Buồn thay, ngôn ngữ tuổi “teen”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một lần tham dự buổi gặp mặt đầu xuân của nhóm sinh viên, tôi được chứng kiến những câu chuyện mà thỉnh thoảng họ lại sử dụng thứ ngôn ngữ khiến người nghe không sao hiểu nổi.

Chuyện thứ nhất:

- Đầu năm xui quá! Trước hôm về Tết mình đã mang gửi ít đồ ở nhà trọ, thế mà hôm lên bị mất sạch. Cũng may chỉ toàn đồ cũ. Năm nay xem chừng ông bà “bô” uông bí nên ngại chẳng dám moi. Cậu còn tiền không cho tớ vay tạm một ít?

- Ông cứ làm như tôi trần văn giàu lắm đấy! Đang lý thường kiệt đây.

- Làm gì mà trưng trắc thế, không sợ quỵt đâu mà lo.

- Không có thật mà...

Chuyện thứ 2:

- Này, mấy bà biết không, Lan “béo” lớp mình uống rượu nguyễn văn cừ lắm nhé!

- Hức! Sao bà biết?

- Thì hôm Tết nó lên nhà tôi đúng lúc cả nhà đang ăn cơm. Ông anh tôi lấy chén phan đình giót chúc nó đầu năm. Thế mà mụ ta bắc cạn luôn, lại còn thêm chén chào mâm nữa chứ!

- Chắc lúc đó cô nàng cà phê rồi! Nhưng từ trước đến nay nó có bao giờ uống rượu đâu. Để hôm nào gặp tôi hỏi thử xem sao.

- Ừ, bà cứ hỏi đi! âu cơ luôn...

Chuyện thứ 3:

- Đợi lâu quá! Chẳng biết bọn Cường “tồ” có đến không?

- Để tớ phone cho nó xem sao.

- Thôi, thôi, nó đến kia rồi... Ái chà, trông oách chưa! Oai như tuấn kiếm ấy!

- Ừ, trông phong độ gớm! Chắc được nàng đầu tư cho đây.

- Phăng teo lâu rồi. Cậu đúng là... âm lịch!

Chưa đầy nửa tiếng, những câu chuyện như thế cứ xuất hiện râm ran. Ngay cả lúc vào mâm họ vẫn dùng thứ ngôn ngữ ấy khiến tôi có cảm giác kiểu nói đó đã trở thành thói quen, một trào lưu phá cách ngôn ngữ quái gở! Đem theo tâm trạng băn khoăn trao đổi với người bạn, anh tỏ ra am hiểu: Ôi dào, ông cứ đến chỗ nào có học sinh, sinh viên tụ tập đều có thể nghe được vô số những câu tương tự. Này như: âu cơ là tiếng đọc chệch của O.K; trưng trắc ý nói ki bo, chắc lép v.v.. Còn tuấn kiếm... Anh ngừng lại giây lát: Ông có biết tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tay cầm thanh thần kiếm không? Tôi giật mình, kiểu “chơi chữ” nghịch nhĩ ấy thì chỉ có những cô cậu choai choai mới có thể nghĩ ra. Hàng loạt nhân vật lịch sử có công với nước, những chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên trung... bỗng chốc tên của họ trở thành trò đùa trong những câu chuyện phiếm tầm thường. Chẳng biết các bạn trẻ nghĩ gì khi mà các giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức đang bị chính thứ “ngôn ngữ” của các bạn xâm hại?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật