn thâm giao thu hút sự chú ý của nhiều người.

Ở tuổi 98, khi được hỏi cảm xúc trước tin Giáo sư Khê qua đời, ông đều từ chối bày tỏ. Thế nhưng, xuất hiện tại tang lễ Giáo sư Khê, ông không giấu được sự buồn bã lúc thắp cho bạn nén hương, chạm tay lên linh cữu bạn lần cuối và ngồi nắn nót viết vào sổ tang dòng tưởng niệm bằng tiếng Pháp. Ông đùa, viết bằng tiếng Pháp để riêng cho bạn Khê đọc thôi. "Bạn Khê ơi, tôi viết những dòng chữ này với tất cả xúc động. Cái chết của bạn là sự giải thoát cho bạn nhưng gia đình và bạn bè đều đau khổ. Tim tôi se thắt lại và lòng tôi mãi mãi đau đớn...", Vĩnh Bảo ghi.

Những ngày Giáo sư Khê cấp cứu ở phòng hồi sức của bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM, một trong những ý nguyện cuối đời của Giáo sư Khê là được nghe tiếng đàn tranh của Vĩnh Bảo. Được báo tin này, ông Vĩnh Bảo ngồi vào đàn dạo khúc Nam xuân, ghi âm khúc nhạc và gửi sang bệnh viện cho bạn nghe. "Lúc đó, với khúc Nam xuân, tôi muốn van vái có phép màu gì để anh hồi phục lại sức khỏe", ông kể.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu - Tôn Nữ Thị Ninh - trò chuyện với nhạc sư Vĩnh Bảo tại tang lễ Giáo sư Trần Văn Khê chiều 26/6. Ảnh: Thoại Hà.

Mối thâm giao giữa Giáo sư Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu từ thập niên 1960 dù trước đó, cả hai từng quen nhau khi dạy chung trường trung học ở Sài Gòn. Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp. Có một người học trò của Vĩnh Bảo khoe với Giáo sư Khê những bản ghi âm tiếng đàn của thầy mình. Từ tiếng đàn tranh, ở hai phương trời xa xôi, hai tâm hồn yêu nhạc dân tộc bắt đầu liên lạc thư từ thường xuyên với nhau để trao đổi tâm tư, tình cảm.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê rất mê tiếng đàn tranh Vĩnh Bảo. Trong những bức thư hai ông trao đổi với nhau, Giáo sư Khê luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ ông dành cho người ông xem là một bậc thầy. "... Tiếng đàn của anh thanh thoát, uyển chuyển như hạt châu rơi trên mảnh pha lê khiến cho người nghe có cảm giác đê mê, thích thú...", cố Giáo sư từng bày tỏ cảm nhận.

Năm 1971, một đại học ở Mỹ mời nhạc sư Vĩnh Bảo từ Sài Gòn sang Mỹ giảng dạy đàn tranh. Lúc đó, trường này cũng mời cả nhạc sĩ Phạm Duy và Giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp sang. Cả ba người nghệ sĩ Việt hội ngộ trên xứ người, cùng nhau dạy, diễn giải và biểu diễn âm nhạc Việt tại các hội thảo. Chương trình này rất thành công và nhạc sư Vĩnh Bảo được đại học Mỹ vinh danh.

Từ chuyến đi, Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục mời Vĩnh Bảo sang Pháp ở với ông một thời gian vì có nhiều cơ quan, tổ chức văn hóa, âm nhạc Pháp muốn mời Vĩnh Bảo sang nói chuyện âm nhạc cổ truyền. Nhạc sư cũng có thời gian dạy đàn tranh cho cho con gái của Giáo sư Khê là bà Thủy Ngọc.

Năm 1972, Vĩnh Bảo cùng Giáo sư Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocara và UNESCO tại Paris. Nhạc sư Vĩnh Bảo nhớ lại, các đĩa nhạc này được UNESCO mua bản quyền, trả thù lao đàng hoàng cho hai nghệ sĩ. Ngoài ra, khi công việc hoàn thành, giám đốc dự án còn thưởng thêm tiền. "Tôi nói với anh Khê hai đứa mình chia nhau nhưng anh Khê nói để lại hết cho tôi. Anh Khê thương tôi lắm. Anh qua đời, tôi tiếc vì mất đi người bạn nhưng mà tôi mừng cho bạn tôi thoát khỏi những hành hạ của bao năm trời bệnh tật", nhạc sư 98 tuổi chia sẻ.

Ông Hoàng Đức Long - Vụ trưởng, thư ký Chủ tịch nước , thay mặt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) - cùng nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đến thắp hương, ghi cảm tưởng vào sổ tang. Ảnh: Thoại Hà.

Trong ngày viếng đầu tiên, nhiều lãnh đạo của TP HCM, các nghệ sĩ cùng rất đông sinh viên các đại học đến thắp hương cho Giáo sư Khê.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu - bà Tôn Nữ Thị Ninh - nằm trong số những người đến viếng đầu tiên. Bà Ninh bày tỏ: "Tôi hy vọng với sự ra đi của thầy, điều mà chúng ta có thể làm cho thầy vui lòng nơi chín suối là chúng ta có thể gìn giữ và phát huy vốn âm nhạc dân tộc thầy đã dày công suốt đời tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá. Đó là mong muốn lớn nhất của thầy. Tôi nghe gia đình có ý định thành lập quỹ học bổng Trần Văn Khê. Tôi cho đó là một cách để xã hội và mọi người có thể góp sức để học trò của thầy - thế hệ này và thế hệ tiếp theo - có thể tiếp bước con đường học tập, nghiên cứu và biểu diễn".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật